Câu hỏi đặt ra: XKTCĐ sẽ chuyển mình, lột xác để bước sang trang mới, hay bảo thủ một cách yếu đuối rồi phải ngậm ngùi rời cuộc chơi với hai bàn tay trắng?
Bài 1: Loay hoay với thực tại
Sự cạnh tranh khốc liệt của xe khách trá hình, hàng không giá rẻ và xe cá nhân đã từng bước đẩy XKTCĐ tại Hà Nội vào cảnh chợ chiều. Không chỉ những DN khai thác vận tải khách liên tỉnh, mà cả các bến xe cũng phải ngụp lặn, xoay xở để sinh tồn. Nhiều DN chọn bỏ bến ra ngoài chạy dù, chộp giật để cầm cự.
Thảm cảnh
Có thể hình dung bức tranh toàn cảnh của XKTCĐ tại Hà Nội trong thời điểm này bằng một cụm từ: Thảm cảnh. Lượng khách qua các bến xe giảm mạnh, nhiều tuyến DN bỏ hẳn 100% lượt chuyến. Trong khi đó, xe rùa bò, xe dù, bến cóc từ nội đô đến ngoại thành lại ngày càng nhiều hơn.
Theo thống kê của Công ty CP Quản lý bến xe Hà Nội, riêng trong tháng 6 vừa qua, 3 bến xe: Mỹ Đình, Gia Lâm, Giáp Bát đã có tới 158 tuyến vận tải khách cố định giảm đến gần 93% số lượt chuyến, chỉ thực hiện được 1.328 lượt/17.927 lượt theo kế hoạch đăng ký.
Có những tuyến như: Mỹ Đình - Chăm Mát do Công ty TNHH TM & dịch vụ vận tải xây dựng Hoàng Yến khai thác, đăng ký 480 lượt trong tháng 6, nhưng không chạy một chuyến nào. Tuyến Gia Lâm - Bến Trại, đăng ký 510 lượt cùng thời điểm, chỉ thực hiện được 59 lượt (12%).
Nhiều thương hiệu lớn từng gây dựng được niềm tin với hành khách như xe Hà Sơn - Hải Vân trên tuyến Gia Lâm - Sapa, đăng ký 60 lượt cũng không chạy lượt nào. Hay xe khách Ka Long tuyến Gia Lâm - Móng Cái, đăng ký 195 lượt chỉ thực hiện 30 lượt…
Phó Giám đốc Bến xe Nước Ngầm Trịnh Hoài Lam thông tin, tại đây đã có tới 245 xe bỏ bến. Nhiều tuyến từng là thế mạnh của bến như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Bắc Giang, Thanh Hóa… nay suy yếu cùng cực. Tuyến Nước Ngầm - Thanh Hóa trống gần 60 nốt không có xe chạy; Bắc Giang trống 30 nốt; đi Tây Nguyên trống hơn 20 nốt; TP Hồ Chí Minh trống hơn 20 nốt…
Còn Bến xe Yên Nghĩa vốn đã rất đìu hiu. Và thảm hơn khi 6 tháng đầu năm nay tiếp tục có tới 111 lượt xe tương ứng với hơn 100 xe bỏ bến. Các tuyến đi Hòa Bình, Thái Bình, Lạng Sơn, Nam Định, Lào Cai có lượng xe bỏ bến nhiều nhất. Công ty CP Ô tô vận tải Hà Tây bỏ 31 lượt với 22 xe đăng ký hoạt động tuyến Yên Nghĩa - Hòa Bình.
Giám đốc Bến xe Mỹ Đình Lý Trường Sơn chia sẻ: “Lượng xe bỏ hẳn bến, không ký lại hợp đồng chiếm khoảng 20%. Một số tuyến xương sống của bến thiệt hại nặng như Quảng Ninh - Hà Nội mất từ 60 - 70% lượng xe. Các tuyến đi: Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… giảm từ 20 - 30% lượng xe”. Hành khách qua các bến xe chỉ tăng cao hơn vào những dịp nghỉ Lễ, Tết, cuối tuần tăng nhẹ. Còn hầu hết thời gian sụt giảm đến hơn 50% sản lượng.
Từ các tuyến ngắn khoảng 100km đến tuyến dài hàng nghìn cây số, rất hiếm lượt xe xuất bến mà lượng khách chiếm trên 50% số ghế, giường. Những chuyến xe chở “gió” rời bến ngày càng nhiều hơn. Lãnh đạo một DN khai thác tuyến Hà Nội - Quảng Ninh (xin giấu tên) ngậm ngùi nói: “Đầu tư xe rồi không chạy cũng chết, mà chạy cũng lỗ vốn. Có chuyến xuất bến chỉ vài người khách, doanh thu không đủ trả tiền ăn cho lái phụ xe”.
Bỏ bến đi đâu?
Lãnh đạo Hiệp hội Vận tải Hà Nội chia sẻ: “Tình trạng của XKTCĐ có thể nói là đang rất nguy ngập, nhiều DN đã không còn đủ sức trụ lại trước áp lực từ ba bề bốn bên nữa”. Nhưng các DN muốn bỏ tuyến cũng không dễ, bởi xe không biết bán cho ai, người lao động không biết đi về đâu...
Phó Giám đốc bến xe Nước Ngầm Trịnh Hoài Lam nói: “Trong khi bến vắng hẳn thì các tuyến đường Trần Thủ Độ, Pháp Vân và một số khu đô thị xung quanh bến lại tấp nập bến cóc đón khách nhận hàng từ sáng sớm tới đêm khuya. Việc này khiến không chỉ đơn vị quản lý bến mà cả các nhà xe hoạt động trong bến cũng thiệt hại nặng nề, đứng ngồi không yên”. Cá biệt có tuyến Nước Ngầm - Bắc Thanh Hóa do Công ty TNHH Du Lịch & vận tải Vân Anh đăng ký khai thác đã mang 14 xe ra ngoài “chạy dù” từ ngày 23/7.
Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, một số lớn nhà xe dù không tái ký hợp đồng với bến nhưng vẫn thường xuyên hoạt động trên tuyến cố định. Thậm chí nhiều nhà xe còn ngang nhiên đón khách ngay tại cửa bến Nước Ngầm hoặc lập bến cóc lân cận như xe: Xuân Sự, Văn Chương, Ngọc Dũng…
Đối với tuyến Hà Nội - Quảng Ninh, tình trạng XKTCĐ teo tóp trong khi xe dù, xe khách trá hình nở rộ còn trầm trọng hơn. Đơn cử như nhà xe Phúc Xuyên, một thời từng là niềm tự hào của vận tải khách Quảng Ninh, nay cũng bỏ bến xe Mỹ Đình ra lập văn phòng tại 55 Dương Đình Nghệ, nhận khách đặt chỗ, đội lốt xe hợp đồng để vận chuyển khách hàng ngày.
Trên tuyến đường Phạm Hùng, đoạn từ Dương Đình Nghệ đến Trần Hoàn, thường xuyên có cả đoàn xe khách lê la dừng đỗ, chèo kéo, gây rối loạn giao thông. Trong đó có cả những chiếc xe của DN đã bỏ 298/300 nốt xe đăng ký tại bến Mỹ Đình như xe mang BKS: 19N - 5795, 19B - 005.12 của DN tư nhân Thủy Chính khai thác tuyến Việt Trì, Phú Thọ.
Nhiều đơn vị vận tải còn rất bức xúc vì những ngày thường thưa vắng họ phải gắng gượng hoạt động, giữ tuyến, nhưng đến dịp Lễ, Tết đông khách hơn một chút bỗng vớ phải hàng loạt xe cùng lao ra đường tranh giành khách. Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng chia sẻ, XKTCĐ đang ở trong giai đoạn khó khăn nhất từ trước đến nay, nhất là sau 2 năm đình trệ do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.
“Làm ăn chân chính thì chật vật gian nan, vác xe ra chạy dù lại dễ thở hơn nhiều, đó là một thực tế. Đó cũng là tác nhân có thể dẫn đến sự suy tàn của XKTCĐ. Nếu không còn XKTCĐ tại các bến xe nữa, mà đầy rẫy xe dù, xe khách trá hình trên đường phố, Hà Nội sẽ gặp thảm họa giao thông” - ông Nguyễn Mạnh Thắng nói.
Lãnh đạo Hiệp hội Vận tải Hà Nội chia sẻ: DN còn ở trong bến giống như một người đuối sức, đắp đổi qua ngày, đến dịp có bát cơm thì bao người xâu xé. Chính vì vậy ngày càng có nhiều DN từ bỏ loại hình XKTCĐ, chuyển đổi sang nghề khác hoặc bắt chước nhau mang xe ra “chạy dù”, chạy trá hình, chấp nhận phạm luật để sinh tồn.
(Còn nữa)