Xe buýt Hà Nội: Đừng để cái khó bó cái khôn!

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, hàng loạt vụ va chạm, xô xát đã xảy ra giữa lái xe, nhân viên phục vụ trên xe buýt và người tham gia giao thông cũng như hành khách. Các vụ việc bắt nguồn từ hành xử lệch chuẩn của hành khách, người dân nhưng cũng có những mâu thuẫn xuất phát từ phía người “làm dâu trăm họ”.

Xe buýt dừng đỗ đón trả khách không đúng quy định trên phố Đào Duy Anh. Ảnh: Hữu Đức
Rắc rối từ trên trời rơi xuống
Ngày 22/5 vừa qua, trên Facebook lan truyền một đoạn clip ghi lại cảnh đôi vợ chồng hành hung nhân viên phục vụ xe buýt khi bị nhắc nhở đeo khẩu trang. Trước đó, một vụ việc tương tự cũng diễn ra trên tuyến xe buýt Mỹ Đình - Sơn Tây. Nam hành khách bị nhắc đeo khẩu trang đã liên tục nhổ nước bọt vào nữ nhân viên bán vé. Gần đây nhất, ngày 1/7 lại xuất hiện clip ghi được cảnh một tài xế chặn đầu xe buýt, lời qua tiếng lại rồi trở thành xô xát với nhân viên bán vé tuyến xe buýt 103B Mỹ Đình - Hương Sơn.

Đại diện Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) chia sẻ, những vụ việc như trên diễn ra không ít, trên khắp các tuyến buýt từ nội đô đến ngoại thành. Ít nhiều những vụ việc này cũng gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho cán bộ công nhân viên phục vụ trên các tuyến xe buýt. “Tuy nhiên, làm công việc phục vụ cũng như “làm dâu trăm họ”, vất vả, nhọc nhằn, thậm chí nguy hiểm cũng phải cố gắng vượt qua” - vị đại diện Transerco nói.

Mới đây, các đơn vị khai thác dịch vụ xe buýt đã bắt đầu triển khai chương trình lắp đặt camera theo dõi trên xe, nhằm giám sát nhân viên cũng như ghi lại để cảnh báo một số hành vi không đẹp của số ít hành khách. Nhưng việc triển khai chưa đều khắp, dữ liệu camera chưa được truyền trực tiếp về trung tâm quản lý, điều hành xe buýt của từng đơn vị cũng như Sở GTVT Hà Nội, khiến việc xử lý các tình huống vẫn còn rất chậm chạp, kém hiệu quả.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc lắp đặt camera trên xe buýt cũng như nhiều loại hình xe vận chuyển hành khách khác là rất cần thiết, nhằm giám sát chặt chẽ, hạn chế tối đa những hành vi, ứng xử lệch chuẩn của cả nhân viên phục vụ trên xe buýt lẫn hành khách. Nhưng quan trọng nhất vẫn là nâng cao nhận thức, văn hóa ứng xử cho mỗi người. Bởi không chỉ hành khách, người tham gia giao thông xung quanh mà ngay cả các lái, phụ xe buýt cũng vẫn còn tồn tại không ít vấn đề về giao tiếp và xử lý tình huống.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng phân tích: “Trong rất nhiều vụ việc, nếu xem xét kỹ sẽ thấy mâu thuẫn thường xuất phát hoặc bị đẩy lên cao do cách ứng xử của nhân viên xe buýt chưa đúng mực, chưa khéo léo”.

Lỗi tại ai?

Chị Trần Thị Lê Na (Mộ Lao, Hà Đông) chia sẻ: “Không ít xe buýt chạy ẩu, lấn làn, cắt mặt xe cộ phía sau, bấm còi inh ỏi gây ức chế cho người tham gia giao thông”. Quay trở lại vụ việc nhân viên phục vụ xe buýt tuyến 103B bị tài xế xe con rút dao dọa đâm ngày 1/7 vừa qua, nếu xem hết đoạn clip ghi lại sẽ thấy, mâu thuẫn bị đẩy lên thành xô xát có phần lỗi của nhân viên phục vụ. Chính người này đã dùng gậy gỗ dọa nạt, gây bức xúc cho tài xế xe con.

Mặt khác, hiện rất nhiều điểm dừng chờ xe buýt chưa được bố trí hợp lý. Ví dụ như điểm dừng tại sát nút giao Hoàng Minh Giám - Lê Văn Lương, hướng đi Tố Hữu. Do điểm dừng quá gần ngã tư, lưu lượng xe quá lớn, nên xe buýt thường phải cắt qua mặt dòng phương tiện để rẽ vào phố Nguyễn Tuân, gây cản trở giao thông, bức xúc cho người điều khiển phương tiện. Hiện có hàng chục điểm dừng chờ xe buýt tương tự, dàn trải khắp trong nội đô Hà Nội, nơi mật độ giao thông quá lớn.

Trong khi không ít người dân vẫn chưa nhận thức được vai trò quan trọng và sự cần thiết phải ưu tiên cho vận tải công cộng, việc quản lý, tối ưu hóa hệ thống hạ tầng xe buýt cũng còn nhiều bất cập. Chuyên gia giao thông, Thạc sỹ Vũ Hoàng Chung nhận định: “Thực trạng này khiến xe buýt nhiều khi cũng phải đi ẩu, lấn làn… Lâu dần trở thành thói quen xấu trong một bộ phận lái xe buýt”.

Giải pháp căn cơ nhất là nâng cao năng lực hạ tầng, mở không gian lưu thông riêng cho xe buýt vẫn cần rất nhiều thời gian mới thực hiện được. Trước mắt, các DN khai thác dịch vụ xe buýt cần siết chặt giám sát, nâng cao ý thức người lao động. Đồng thời cơ quan chức năng cần có những giải pháp tối ưu hạ tầng giao thông, tạo điều kiện tối đa cho xe buýt lưu thông; xử lý nghiêm minh những trường hợp cố tình đe dọa, hành hung nhân viên phục vụ trên xe buýt, đảm bảo môi trường giao thông an toàn, văn minh cho người dân Hà Nội.
Xe buýt rơi vào tình trạng cái khó bó cái khôn. Thiếu không gian lưu thông riêng, phải vật lộn giữa dòng phương tiện cá nhân mạnh ai nấy đi, khiến xe buýt buộc phải tìm cách luồn lách, tranh giành phần đường để bảo đảm thời gian vận chuyển theo biểu đồ.

Chuyên gia Nguyễn Mạnh Thắng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần