Xe buýt điện: Tương lai xanh cho vận tải hành khách công cộng

Vũ Khoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2022, Vinbus sẽ đưa thêm 6 tuyến buýt điện vào hoạt động sau khi nhận được sự đón nhận của người dân Thủ đô. Trong những ngày đầu ra mắt, buýt điện đã cho thấy sự phù hợp với giao thông đô thị, tuy còn nhiều khó khăn trong việc phát triển diện rộng nhưng loại xe thân thiện môi trường này vẫn được đặt nhiều kỳ vọng.

Xe buýt điện số 03 tuyến Mỹ Đình - Khu đô thị Ocean Park. Ảnh: Phạm Hùng  
Xe buýt điện số 03 tuyến Mỹ Đình - Khu đô thị Ocean Park. Ảnh: Phạm Hùng  

Thêm lựa chọn tốt cho hệ thống giao thông công cộng nội đô

Trong nhiều năm qua, UBND TP Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), trong đó xe buýt giữ vai trò quan trọng nhằm thay thế dần xe cá nhân, hạn chế ùn tắc giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường xuất phát từ khí thải phương tiện.

Tuy vậy, để phát triển số lượng xe buýt vừa bảo đảm phục vụ VTHKCC, vừa bảo vệ môi trường, hạn chế khí thải lại là vấn đề phải mất nhiều công sức nghiên cứu. Do đó, nhiệm vụ phát triển loại hình xe buýt sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường là mục tiêu cấp thiết, cần sớm thực hiện. Không chỉ tại Thủ đô, việc kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động GTVT còn được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm.

Từ những yêu cầu trên, ngày 2/12/2021, tuyến xe buýt sử dụng năng lượng điện đầu tiên (E03) của Hà Nội được đưa vào vận hành thí điểm, hòa với mạng lưới VTHKCC đang hoạt động và lần lượt bổ sung thêm các tuyến E01; E05.

Các tuyến buýt được vận hành bởi Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus. Đây được coi là giải pháp mới mang tính đột phá, góp phần từng bước tiến gần mục tiêu đến năm 2030 đạt 20% số lượng đoàn xe buýt trên địa bàn TP sử dụng nhiên liệu CNG, động cơ điện (hiện nay có khoảng 70 xe).

Bên cạnh sự thân thiện của nhân viên phục vụ, lái xe vốn là tiêu chí đối với mọi loại hình công cộng, văn minh ở Thủ đô, những chiếc buýt điện còn tạo ra cảm nhận được tính gần gũi với môi trường vì gần như không có tiếng ồn động cơ, không khí thải, di chuyển êm, khiến người ngồi trên xe khá thư giãn. Mặt khác, hệ thống hiện đại như chế độ tự động hạ thấp thân xe khi lên xuống; wifi miễn phí; cổng sạc USB... xe buýt điện của Vinbus đã sớm chiếm được thiện cảm của người dân Hà Nội.

Hiện nay, để hệ thống vận hành ổn định, an toàn, VinBus đã xây dựng hạ tầng các khu depot gồm văn phòng điều hành, xưởng bảo dưỡng, bãi đỗ xe, trạm sạc điện... đặt tại 2 khu đô thị (KĐT) Smart City và Ocean Park. Lắp các tấm pin năng lượng mặt trời, bảo đảm cung cấp năng lượng cho hoạt động của depot đồng thời theo dõi tập trung, sạc, kiểm tra an toàn, bảo dưỡng, sửa chữa, vệ sinh tự động tại các trạm depot.

Hiệu quả chỉ khi phát triển đồng bộ

Ra mắt trong điều kiện ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến sản lượng VTHKCC trên địa bàn TP sụt giảm nghiêm trọng, đã có không ít ý kiến bày tỏ lo ngại về tính khả thi đối với những chiếc xe buýt điện. Tuy nhiên, chỉ khoảng 20 ngày đầu hoạt động, Vinbus đã vận hành trên 2.500 lượt xe, phục vụ gần 20.000 khách sử dụng vé lượt, hàng trăm vé tháng được đăng ký cho thấy tín hiệu tích cực và sự đúng đắn của UBND TP trong nỗ lực đưa loại phương tiện này vào hoạt động.

Đánh giá về việc tiếp tục phát triển mở rộng xe buýt điện trong hệ thống giao thông đô thị Hà Nội, chuyên gia giao thông, TS Phan Lê Bình cho biết, tác dụng của loại hình phương tiện sử dụng năng lượng sạch rất rõ ràng, tại các đô thị tiên tiến, đây luôn là phương án đầu tiên được lựa chọn.

Tuy nhiên, để nhân rộng, thay thế cho phương tiện cũ lại cần thêm thời gian. “Do đặc thù sử dụng công nghệ hiện đại, bắt buộc phải đi kèm với hạ tầng vận hành nên việc triển khai mỗi tuyến buýt điện đều khá tốn kém, không phải DN nào cũng có tiềm lực thực hiện. Trước mắt, nếu thí điểm thành công, sẽ là bệ đỡ cho một tương lai xanh hơn của VTHKCC nội đô” – Chuyên gia Phan Lê Bình chia sẻ.

Trước đó, quá trình triển khai đề xuất áp dụng xe buýt điện vào VTHKCC gặp không ít khó khăn vì đây là phương án vốn còn khá mới mẻ, tốn kém về đầu tư nên các DN vận tải không tỏ ra thiết tha. Trong khi đó, theo chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng, dịch vụ xe buýt điện của Vinbus có kết nối với các khu vực đông dân cư, khu đô thị, khu vui chơi, thương mại.. cũng như các tuyến đường sắt đô thị nên đảm bảo được tính thuận tiện trong việc đi lại của người dân, góp phần giảm bớt xe cá nhân. Trong năm 2022 và các năm tiếp theo, dự kiến sẽ có tổng cộng 9 tuyến buýt điện được đưa vào hoạt động, thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực của các cấp, ngành TP nói chung, Vinbus nói riêng.

Đây là cơ sở cho kỳ vọng về một đô thị xanh trong tương lai với hệ thống giao thông sạch, thuận tiện của người dân.

 

Các tuyến xe buýt điện, với nhiều ứng dụng công nghệ tiên tiến, đánh dấu bước phát triển mới của mạng lưới xe buýt Thủ đô. Đây cũng chính là một điểm sáng của giao thông đô thị Thủ đô năm 2021, tạo ra bước ngoặt trong quá trình xây dựng hệ thống giao thông xanh.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần