So với 15 ngày đầu tháng 2, lượng nhập của 15 ngày đầu tháng 3 đã tăng hơn 1.600 chiếc, trong đó xe con tăng gấp đôi.
Không chỉ dừng lại ở số liệu trên, mà nhiều dự báo được đưa ra cho rằng, từ đây về sau, lượng xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu, đặc biệt là từ thị trường Thái Lan và Indonesia sẽ tiếp tục tăng cao.
Nguyên nhân khiến lượng xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh được cho là xuất phát từ sự thay đổi chiến lược sản xuất và kinh doanh của một số liên doanh sản xuất ô tô trong nước, trong đó phải kể đến liên doanh Toyota Việt Nam . Từ đầu năm 2017 này, thay vì giới thiệu trên thị trường trong nước mẫu xe lắp ráp tại Việt Nam như nhiều năm, thì Toyota Việt Nam lại giới thiệu mẫu xe đa dụng Fortuner thế hệ mới nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia. Theo lý giải của đại diện Toyota Việt Nam , việc giảm số mẫu xe lắp ráp tại Việt Nam là để tập trung tăng sản lượng cho các mẫu xe còn lại được lắp ráp nhằm giảm chi phí. Tuy nhiên, đằng sau lý do đó ai cũng hiểu, DN này đã biết lợi dụng các cam kết của Việt Nam khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (gọi tắt là ATIGA) có hiệu lực. Theo đó, thuế xuất nhập khẩu ô tô nguyên chiếc (CBU) từ các quốc gia nội khối giảm từ 40% xuống còn 30% trong năm 2017 và sẽ giảm về 0% trong năm 2018. Thuế giảm theo lộ trình trong khi cơ sở hạ tầng chưa theo kịp, chính sách hỗ trợ chưa khuyến khích được DN, công nghiệp hỗ trợ trong nước chậm đáp ứng được yêu cầu, tỷ lệ nội địa hóa thấp…, nên nhiều DN, liên doanh sản xuất ô tô trong nước không còn mặn mà gì với việc tiếp tục duy trì hoạt động lắp ráp.
Với lộ trình giảm thuế này, giới phân tích nhận định khả năng nhiều hãng xe sẽ tiếp tục giảm lắp ráp các mẫu xe hoặc chuyển sang nhập khẩu hoàn toàn.
Lượng xe nhập khẩu tăng cao cũng là phần nguyên nhân không nhỏ khiến mức nhập siêu của cả nước tăng trở lại. Sau 2 tháng, cả nước nhập siêu 46 triệu USD, bằng 0,2% kim ngạch xuất khẩu. Không còn là những thông tin cảnh báo, đã đến lúc cần có những đánh giá toàn diện thị trường ô tô Việt Nam trước những diễn biến mới, đặt mối tương quan với thị trường khu vực và thế giới. Từ đó đánh giá cơ hội và khó khăn, thách thức đối với ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam từ thời điểm năm 2018 trở đi. Có nên tiếp tục chính sách bảo hộ DN sản xuất ô tô trong nước hay không? Khả năng áp dụng biện pháp tự vệ thương mại khi ô tô nguyên chiếc nhập khẩu gia tăng đột biến và ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất trong nước đến đâu?... Đó là những câu hỏi yêu cầu cần sớm có giải pháp trong thời gian tới để không chỉ hài hòa lợi ích giữa DN, Nhà nước và người tiêu dùng, mà còn phù hợp với một loạt các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia bắt đầu có hiệu lực.