Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xe điện có thực sự bảo vệ môi trường?

Lê Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cách đây một tuần, sự kiện Công ty TNHH Dịch vụ vận tải VinBus chính thức khai trương và đưa vào vận hành tuyến xe buýt điện thông minh đầu tiên của Việt Nam gây xôn xao dư luận, khẳng định năng lực và uy tín của doanh nghiệp Việt.

Xe điện là một lựa chọn sáng suốt cho vấn đề môi trường, hơn là những chiếc xe sử dụng động cơ đốt trong. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, khi pin thải loại của xe điện vẫn còn bỏ ngỏ thì việc cải thiện môi trường ở đây mới chỉ là giải pháp trước mắt.
Phụ thuộc vào nguồn cung cấp điện năng

Trong mấy năm trở lại đây, tình trạng ô nhiễm không khí tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ở mức báo động. Có những thời điểm, chỉ số ô nhiễm môi trường tại các thành phố trên đều cao hơn nhiều so với mức cho phép. Có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng tựu chung các nhà khoa học và quản lý đều nhận định các phương tiện cơ giới chạy bằng động cơ xăng và diesel thông thường là thủ phạm chính.
 Xe buýt điện VinBus trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Nam Nguyễn
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị xoay quanh vấn đề này, TS Hoàng Xuân Cơ - Giảng viên cao cấp Khoa Khoa học Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm môi trường như hiện nay, việc lựa chọn phát triển công nghệ xanh trong sản xuất xe ô tô, xe gắn máy và sử dụng các loại phương tiện này là giải pháp rất quan trọng để hạn chế sự tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, giảm lượng phát thải. Trong đó, phát triển xe điện là hướng đi được nhiều quốc gia quan tâm, ưu tiên bởi cho phép tiết kiệm hơn, không phát thải khí ô nhiễm như xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch, giảm bớt tiếng ồn.

Theo TS Hoàng Xuân Cơ, mặc dù hiện vẫn chưa có nghiên cứu tổng hợp, so sánh hiệu quả giữa xe điện và xe sử dụng động cơ đốt trong trong điều kiện Việt Nam. Song, có thể khẳng định lợi ích về mặt môi trường, cải thiện chất lượng không khí do các loại xe chạy điện mang lại. “Các phương tiện cơ giới sử dụng nhiên liệu hóa thạch có thể thải ra rất nhiều chất độc hại như bụi hạt mịn và các hóa chất độc hại. Với xe điện thì không gây thêm ô nhiễm ra môi trường, giảm được mật độ ô nhiễm trong khu vực đô thị bởi vì đây là khu vực tập trung dân cư rất lớn” - TS Hoàng Xuân Cơ nói.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, mức độ bảo vệ môi trường của xe điện sẽ phụ thuộc vào nguồn cung cấp điện năng của xe, phụ thuộc vào việc chúng ta sẽ dùng công nghệ gì để tạo ra điện... Nếu dùng nguồn điện từ năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời thì đảm bảo bền vững; nhưng nếu sử dụng những nhiên liệu hóa thạch để vận hành các nhà máy tạo ra điện thì hiệu quả bảo vệ môi trường sẽ giảm đi.

Cần phát triển công nghệ tái chế

Theo số liệu thống kê, ước tính, đến năm 2035 sẽ có hơn 11 triệu chiếc ô tô điện được bày bán và thu mua mỗi năm trên thị trường thế giới. Đáng nói, các nhà đầu tư sẽ phải bỏ ra một khoản tiền lớn để sản xuất những chiếc ô tô điện này vì chúng tiêu tốn một lượng lớn năng lượng hơn các phương tiện giao thông khác chạy bằng xăng và dầu diesel.
Không những vậy, các loại phương tiện giao thông chạy bằng điện này có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ sử dụng nguồn điện không đảm bảo. Ngoài ra, việc sản xuất đủ pin và nam châm để cung cấp năng lượng cho tất cả xe điện cũng đặt ra nhu cầu rất lớn đối với kim loại đất hiếm. Do đó, vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường ở đây cũng không đơn giản. Vậy, câu hỏi được đặt ra: Liệu cuộc cách mạng xe điện có thực sự đem lại hiệu quả cao đối với môi trường và cuộc sống của con người hay ảnh hưởng ngược lại?

Về vấn đề này, TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng nhìn nhận, sự phát triển xe điện là sự chọn lựa của nhiều quốc gia, đặc biệt là những nước có các thành phố đông đúc nơi mà cư dân không còn chịu nổi khói bụi thải ra từ những phương tiện chạy bằng xăng dầu, nơi mà các đô thị đang vươn mình lên để trở thành những thành phố thông minh.

“Xe điện cũng rất quan trọng đối với các thành phố thông minh. Ô tô điện góp phần giảm ô nhiễm không khí ở các thành phố thông minh và chống biến đổi khí hậu. Hơn nữa, ô tô điện còn dễ dàng tích hợp với các giải pháp đỗ xe thông minh và dịch vụ đi chung xe điện. Hệ thống giải pháp đỗ xe tối ưu hóa việc sử dụng không gian đỗ xe trong các thành phố đô thị theo hướng thông minh, hiệu quả và góp phần tạo ra luồng giao thông tốt hơn.
Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của xe điện là giá cao hơn so với các loại xe truyền thống. Điều này là do nguyên liệu thô được sử dụng trong pin, cũng như các quy trình đắt tiền liên quan đến sản xuất pin” - TS Bùi Thị An đánh giá và cho biết, mới đây bà có đọc bài báo nói về nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học Birmingham xoay quanh vấn đề pin của xe điện. Theo nghiên cứu này, nếu không có sự phát triển công nghệ tái chế lớn, hàng triệu chiếc xe điện trên thế giới được bán trong năm 2017 sẽ tạo ra 250.000 tấn chất thải pin chưa được xử lý trong suốt tuổi đời của chúng.

“Đây thực sự là yếu tố không thể xem nhẹ trong sự phát triển bền vững. Chúng ta phát triển xe điện để bảo vệ môi trường thì cũng cần xem xét thấu đáo chu kỳ sản xuất và khai thác, từ việc thay đổi thiết kế và sản xuất pin lithium-ion từ khai thác khoáng sản để sản xuất đến tận dụng và tái chế, tạo điều kiện cho việc tháo gỡ chúng vào cuối vòng đời. Cần phải đặt ra một giải pháp toàn diện, nếu không cải thiện môi trường ở khía cạnh này chỉ là giải pháp trước mắt. Vì vậy, vấn đề đặt ra ở đây là chúng ta cần cải thiện các công nghệ và phương pháp phân loại để phân tách vật liệu điện cực, cũng như đưa ra các tiêu chuẩn sản xuất thống nhất, giúp tái chế pin hiệu quả và tránh gây hại cho môi trường” - TS Bùi Thị An nói.

"Xu hướng "xanh hóa" phương tiện giao thông hiện nay đang bùng nổ trên thế giới và là hướng đi chủ đạo của tương lai. Nhiều quốc gia đã nhanh chóng đi đầu xu hướng này như Đức, Na Uy, Anh, Pháp, Hà Lan, Ấn Độ và Trung Quốc, với nhiều chính sách cho xe điện phát triển, trong đó có lộ trình cấm xe sử dụng động cơ đốt trong. Ở nhiều thành phố lớn trên thế giới, xe điện đã được coi là giải pháp giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí.

Tuy nhiên ở Việt Nam, để phát triển công nghệ xe xanh, chúng ta cần một lộ trình với những chính sách khuyến khích cho các nhà sản xuất cũng như cho người sử dụng. Cùng với đó là những giải pháp giải quyết phương tiện cũ ra sao; bài toán về pin thải loại sẽ được xử lý, tái chế thế nào cũng cần tính đến." - Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng - TS Bùi Thị An