Xe mô tô, xe gắn máy chở hàng cồng kềnh bị xử phạt như thế nào?

Khang Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hành vi chở hành cồng kềnh, chở hàng vượt quá giới hạn quy định sẽ bị xử phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng, trường hợp gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.

 

Xe mô tô, xe gắn máy chở hàng cồng kềnh bị xử phạt như thế nào? - Ảnh 1
Ảnh minh hoạ

Hỏi: Hàng ngày, khi lưu thông trên đường, thỉnh thoảng tôi vẫn bắt gặp những chiếc xe mô tô, xe gắn máy chở hàng hóa cồng kềnh, quá khổ. Điều này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nguy hiểm cho những người đang lưu thông khác.

Đề nghị cho biết: Mức xử phạt đối với xe mô tô, xe gắn máy chở hàng cồng kềnh được quy định như thế nào? 

Trả lời: 

Khoản 3, khoản 4 Điều 30 Luật Giao thông đường bộ quy định:

“3. Người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy không được thực hiện các hành vi sau đây:

a) Đi xe dàn hàng ngang;

b) Đi xe vào phần đường dành cho người đi bộ và phương tiện khác;

c) Sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính;

d) Sử dụng xe để kéo, đẩy xe khác, vật khác, mang, vác và chở vật cồng kềnh;

đ) Buông cả hai tay hoặc đi xe bằng một bánh đối với xe hai bánh, bằng hai bánh đối với xe ba bánh;

e) Hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông.

4. Người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy khi tham gia giao thông không được thực hiện các hành vi sau đây:

a) Mang, vác vật cồng kềnh;

b) Sử dụng ô;

c) Bám, kéo hoặc đẩy các phương tiện khác;

d) Đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái;

đ) Hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông”.

- Khoản 4 Điều 19 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT ngày 07/9/2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải  quy định tải trọng, khổ giới hạn đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện khi tham gia giao thông đường bộ. Theo đó, quy định về giới hạn sắp xếp hàng hóa trên mô tô, xe gắn máy như sau: “Xe mô tô, xe gắn máy không được xếp hàng hóa, hành lý vượt quá bề rộng giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,3 mét, vượt quá phía sau giá đèo hàng là 0,5 mét. Chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy không vượt quá 1,5 mét”.

- Điểm k khoản 3 và điểm c Khoản 10  Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 31/12/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, theo đó phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: “Người điều khiển xe hoặc người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt súc vật, mang vác vật cồng kềnh; người được chở trên xe đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái; xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác”. Hình thức xử phạt bổ sung: Trong trường hợp gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.

- Điểm b Khoản 32 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ sửa đổi các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng (có hiệu lực từ ngày 01/01/2022), trong đó quy định: “Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc để xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt còn có thể quyết định tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm một trong các hành vi quy định tại Nghị định này theo quy định tại khoản 6, khoản 8 Điều 125 của Luật Xử lý vi phạm hành chính (được sửa đổi, bổ sung năm 2020). Khi bị tạm giữ giấy tờ theo quy định tại khoản 6 Điều 125 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, nếu quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính, người vi phạm chưa đến trụ sở của người có thẩm quyền xử phạt để giải quyết vụ việc vi phạm mà vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện hoặc đưa phương tiện ra tham gia giao thông, sẽ bị áp dụng xử phạt như hành vi không có giấy tờ.”

Đối chiếu với các quy định của pháp luật, trường hợp nếu xe mô tô, xe gắn máy chở hàng vượt quá quy định tại Khoản 4 Điều 19 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT nêu trên thì bị coi là chở hàng cồng kềnh và sẽ bị xử phạt lỗi xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định. Hành vi chở hành cồng kềnh, chở hàng vượt quá giới hạn quy định sẽ bị xử phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng, trường hợp gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng. Ngoài bị xử phạt hành chính, người vi phạm còn có thể bị tước bằng lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng theo quy định tại Điểm b Khoản 32 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP.

Hiện nay, người vi phạm có thể tra cứu và nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến thông qua cổng dịch vụ công quốc gia theo địa chỉ: https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-thanh-toan-vi-pham-giao-thong.html

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần