70 năm giải phóng Thủ đô

Xây khu xử lý rác thải tập trung đồng bộ và hiện đại

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội sẽ quy hoạch xây dựng khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn thành khu xử lý rác thải tập trung đồng bộ và hiện đại, đáp ứng yêu cầu xử lý chất thải rắn tại khu vực thị xã Sơn Tây, các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Quốc Oai, Ba Vì, Thạch Thất, Chương Mỹ và một phần quận Hà Đông...

UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 4858/QĐ-UBND, phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn đến năm 2030, tỷ lệ 1/500 tại xã Xuân Sơn (Sơn Tây) và xã Tản Lĩnh (Ba Vì).

Theo quyết định, quy mô nghiên cứu lập quy hoạch khu xử lý chất thải rắn trên khoảng 57ha nhằm cụ thể Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời quy hoạch xây dựng một khu xử lý rác thải tập trung đồng bộ và hiện đại, đáp ứng yêu cầu xử lý chất thải rắn tại khu vực thị xã Sơn Tây, các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Quốc Oai, Ba Vì, Thạch Thất, Chương Mỹ và một phần quận Hà Đông...
 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Đây là khu xử lý chất thải tập trung của thành phố được tiếp tục xây dựng mở rộng trên cơ sở khu xử lý chất thải hiện có. Kỹ thuật xử lý áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại về tái chế nhựa, giấy, sắt thép... và các công nghệ sinh học xử lý chất thải rắn hữu cơ thành phân vi sinh, đốt kết hợp thu hồi năng lượng, chôn lấp hợp vệ sinh có thu hồi năng lượng.

Tiến độ thực hiện dự án này không quá 6 tháng kể từ khi nhiệm vụ Quy hoạch này được phê duyệt, không kể thời gian trình thẩm định và phê duyệt.
Trước đó vào tháng 8/2014, quy hoạch xử lý chất thải rắn ở thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với diện tích khoảng 3.344,6km2 đã được công bố.

Quy hoạch sẽ là cơ sở cho việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, vận chuyển, các khu xử lý chất thải rắn trên địa bàn TP. Dự báo tổng khối lượng chất thải rắn phát sinh đến năm 2020 trên địa bàn Hà Nội là 14.150 tấn/ngày đêm; đến năm 2030 là 18.900 tấn/ngày đêm và đến năm 2050 là 25.380 tấn/ngày đêm.

Hiện Hà Nội có 157,15ha đất dành cho thu gom và xử lý chất thải rắn. Để đáp ứng nhu cầu dự báo đến năm 2020 cần 327,65ha; đến năm 2030 cần 580,65ha và đến năm 2050 cần 924,95ha. Công nghệ xử lý chất thải rắn được định hướng sử dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường như: Công nghệ tái chế nhựa, giấy, sắt thép kim loại... Công nghệ sinh học xử lý chất thải rắn hữu cơ thành phân vi sinh, công nghệ đốt kết hợp thu hồi năng lượng, công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh có thu hồi năng lượng...

Toàn TP được phân thành 3 vùng xử lý chất thải rắn. Cụ thể vùng I (khu vực phía Bắc), gồm khu vực nội đô lịch sử, các quận (Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Long Biên) và một phần huyện Thanh Trì, các huyện (Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn), diện tích khoảng 1.150km2. Vùng II (khu vực phía Nam) gồm một phần huyện Thanh Trì, một phần quận Hà Đông, các huyện (Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức), diện tích khoảng 990 km2. Vùng III (phía Tây) gồm một phần quận Hà Đông, các huyện (Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Quốc Oai, Ba Vì, Thạch Thất, Chương Mỹ), nội và ngoại thị xã Sơn Tây, diện tích khoảng 1.204,6km2.

Quy hoạch đã xác định Hà Nội có 17 khu xử lý chất thải rắn, trong đó 8 khu được nâng cấp, mở rộng và 9 khu đầu tư mới theo 3 vùng. Vùng I sẽ có 5 khu xử lý chất thải rắn gồm: Sóc Sơn (hiện tiếp tục mở rộng), Việt Hùng (hiện tiếp tục sử dụng), Kiêu Kỵ (hiện tiếp tục sử dụng), Phù Đổng (xây mới), Cầu Diễn (hiện tiếp tục sử dụng). Vùng II sẽ có 6 khu xử lý chất thải rắn, trong đó xây mới 4 khu (Châu Can, Cao Dương, Hợp Thanh, Mỹ Thành) và 2 khu tiếp tục mở rộng (Vân Đình, Đông Lỗ). Vùng III có 6 khu xử lý chất thải rắn với 4 khu xây mới (Đan Phượng, Lại Thượng, Đồng Ké, Tây Đằng) và 2 khu tiếp tục mở rộng (Xuân Sơn, Núi Thoong).

Về các bãi đổ chất thải rắn xây dựng và bãi chôn lấp bùn thải thoát nước, sẽ quy hoạch 26 bãi đổ chất thải rắn xây dựng với diện tích năm 2020 là 39ha, năm 2030 là 108ha và 3 bãi chôn lấp bùn thải thoát nước với diện tích năm 2020 là 8ha, năm 2030 là 23ha.

Tổng nhu cầu vốn cho toàn bộ "Quy hoạch chất thải rắn thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" khoảng 11.000 tỉ đồng, trong đó kinh phí xây dựng đến năm 2020 khoảng 3.500 tỉ đồng.