Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xe vi phạm “vô chủ”, tiền tỷ thành đống sắt vụn

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các bãi trông giữ xe vi phạm đang rơi vào tình trạng quá tải do quá nhiều người bỏ lại phương tiện. Những chiếc xe “vô chủ” nằm phơi nắng, phơi mưa dần trở thành đống phế liệu không chỉ gây lãng phí mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường.

Sẵn sàng bỏ xe

Thời gian qua, lực lượng chức năng tăng cường các biện pháp mạnh nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông đặc biệt là xử lý vi phạm nồng độ cồn. Tại Hà Nội, mỗi ngày có hàng chục phương tiện bị tạm giữ liên quan đến vi phạm luật giao thông, tang vật vụ án hay xe tai nạn giao thông...

Ghi nhận tại bãi trông giữ phương tiện vi phạm nằm trên địa bàn phường Hà Cầu, quận Hà Đông, cả nghìn chiếc xe máy rơi vào tình trạng bụi phủ, han gỉ do chủ phương tiện bỏ lại sau khi bị tạm giữ. Nhiều chiếc xe xếp chồng lên nhau, nằm ngổn ngang phơi nắng, mưa nhiều năm liền.

Nhiều bãi trông giữ xe vi phạm ở Hà Nội rơi vào tình trạng quá tải.
Nhiều bãi trông giữ xe vi phạm ở Hà Nội rơi vào tình trạng quá tải.

Đại diện đội CSGT số 7 (Công an TP Hà Nội) nhận định, nguyên nhân chính các chủ phương tiện bỏ lại xe là do không có hoặc mất giấy tờ đăng ký, xe biển giả, các xe nhập lậu được mua trôi nổi trên thị trường.

Bên cạnh đó, do những chủ phương tiện này bị phát hiện hành vi như sử dụng xe trộm cắp hoặc trên người có ma túy khi đi xe nên không dám đến cơ quan công an để xác minh.

Theo vị đại diện này, một nguyên nhân khác là do mức xử phạt cao hơn giá trị thực của chiếc xe cùng với thủ tục nhận lại xe mất nhiều thời gian. Ví dụ như trường hợp vi phạm nồng độ cồn có mức xử phạt tối đa trên 7 triệu đồng trong khi chiếc xe đó đã quá cũ, nếu bán ra ngoài thị trường chỉ có giá 2 – 3 triệu đồng.

Công tác xử lý những phương tiện này vẫn đang phải gặp nhiều khó khăn khi phải trải qua hàng loạt bước như: Xác minh nguồn gốc chủ sở hữu, mời đương sự đến giải quyết (gửi giấy mời 3 lần tới chủ phương tiện, đăng thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, dán thông báo 1 tháng tại trụ sở đội CSGT), tổ chức giám định, tra cứu xe nghi vấn không hợp pháp, xe bị đục số khung, số máy….

Tiếp đó, phương tiện này sẽ được chuyển cho trung tâm bán đấu giá cấp tỉnh hoặc hội đồng bán đấu giá cấp huyện để thực hiện bán đấu giá phương tiện.

Ông Nguyễn Văn Thốn – Giám đốc Công ty TNHH Hà Cầu - Thăng Long, đơn vị ký hợp đồng trông, giữ phương tiện vi phạm với Công an TP Hà Nội cho biết: “Đây là điểm trông giữ xe vi phạm duy nhất của quận Hà Đông. Vào những lúc cao điểm, đơn vị tiếp nhận 60 – 70 phương tiện vi phạm/ngày. Lượng xe tồn lại, ùn ứ rất nhiều do chủ phương tiện không đến nhận xe. Hiện, bãi còn tồn lại khoảng 2.000 phương tiện là xe máy đã được lưu giữ từ 1 đến 3 năm”.

Giải bài toán khó

Chính vì nhiều người dân sẵn sàng bỏ lại xe, khiến bãi trông giữ xe vi phạm trở nên quá tải. Đơn vị trông giữ phương tiện đang loay hoay tìm giải pháp khi lượng xe vi phạm bị bỏ lại ngày càng nhiều.

Theo ông Nguyễn Văn Thốn, đơn vị gặp khó khăn khi lượng xe tiếp nhận nhiều nhưng người đến nhận lại xe lại ít. Vì không đủ chỗ để, phương tiện lâu năm không có người đến nhận cũng như xe tai nạn, đơn vị buộc phải đưa ra bãi ở ngoài trời. Việc để ngoài trời nhiều năm, nhiều tháng khiến những phương tiện này bị hư hỏng nặng.

Nhiều chiếc xe xếp chồng lên nhau, nằm ngổn ngang phơi nắng, phơi mưa nhiều năm liền.
Nhiều chiếc xe xếp chồng lên nhau, nằm ngổn ngang phơi nắng, phơi mưa nhiều năm liền.

“Tôi cho rằng, việc thanh lý xe nên diễn ra 3 tháng 1 lần. Phương tiện để nhiều năm tại bãi không những ảnh hưởng đến môi trường cũng như phòng cháy, chữa cháy mà gây lãng phí tiền của. Với tình trạng này, chỉ ít tháng nữa, chúng tôi không thể tiếp nhận thêm xe vi phạm vì không còn chỗ để” – ông Nguyễn Văn Thốn chia sẻ.

 

"Việc đưa vào đấu giá sớm xe vi phạm là đáp án cho bài toán khó liên quan tới tình trạng lãng phí của cải, vật chất khi để phương tiện phơi nắng, mưa như hiện nay" - Luật sư Phạm Thanh Hải – Giám đốc Văn phòng luật Hải Thanh

Luật sư Phạm Thanh Hải – Giám đốc Văn phòng luật Hải Thanh cho rằng, cần có những cơ chế mới nhằm giải bài toán khó về xe vi phạm không có người đến nhận. Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đối với trường hợp cần phải điều tra, xác minh (xe gian, xe nghi tang vật) sẽ mất nhiều thời gian, có thể lên tới 90 ngày. Khi chiếc xe được xác định vô chủ, quy trình tịch thu, đấu giá, tiêu hủy hiện khá phức tạp, nên tính từ thời điểm xe bị tạm giữ đến khi xử lý được, ít nhất mất hơn một năm.

“Đa số những chiếc xe bị tạm giữ đều không có giấy tờ hoặc xe tai nạn hư hỏng nặng nên chủ xe sẵn sàng không đến nhận. Để giải quyết tình trạng này, cần giảm bớt thời gian đấu giá. Ví dụ, sau 90 ngày xác minh hay người vi phạm không đến nhận xe, không có lý do chính đáng thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tịch thu, bán đấu giá phương tiện” – luật sư Phạm Thanh Hải đề xuất.