Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xe buýt TP Hồ Chí Minh: Loay hoay tìm lối đi

Huy Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2018 là năm thứ 17 TP Hồ Chí Minh thực hiện trợ giá cho xe buýt. Kinh phí trợ giá tăng dần theo từng năm, nhưng điều đáng lo ngại, chất lượng xe buýt và lượng hành khách liên tiếp sụt giảm; DN vận tải làm ăn bết bát… Vậy đâu là giải pháp giải quyết cho thực trạng này?

Tụt dốc không phanh
Năm 2018, TP Hồ Chí Minh đã dự chi 1.000 tỷ đồng để trợ giá xe buýt (bằng năm 2017), song mới đây ngành giao thông lại đề xuất tăng thêm 330 tỷ đồng nữa. Tại cuộc khảo sát của Ban Kinh tế ngân sách HĐND TP Hồ Chí Minh về trợ giá xe buýt, ngày 31/7/2018, Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) TP Hồ Chí Minh Trần Chí Trung cho biết, toàn TP có 105/143 tuyến xe buýt có trợ giá. Năm 2002, các tuyến xe buýt phổ thông được trợ giá gần 40 tỷ đồng, sau 10 năm, đến năm 2012, tiền trợ giá xe buýt đã lên đến 1.290 tỷ đồng. Hai năm 2017 và 2018, kinh phí trợ giá xe buýt là 1.000 tỷ đồng.

Lý giải về đề xuất tăng thêm 330 tỷ đồng/năm để trợ giá xe buýt, đại diện Trung tâm quản lý và điều hành VTHKCC cho biết, do phải đầu tư thay thế phương tiện, chi phí nhiên liệu, nhân công… đều tăng nên các DN hoạt động kinh doanh chưa hiệu quả... Do đó, Sở GTVT đã có văn bản đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh xem xét, bổ sung dự toán chi ngân sách năm 2018 lĩnh vực trợ giá xe buýt thêm khoảng 330 tỷ đồng. Nếu được thông qua, năm 2018, tổng kinh phí dành để trợ giá xe buýt lên đến 1.330 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.

Trợ giá nghìn tỷ, xe khách vẫn ế ẩm

Mỗi năm TP dành cả nghìn tỷ đồng trợ giá, hiệu quả hoạt động của xe buýt vẫn chưa được như mong muốn. Đặc biệt, hành khách ngày càng kém “mặn mà” với loại hình VTHKCC này. Năm 2013, khối lượng vận chuyển xe buýt đạt 411 triệu lượt hành khách; năm 2014 sụt giảm mạnh xuống còn 367 triệu lượt; năm 2015 tiếp tục giảm còn 334,5 triệu lượt… Và 6 tháng đầu năm 2018 xe buýt mới đạt 100,1 triệu lượt hành khách, giảm 8,4% so với cùng kỳ 2017.

"Sở GTVT đang xây dựng phương án đấu thầu xe buýt cho các năm từ 2018 trở đi. Phương án khai thác sẽ có thời hạn từ 5 - 7 năm. Trước mắt có thể đấu thầu thí điểm từ 10 - 15 tuyến để đánh giá thực tế và có định hướng cụ thể." - Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh Trần Văn Lâm


"Khi số lượng người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng tăng lên, doanh thu của DN cũng tăng lên, từ đó sẽ giảm dần và tiến đến thoát cảnh trợ giá xe buýt. Việc tăng trợ giá do sản lượng sử dụng xe buýt giảm là đi ngược lại với mục tiêu ban đầu. Do vậy, cần phải có những giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng xe buýt để thu hút người dân." - Phó trưởng Ban Kinh tế ngân sách HĐND TP Hồ Chí Minh Cao Thanh Bình

Đáng lo ngại hơn, dù có trợ giá từ ngân sách, nhưng do kinh doanh quá ế ẩm, thu không đủ bù chi, nhiều DN, HTX vận tải đã không còn quan tâm đến việc duy trì, nâng cao chất lượng xe buýt. Suốt 10 năm qua, nhiều DN tham gia VTHKCC khẩn thiết kêu cứu; thậm chí phải chấp nhận “vượt rào” để tìm đường sống. Đỉnh điểm là việc DN bất chấp những ràng buộc pháp lý đã đơn phương bỏ chuyến trên các tuyến buýt số: 10, 18, 40, 43, 44, 54, 65, 78…; tuyến xe buýt trợ giá số 51 còn bỏ hẳn cả ngày hoạt động như vào hôm mùng 10 và 11/7 vừa qua. Thậm chí, tài xế xe buýt còn kéo nhau lên Trung tâm quản lý và điều hành VTHKCC để cầu cứu cứu vì không đảm bảo công việc cũng như thu nhập.

10 năm không tăng giá vé

Một trong những nguyên nhân chính khiến mạng lưới xe buýt của TP Hồ Chí Minh lâm cảnh “chợ chiều” là sự thiếu linh hoạt, chậm điều chỉnh chính sách. Hầu hết các DN, HTX vận tải… tham gia kinh doanh VTHKCC đều thổ lộ tâm tư, bức xúc vì hiệu quả kinh doanh mỗi ngày thụt lùi. Mà vấn đề chính là từ năm 2008 đến nay, giá vé xe buýt vẫn bị khống chế, chưa được điều chỉnh tăng trong khi vật giá leo thang đã bỏ xa mức 10 năm trước, đặc biệt là chi phí nhiên liệu và nhân công. Song song với đó, ngân sách trợ giá cho xe buýt cũng không ổn định và có xu hướng ngày càng bị cắt giảm mạnh, khiến DN chẳng biết bấu víu vào đâu.

Đại diện Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết, nỗ lực kéo giảm hỗ trợ của ngân sách đối với hoạt động VTHKCC bằng xe buýt đã được thực hiện nhiều lần nhưng đều bất thành. Mức trợ giá đã giảm xuống thấp nhất vào năm 2015 là 34,3%, năm 2016 nâng lên là 38,6%. Đây là mức trợ giá thấp hơn rất nhiều so với 2 năm trước, năm 2014 mức trợ giá là 41,7% và năm 2013 là 42% (cao nhất từ trước đến nay nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức trợ giá xe buýt năm 2016 của Hà Nội là 55%). Năm 2017, mức trợ giá xe buýt của TP Hồ Chí Minh là 40,1% và hiện nay khoảng 40%. Việc kéo giảm mức trợ giá đã khiến các DN, hợp tác xã không còn mặn mà với công việc làm ăn. Chẳng hạn, đối với tuyến xe buýt số 88, trong 2 năm 2012 - 2013, mỗi chuyến xe, chủ xe nhận được 150.000 đồng tiền trợ giá. Đến giai đoạn 2014 - 2015 mức trợ giá bị kéo xuống còn 120.000 đồng/chuyến và trong giai đoạn 2017 - 2018 chỉ còn 94.000 đồng/chuyến.

Cắt giảm trợ giá khi chưa có giải pháp đi kèm để tháo gỡ khó khăn khiến các DN đang tham gia khai thác VTHKCC làm ăn bết bát, mà việc kêu gọi thêm DN tham gia vào lĩnh vực này cũng bế tắc. Trong báo cáo gửi UBND TP Hồ Chí Minh để xin tăng 330 tỷ đồng trợ giá xe buýt, Sở GTVT cho rằng với tình hình trợ giá trên, những năm gần đây, việc ký kết hợp đồng với các đơn vị vận tải tốn rất nhiều thời gian, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dịch vụ xe buýt.