Xem World Cup và trải nghiệm “cung điện” dưới lòng đất của Nga

Bài và ảnh Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Đến với nước Nga ngoài những cung điện nguy nga tráng lệ vào loại bậc nhất thế giới thì ai cũng muốn 1 lần trải nghiệm hệ thống tàu điện ngầm. Nhiều người gọi đó là “cung điện” dưới lòng đất không ngoa, vì mỗi đường tàu mang một hoa văn khác nhau đẹp lộng lẫy.

Tàu điện ngầm có từ khi nào
Vào đầu Thế kỷ thứ 19 (1820) thời kỳ Nga Hoàng, một người dân của TP Saint Petersburg (Xanh-pê-téc-bua) đã táo bạo trình lên Hoàng đế Đệ Nhất Alexander I làm một dự án đường hầm từ trung tâm TP đến đảo Vasilyevsky. Khi đó Hoàng đế Đệ Nhất cho đây là một kế hoạch hão huyền, viển vông không có thực tế. Nhiều người cho rằng giao thông ngầm sẽ làm suy yếu các tòa nhà ở bên trên mặt đất.
 Lối lên của đường tàu điện ngầm.

Tuy nhiên, đến cuối Thế kỷ này Đế chế Nga Hoàng mới có cuộc hội thảo nhỏ về vấn đề xây dựng hệ thống đường tàu dưới lòng đất. Nhưng mãi đến năm 1901, có 2 kỹ sư, một là xây dựng, 1 là kỹ sư đường sắt đầu tiên làm việc trong Bộ Giao thông Nga Hoàng đưa ra kế hoạch phát triển hệ thống đường sắt. Kỹ sư đường sắt Reshevsky đưa ra kế hoạch xây dựng hệ thống 6 tuyến đô thị với tổng chiều dài lên đến 172 km và 11 cây cầu, với kinh phí lên đến 190 triệu rúp. Tiếc thay các kỹ sư của Nga Hoàng chưa đủ trình độ thi công các đường hầm trong lòng đất.
Cách mạng tháng 10 nổ ra, Đế chế Nga Hoàng bị lật đổ và kế hoạch xây dựng tàu điện ngầm cũng bị tan theo.
Ga tàu điện ngầm (metro) đầu tiên của Nga được khởi công vào 1929 và hoàn thành năm 1933. Hai năm sau, 1935 tuyến đường sắt metro đầu tiên được đưa vào hoạt động nối Sokolniki với Park Kultury. Đến năm 1937, tuyến đường này được xây dựng nối dài thêm tới Smolenskaya, chạy dưới lòng sông Mat-xco-va đến Kievskaiya.
 Ở điểm ga tàu này nhìn ra phía ngoài là sông Mat-xco-va.

Trước khi bước vào cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại 1938 – 1939 nước Nga (khi đó là Nhà nước Liên Xô) cũng đã xây dựng thêm 2 tuyến đường sắt từ ga Arbatskaya nối với Kurskaya và Gorkoskaya nối với Sokol – Teatralnaya. Sau cuộc chiến tranh vệ quốc từ 1941-1945, kế hoạch này đã bị tạm dừng.
Sau chiến tranh, 1945 – 1950 nước Nga bắt đầu hoàn thiện hệ thống tàu điện ngầm của mình với nhiều tuyến đường mới được thành lập và mở rộng ra các vùng lân cận thủ đô Mat-xco-va. Đường sắt metro tại Nga chia làm 2 vòng tròn. Vòng tròn thứ nhất là bao gồm các ga và đường tàu nằm trong nội đô Mat-xco-va và nằm sâu trong lòng đất. Vòng tròn thứ 2 nối các ga nội đô với các khu vực lân cận và được xây dựng nổi trên mặt đất.
Kiến trúc và trang trí nội thất độc đáo
 Mỗi đường tàu ở đây đều mang kiến trúc khác nhau khiến cho khách vừa đi vừa chụp ảnh ghi lại những khoảng khắc đẹp.

 Nhìn ga tàu như cung điện và có ghế nghỉ giúp cho khách đi cảm giác thoải mái nhất.

Lúc đầu, các đường tàu điện ngầm của Nga chỉ mang phong cách đơn giản. Nhưng sau cuộc chiến vệ quốc những kỹ sư giao thông cho rằng, đường tàu là của nhân dân do đó họ đã thay đổi các thiết kế nhằm đưa các mẫu hoa văn trong đời sống xã hội và bố trí tại các ga tàu. Mục đích vừa để gìn giữ văn hóa của dân tộc và để phục vụ cho người dân sau những giờ làm việc căng thẳng có thể thư giãn khi đi vào con đường đẹp. Do đó các hoa văn đều được chắt lọc tinh túy từ các nền văn hóa Nga qua các thời kỳ, mang màu sắc kiến trúc nghệ thuật độc đáo và đầy giá trị lịch sử. Ngoài ra, metro tại Nga còn có 76 bức tượng đồng công nhân, nông dân, người lính, thủy thủ,con chó, con gà …
 Đa dạng các hoa văn.

 
Với gần 200 nhà ga mỗi ga mang một kiến trúc khác nhau và mang rõ nét từng chặng đường lịch sử hào hùng của nước Nga và Liên bang Xô Viết trước đây, mang giá trị cả lịch sử xưa, cận đại và hiện đại.
Đến nay, chiều dài các tuyến metro tại Nga lên đến khoảng 500 km. Tuyến sâu nhất cách mặt đất là 167 mét. Nhiệt độ vào mùa đông ở trên có thế xuống đến -35 độ C thì trong ga tàu điện ngầm chỉ từ 18 – 22 độ C.
Mật độ tàu đến ga là 1,5 phút/chuyến ở tất cả các chuyến. Mỗi chuyến vào giờ cao điểm chỉ 3 phút/chuyến. Giờ thấp điểm từ 6-10 phút/chuyến.
 Khách mua vé tự động qua máy.

 Mỗi ngày metro Nga vận chuyển 7 triệu lượt khách.

Từ năm 1993, vé tàu được sử dụng vé điện tử, 1 giá tiền cho tất cả các tuyến không kể chặng dài hay ngắn. Hiện nay, các vé tàu được mua tại quầy dịch vụ của nhà ga hoặc mua trực tiếp qua máy tự động đặt ngay cửa vào mỗi ga để hành khách tiện mua. Khách chỉ cần sử dụng một loại thẻ thông minh Transport Cards, đưa thẻ và bỏ tiền vào, máy tự nạp. Đây là nơi đầu tiên ở châu Âu sử dụng loại hình thẻ thông minh này cho hệ thống tàu điện ngầm. Hàng ngày, nước Nga có hơn 7 triệu lượt hành khách sử dụng dịch vụ giao thông trên hệ thống tàu điện ngầm.
 
 Mô hình tàu điện ngầm tại Mat-xco-va Nga hiện nay gồm 2 vòng tròn và nhiều đường chạy xuyên qua trung tâm TP.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần