Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xe buýt chờ “giải cứu”

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ các nhà quản lý, chuyên gia cho đến DN vận tải đều khẳng định, không gian lưu thông riêng là một trong những yếu tố sống còn đối với vận tải công cộng (VTCC) nói chung và xe buýt nói riêng. Nhưng nghịch lý là làn đường riêng dành cho xe buýt tại Hà Nội đang ngày một “teo tóp”.

Phương tiện tham gia giao thông lấn chiếm làn đường xe buýt BRT trên đường Lê Văn Lương. Ảnh: Thanh Hải
Chưa được nửa phần trăm
Hiện nay, ngoài hơn 14km làn đường riêng cho xe buýt nhanh BRT 01, Hà Nội chỉ có duy nhất 1,3km đường dành riêng cho xe buýt thường trên tuyến Yên Phụ (quận Ba Đình) trong tổng số 500km đường giao thông toàn TP. Nhiều năm trước, khi chưa khởi công tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, trục đường Nguyễn Trãi (nối hai quận Thanh Xuân - Hà Đông) cũng từng có làn đường riêng dành cho xe buýt nhưng nay đã bị phá bỏ, chưa khôi phục lại được.
Làn đường riêng là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với xe buýt. Nếu không được đầu tư, phân tách, xây dựng, xe buýt sẽ ngày càng chịu ảnh hưởng nặng nề từ áp lực do các loại hình phương tiện khác mang lại.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội Nguyễn Trọng Thông
Ông Nguyễn Công Nhật - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết, tuyến Nguyễn Trãi - Hà Đông là trục “xương sống”, chiếm tới 30% số tuyến trên toàn mạng xe buýt của Thủ đô, tương đương với 25 tuyến và 78.750 lần xe buýt ra - vào điểm dừng mỗi ngày. Trước đây, khi có làn đường riêng, xe buýt có thể vận hành đạt tốc độ 20 - 21km/giờ nhưng nay chỉ còn 13 - 14km/giờ. Tương tự, khu vực trung chuyển với làn đường riêng dành cho xe buýt tại khu vực trước cổng trường Đại học GTVT (quận Đống Đa) cũng đã bị di dời, phục vụ thi công một công trình giao thông khác. Trong khi đó, 1,3km làn riêng trên đường Yên Phụ chỉ có tác dụng thuận tiện cho xe buýt ra vào điểm, hầu như không có ý nghĩa về mặt lưu thông.
Tổng tất cả chiều dài làn đường riêng dành cho xe buýt tại Hà Nội hiện nay, thậm chí còn chưa đạt được tỷ lệ 0,5% đường giao thông chung. Đáng ngại hơn nữa, 14km làn đường riêng dành cho tuyến buýt BRT 01 Kim Mã – Bến xe Yên Nghĩa, ngày ngày vẫn phải bất lực chịu trận trước sự chen lấn của các phương tiện giao thông khác, đặc biệt là xe máy. 
Lợi ích cho đa số
Nguyễn Trung Hoà - sinh viên trường Đại học Công đoàn cho biết: “Buổi sáng em phải dậy từ 6 giờ, đi xe buýt từ Yên Nghĩa, Hà Đông ra đến trường mới kịp hơn 7 giờ vào học. Xe buýt rất thường phải “rùa bò” trên đường do quá đông phương tiện chen lấn”. Đó cũng là nỗi khổ của hàng vạn sinh viên, người lao động, cán bộ, công chức của Hà Nội. Đối với đa số, xe buýt là loại hình vận tải khách rẻ nhất của Hà Nội; chất lượng xe và phục vụ hành khách rất tốt, văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, xe buýt không đáp ứng được yêu cầu về thời gian đi lại của hành khách, mỗi chuyến đi của xe buýt đều không ai dám chắc có đến đích đúng giờ hay không.
Thực tế đó đòi hỏi TP phải sớm có chính sách ưu tiên phát triển làn đường riêng dành cho xe buýt. Chuyên gia giao thông Phạm Thanh Lâm nhận định: “Việc ưu tiên mở làn đường riêng cho buýt ban đầu có thể vấp phải phản ứng trái chiều từ không ít người dân. Nhưng khi đã đi vào ổn định, phát huy hiệu quả, rút ngắn thời gian vận hành của xe buýt, sẽ là một trong những tác nhân quan trọng thu hút người dân từ bỏ xe cá nhân để đến với VTCC”.
Việc mở làn đường riêng cho xe buýt đã được nhiều DN vận tải đề xuất với Sở GTVT và UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có kế hoạch cụ thể. Trong bối cảnh phương tiện cá nhân tăng phi mã, áp lực giao thông nặng hơn từng giờ của TP hiện nay, phát triển VTCC là một trong những giải pháp chiến lược quan trọng nhất. Ông Phạm Thanh Lâm chia sẻ: “Muốn thực hiện được giải pháp đó, TP phải có chính sách dứt khoát, kịp thời, tạo mọi điều kiện, ưu tiên tối đa cho VTCC nói chung và xe buýt nói riêng, trong đó có việc phân tách làn đường, “giải cứu” xe buýt khỏi sự chèn ép của các phương tiện giao thông khác”.