Tuyến buýt nhanh BRT 01: Bến xe Yên Nghĩa - Kim Mã được Hà Nội chính thức đưa vào vận hành từ ngày 1/1/2017. Đây được xem là loại hình VTCC mới, vận chuyển khối lượng lớn, tốc độ nhanh đầu tiên của cả nước. Xe buýt BRT được ưu tiên dành một làn đường riêng với hệ thống nhà chờ biệt lập cùng nhiều tiện ích khác, nhằm tăng cường tối đa khả năng lưu thông và tạo sức hút đối với người dân hơn hẳn xe buýt thường.
Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông công cộng Hà Nội Thái Hồ Phương cho biết, sau hơn 4 năm vận hành, xe buýt BRT đã đạt được những con số ấn tượng. Cụ thể, sản lượng hành khách trên 5 triệu lượt/năm, tăng đều đặn từ năm 2017 - 2019. Riêng năm 2020, cũng như các tuyến buýt khác trong toàn mạng, sản lượng hành khách đi lại trên tuyến BRT sụt giảm 2,6%. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, lượng hành khách trên tuyến bắt đầu có xu hướng ổn định trở lại.
Sản lượng hành khách sử dụng vé tháng nói chung và vé tháng 1 tuyến nói riêng của tuyến BRT đứng đầu trong toàn mạng lưới VTCC, bình quân 22.542 hành khách/năm. Hành khách chuyển sang sử dụng vé tháng để đi lại trên tuyến BRT tăng 21,9%, vé lượt liên tục giảm; số lượng hành khách đi lại thường xuyên bằng vé tháng 1 tuyến trên xe buýt BRT bình quân 2.200 người/tháng. Doanh thu bình quân của tuyến buýt BRT đạt 27,5 tỷ đồng/năm, cao gấp gần 3 lần doanh thu trung bình của toàn mạng. Tỷ lệ trợ giá/chi phí trung bình các năm đạt 31,8%, thấp hơn 1,83 lần so với tỷ lệ chung của toàn mạng.
Có làn đường dành riêng, xe buýt BRT đạt tốc độ chạy xe trung bình gần 20km/giờ, nhanh hơn xe buýt thường khoảng 30%; thời gian chạy xe trung bình giảm gần 20%. Đặc biệt, nhóm đối tượng sử dụng tuyến buýt BRT 01 cao nhất là cán bộ, công chức, viên chức (chiếm 43%) và nhân viên văn phòng (chiếm 36%), trong khi đó, với các tuyến buýt thường, tỷ lệ nhóm hành khách này chỉ là 22%.
Chưa đủ điều kiện phát huy tính ưu việtTheo thống kê của Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông công cộng Hà Nội, trên đường Quang Trung (Hà Đông), bình quân trong 1 giờ có 308 phương tiện chạy vào làn BRT, trong đó nhiều nhất là xe máy chiếm 85,4%; xe ô tô con chiếm 10,4%. Trên đường Tố Hữu, bình quân có 707 phương tiện chạy vào làn BRT, xe máy chiếm 86,2%; xe ô tô con chiếm 11,6%.
TS giao thông đô thị Đặng Minh Tân nhận định: “Cần phải nhìn nhận thật công bằng với tuyến buýt nhanh BRT. Bản thân nó là một loại hình VTCC ưu việt, hiện đại, văn minh. Nhưng để phát huy hết các ưu điểm đó cần được trang bị đầy đủ các điều kiện cơ bản”. TS Đặng Minh Tân phân tích, xe buýt BRT nếu muốn đúng nghĩa là “nhanh” thì phải có một làn đường riêng thực sự. Đó là điều Hà Nội chưa đảm bảo được trong mấy năm qua, nhiều loại phương tiện khác vẫn tràn vào làn đường riêng, chèn ép, khiến xe buýt BRT “sa lầy”, nhất là trong giờ cao điểm.
Nhiều chuyên gia cũng chỉ ra rằng, một tuyến buýt BRT đơn độc, thiếu sự gắn kết với đường sắt đô thị và các tuyến BRT khác cũng khiến cho hiệu quả giảm sút mạnh mẽ. Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ có 8 tuyến BRT cùng với 8 tuyến đường sắt đô thị, tạo nên bộ khung VTCC khối lượng lớn - xương sống cho toàn mạng lưới VTCC của TP. Thạc sĩ Đỗ Cao Phan cho rằng, đến nay bộ khung mới chỉ có một nhánh đơn độc, chưa đủ điều kiện phát huy tính ưu việt của mình mà kết luận nó thất bại thì khá khiên cưỡng.
Không ít người dân cho rằng xe buýt BRT không hiệu quả nhưng cũng có rất nhiều người lại đánh giá cao chất lượng của loại hình vận tải này. Chị Nguyễn Phương Dung (Trung Văn, Nam Từ Liêm) chia sẻ: “Xe buýt BRT rộng rãi, sạch sẽ, hiện đại và có làn đường riêng. Tôi nghĩ, chỉ những người không sử dụng xe buýt BRT vì lộ trình không phù hợp, lại ngại di chuyển bằng nhiều tuyến buýt liên kết nhau hoặc thích dùng xe riêng mới chê trách nó”.