Xem bói online đầu năm: cẩn trọng tiền mất, tật mang
Cảnh báo xem bói, dâng sao giải hạn
Mới đây, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, tình trạng xem bói online liên tục nở rộ; các hội nhóm xem bói trên mạng xã hội có tới hàng trăm nghìn thành viên tham gia.
Công an tỉnh Thanh Hóa vừa ra quyết định tạm giữ hình sự Trịnh Phương Mai (37 tuổi) để điều tra về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua bói toán và trục vong, giải hạn. Đối tượng Mai đã lợi dụng tâm lý nhẹ dạ, cả tin của một phụ nữ ở Bắc Ninh để lừa đảo hơn 1 tỷ đồng.

Trao đổi về việc ở thời đại công nghệ thông tin, kỷ nguyên số nhưng vẫn có người tin vào bói toán, nhà nghiên cứu Dân tộc học, PGS.TS Bùi Xuân Đính cho biết: trước hết, trong cuộc sống, có người thường gặp những điều không may mắn, bất trắc, thậm chí bế tắc nên họ tin vào số mệnh, vận hạn mà không tin vào khả năng của mình. Đây là cơ sở cho xem bói, giải hạn nảy sinh và phát triển.
Nguyên nhân thứ hai là cho dù ngày nay là thời đại của công nghệ thông tin, kỷ nguyên số thì vẫn có nhiều người không bắt kịp được các thành tựu đó, không thể nắm bắt được các kết quả nghiên cứu tích cực về tín ngưỡng, tôn giáo để có tâm thế vững vàng và hành xử đúng. Trong khi đó, một số kẻ lừa đảo lại lợi dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để tuyên truyền các loại hình bói toán, tử vi hay dâng sao giải hạn...
Những thông tin sai lệch này lan truyền rất nhanh, trên diện rộng nên có nhiều người tin theo. Nhiều kẻ đã lợi dụng tình trạng này để lừa đảo, thu lợi bất chính, người tin thì “tiền mất, tật mang”.
Thạc sĩ Tâm lý học Vũ Thu Hà – Viện Nghiên cứu đào tạo và can thiệp tâm lý Việt Nam cho rằng, cuộc sống có nhiều thay đổi với áp lực về công việc, trong khi không ít bạn trẻ thiếu kỹ năng xã hội, giải quyết vấn đề nên luôn gặp khủng hoảng. Hơn nữa, nhiều người trẻ chưa thật sự tin vào khả năng của mình và tò mò, muốn tìm hiểu năm mới có điều gì tốt đẹp, may mắn hay không nên đã xem bói online.
“Nếu các bạn không tỉnh táo khi xem bói thì mất rất nhiều tiền, bị rơi vào căng thẳng, lo lắng và sợ hãi trong một thời gian rất dài, có nguy cơ rơi vào tình trạng bất ổn” - thạc sĩ Phạm Thu Hà cảnh báo.
Không nên xem và tin vào bói toán
Để ngăn chặn tình trạng bói toán online, PGS.TS Bùi Xuân Đính khuyến cáo người dân không vào các trang mạng xem bói, dâng sao giải hạn hay bất kỳ trang nào nào tuyên truyền mê tín dị đoan.

Trước thông tin có những bạn trẻ nói rằng chỉ xem bói online để cho vui, giải trí, chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà phản hồi: "Các bạn nói xem bói giải trí nhưng rất nhạy cảm thì tin tưởng. Điều này dẫn đến nhiều khi xem bói cho vui nhưng lại nhận được những thông tin không tốt khiến chúng ta lúng túng, lo lắng, bất an".
Cũng theo chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà, bói toán mang tính chất tiêu cực và lợi dụng về mặt tài chính, ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần. Vì vậy, mỗi người cần có nhận thức rất rõ ràng để thoát ra, tránh các ý kiến tiêu cực.
Theo các chuyên gia, trong cuộc sống hiện đại, mọi người cần ứng xử một cách khoa học. Khi gặp chuyện không vui, khó khăn trong cuộc sống thì có thể chia sẻ với những người bạn tin cậy để hiểu được vấn đề và tìm ra cách giải quyết. Khi gặp vấn đề quá lớn mà bạn bè, người thân bên cạnh không thể chia sẻ thì có thể tìm tới chuyên gia tâm lý để có những lý giải, hỗ trợ.
Để mọi người không xem bói toán, PGS.TS Phạm Mạnh Hà - chuyên gia tâm lý, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: “Trước hết là phòng ngừa từ chính bản thân của mỗi người. Chúng ta biết, thuật toán của những trang mạng xã hội là mình càng tò mò bao nhiêu, càng vào xem và say mê nội dung nào đó thì nó xuất hiện nhiều bấy nhiêu. Có nhu cầu thì đương nhiên có đáp ứng. Do đó, mọi người cần có ứng xử một cách văn minh, không vào, không xem, không bình luận bói toán”.
Xem bói toán không chỉ gây thiệt hại về tài chính mà còn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin và sự phát triển của con người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Vì thế, các chuyên gia đề nghị Bộ TT&TT cần ngăn chặn quyết liệt các loại sách tuyên truyền về mê tín dị đoan; dẹp bỏ các trang mạng tuyên truyền mê tín dị đoan. Cùng với đó, xử phạt nghiêm những kẻ lợi dụng bói toán để trục lợi, gây tổn thất cho những người nhẹ dạ cả tin, yếu bóng vía.
Bộ VHTT&DL cần tranh thủ các nhà khoa học biên soạn những tài liệu ngắn, dễ hiểu về các hiện tượng của tai nạn giao thông đang nổi lên trong xã hội, nhất là mê tín dị đoan như dâng sao giải hạn, bói toán giúp mỗi người trong cộng đồng hiểu rõ, có đủ kiến thức và sự tự tin để xử lý các vấn đề gặp phải.

Hà Tĩnh: Cần xử lý dứt điểm vấn nạn "xem bói" ở đền Chợ Củi
Kinhtedothi - Đền Chợ Củi ở xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) thu hút rất đông người dân, du khách đến tham quan, chiêm bái. Nhưng gần đây, tại khu vực linh thiêng này xuất hiện việc câu kéo du khách "xem bói".

Cơ quan chức năng vào cuộc vụ clip xem bói “đúng nhận, sai cãi”
Kinhtedothi-Những ngày qua, trên MXH lan truyền một đoạn clip, trong đó nhân vật chính vừa bổ cau, vừa bói toán về một vấn đề và chốt lại bằng câu "đúng nhận, sai cãi". Sự việc này khiến không ít người lo lắng, xem là mê tín dị đoan. Cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh, làm rõ.

Thận trọng với "bẫy" xem bói "online" đầu năm
Kinhtedothi - Nắm bắt tâm lý người dân thường xem bói đầu năm mới, nhiều đối tượng đã lợi dụng để lừa đảo. Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, thận trọng không nên quá mù quáng tin vào hình thức liên quan đến tâm linh trên mạng xã hội.