Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xe buýt Hà Nội: Còn nhiều gian nan, thách thức

Yến Dư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù đạt được rất nhiều thành công nhưng không thể phủ nhận, xe buýt Hà Nội vẫn đang phải đối diện với không ít gian nan, thách thức.

Thậm chí đã có thời điểm những tồn tại, bất cập từ thực tế khiến sản lượng hành khách xe buýt trồi sụt thất thường.
Khó khăn bủa vây
Theo Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) Nguyễn Công Nhật, 3 khó khăn lớn nhất đối với xe buýt Hà Nội gồm: Thiếu làn đường riêng; thiếu quỹ đất dành cho hạ tầng, điểm đầu - cuối; hành lang và các điều kiện để người dân tiếp cận với xe buýt chưa thuận tiện.
Lãnh đạo Transerco phân tích, làn đường dành riêng sẽ làm tăng tốc độ khai thác chạy xe, giảm đáng kể thời gian chuyến đi cho hành khách. Đây là một trong những yếu tố tiên quyết, là điều kiện hết sức quan trọng, quyết định đến sự phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), trong đó có xe buýt.
 Xe buýt BRT đón khách tại nhà chờ Kim Mã.  Ảnh: Thanh Hải
Như hiện nay, Hà Nội hầu như không có làn đường riêng, xe buýt phải ngụp lặn trong dòng phương tiện cá nhân đông đúc, không đảm bảo được thời gian di chuyển khiến nhiều người dân không mặn mà với loại hình VTHKCC này.
Bên cạnh đó, hạ tầng điểm dừng đỗ, đầu - cuối của xe buýt cũng đang rất thiếu và yếu. Hầu hết các quy hoạch không gian và giao thông đô thị đều chưa tính đến hạ tầng dành riêng cho xe buýt, dẫn đến nhiều bất cập.
Điển hình là nhiều tuyến đường nối trung tâm với ngoại thành như QL1 cũ, QL21B, QL32… không có vị trí cắm điểm dừng chờ xe buýt an toàn hoặc đủ điều kiện làm nhà chờ che mưa nắng cho người dân.
Khu vực đô thị trung tâm của Hà Nội, nơi tập trung đông dân cư là nơi xe buýt gặp nhiều khó khăn nhất trong thu hút người dân. Không gian dành cho người đi bộ quá chật hẹp do vỉa hè bị lấn chiếm khiến người dân ngại đi bộ và ngày càng lệ thuộc vào xe cá nhân.
Mặt khác, đa số điểm dừng chờ xe buýt trong nội thành đều chưa có điểm gửi xe, chưa đáp ứng nhu cầu kết nối, chuyển từ xe cá nhân sang xe buýt của người dân. “Những khó khăn khách quan này đang ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả khai thác và tính ổn định, bền vững của xe buýt nói riêng cũng như VTHKCC nói chung tại Hà Nội” - ông Nhật nhìn nhận.
Vấn đề nội tại
Bên cạnh những khó khăn khách quan chưa thể giải quyết trong một sớm một chiều, xe buýt Hà Nội cũng còn nhiều vấn đề bất cập ngay trong nội tại. Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành lấy ví dụ, vừa qua, dư luận nói đến một số vụ việc hành xử chưa chuẩn mực của lái, phụ xe buýt; nhiều ý kiến vẫn than phiền về việc xe buýt chạy ẩu, lấn làn…
“Điều này xuất phát từ thực tế nhân lực phục vụ VTHKCC, nhất là xe buýt còn thiếu tính chuyên nghiệp, chưa được đào tạo bài bản” - ông Thành đánh giá.
Nhận định này là hoàn toàn có cơ sở. Hà Nội hiện có hàng chục nghìn nhân viên lái xe, phục vụ trên xe buýt nhưng phần nhiều trong số họ chỉ được đào tạo qua những lớp nghiệp vụ ngắn hạn. Đặc biệt, nguồn nhân lực này chưa được đào tạo chuyên sâu về giao tiếp, ứng xử hay sơ cấp cứu, thoát hiểm…
Nhiều chuyên gia cho rằng, chất lượng dịch vụ là một trong những sức mạnh nội tại quan trọng nhất của xe buýt. Nếu không phát huy được, xe buýt sẽ ngày càng kém hấp dẫn với người dân.
Một trong những tồn tại mà giới chuyên gia nhắc đến nhiều trong thời gian qua, đó là mạng lưới tuyến của xe buýt chưa thực sự hợp lý. Nhiều tuyến xe buýt thưa vắng khách, không đảm bảo hiệu quả khai thác nhưng vẫn buộc phải duy trì.
Trong khi đó, khu vực đông dân cư nhất là 12 quận nội thành Hà Nội lại đang rất thiếu các loại hình xe buýt nhỏ, phù hợp với giao thông ngõ phố, khiến nhiều người dân không tiếp cận được với VTHKCC.
Thực tế này cho thấy sự phân bổ nguồn lực cho xe buýt và hợp lý hóa mạng lưới tuyến đang còn nhiều bất cập, cần được sớm điều chỉnh. Và quan trọng nhất, Hà Nội cần một chiến lược phát triển xe buýt rõ ràng, mạch lạc, bền vững hơn trong bối cảnh UTGT và ô nhiễm môi trường diễn biến ngày càng phức tạp như hiện nay.