Xây dựng văn hóa giao thông: Trách nhiệm song hành ý thức

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một Hà Nội mới, một TP phát triển nhanh chóng, một Thủ đô phồn hoa đông đúc và nhộn nhịp mà bức tranh giao thông vẫn còn loang lổ những gam màu tối.

Nguyên nhân của thực trạng này được đề cập từng giờ, hướng giải quyết không thiếu nhưng “cạn”. Do đó chỉ có thể triệt được phần ngọn mà căn nguyên gốc rễ ngày càng sinh sôi, nảy nở. Chừng nào trách nhiệm của người thi hành công vụ và ý thức của người tham gia giao thông “gặp” được nhau thì lúc đó mới có thể hy vọng bộ mặt VHGT của Hà Nội có sự chuyển biến.

Nâng cao trách nhiệm

Theo kết quả khảo sát của Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới công bố năm 2015, CSGT là ngành được đánh giá có mức độ tham nhũng cao nhất. Chức năng của CSGT là thực hiện tuần tra, kiểm soát có trách nhiệm bảo vệ trật tự ATGT và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ. Mức phạt do vi phạm giao thông rất cao và CSGT được hưởng tỷ lệ rất lớn, lên đến 70% tổng mức phạt, nhưng có lẽ lượng kinh phí này không thấm tháp gì so với số tiền tham nhũng được.
Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ trên đường Nguyễn Chí Thanh. 	ảnh: Công Hùng
Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ trên đường Nguyễn Chí Thanh. ảnh: Công Hùng
Việc triển khai xây dựng một hệ thống giám sát tích hợp thông minh (từ xa) trong xử lý vi phạm trật tự ATGT cần nhanh chóng đưa vào thực tiễn để đôn đốc trách nhiệm của các chiến sĩ CSGT là cần thiết. Dù vậy, điều quan trọng là mỗi người thi hành công vụ trên lĩnh vực giao thông tự ý thức sâu sắc, đúng đắn trách nhiệm của mình trong công tác cũng như trong sinh hoạt đời thường, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó, đồng thời góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ chiến sĩ CSGT ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp lại lòng tin và sự mong mỏi của quần chúng Nhân dân.

Để làm được điều đó, chiến sĩ CSGT trước hết luôn có trách nhiệm đối với bản thân, tự tu dưỡng, rèn luyện chuyên môn, phẩm chất chính trị cũng như lối sống đạo đức. Người thi hành công vụ cần thường xuyên tự nghiên cứu, quán triệt sâu sắc, thực hiện đúng các quy định pháp luật, của ngành. Đồng thời phải không ngừng nâng cao nghiệp vụ, xử lý tình huống và cách sử dụng các trang thiết bị mới hỗ trợ nghiệp vụ, thực hiện tốt tác phong của người chiến sĩ, công an Nhân dân từ lễ tiết đến thái độ phục vụ, để qua mỗi việc làm của cán bộ, chiến sĩ CSGT đều thể hiện kỷ cương, trách nhiệm. Chịu trách nhiệm không chỉ gói gọn trong việc mình đã làm mà còn phải chịu trách nhiệm đối với những gì ta đã không làm, không dám để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Cần xác định công tác xây dựng một môi trường tham gia giao thông an toàn là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục, phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của các cấp ủy Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự tham gia nhiệt tình tự giác của Nhân dân.

Đẩy mạnh ý thức

Trong khuôn khổ của giao thông có thể hiểu ý thức tự giác của người tham gia giao thông là sự hiểu biết và tự giác chấp hành các quy định và luật lệ giao thông của người tham gia giao thông. Thủ đô là nơi mà những người dân tứ xứ, thập phương đổ về đây, rồi những con người học tập, sinh sống và làm việc ngày ngày đi lại... khiến bức tranh giao thông Hà Nội trở lên loang lổ. Dẫu biết rằng sau những giờ làm việc mệt nhọc, sau các tiết học căng thẳng ai cũng vội vã về với gia đình người thân, nhất là ngày cuối tuần. Điều đó đã dẫn đến ai nấy đều vội vã, chen chúc nhau, lấn tràn lên vỉa hè mà không hình dung được hành động đó khiến đường đang tắc lại càng tắc. Những con số thống kê đã chứng minh, thủ phạm gây ra các vụ TNGT có đến hơn 80% thuộc lỗi chủ quan của người tham gia giao thông. Điều này thuộc về việc đào tạo và cấp bằng cho người điều khiển các phương tiện giao thông ở nhiều nơi bị buông lỏng và sơ sài. Một vấn đề nổi cộm hiện nay là giáo dục ATGT trong nhà trường chưa đạt hiệu quả cao dẫn đến 85% số người bị xử lý khi tham gia giao thông có độ tuổi từ 16 - 35.

Cần nhanh chóng mở một cuộc vận động lớn, thống nhất và cụ thể trong Nhân dân “Toàn dân chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về trật tự và ATGT đường bộ” không vi phạm pháp luật giao thông. Phấn đấu 100% người dân chấp hành đội mũ bảo hiểm khi lưu thông trên đường phố. Người tham gia giao thông cần phải tự giác phối hợp với lực lượng CSGT trong giờ cao điểm để giảm tình trạng UTGT. Đó chính là bước đầu của việc xây dựng ý thức tham gia giao thông, bước đầu của việc thực hiện VHGT, xây dựng con người Hà Nội văn minh, thanh lịch.