Xếp hạng chung cư cũ: Hãy lắng nghe dân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà vệ sinh dùng chung cho cả tầng tại CCC F4 Thanh Xuân Trung. Ảnh: Ngọc Hải

Trong khi dư luận và người dân đang mỏi mắt từng ngày chờ đợi câu trả lời từ phía Sở Xây dựng và Viện Khoa học công nghệ & Kinh tế xây dựng Hà Nội về việc phân loại, xếp hạng nhà chung cư cũ (CCC) liệu đã khách quan, đầy đủ hay chưa thì các đơn vị chức năng này lại “nhẩn nha” một cách khó hiểu.

Khác biệt lớn nhất là vị trí?

Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội, TS.KTS Tô Thị Toàn cho biết: “Việc khảo sát thực trạng CCC phải dựa trên 3 tiêu chí chính là: Mức độ bền vững; bố cục môi sinh và tính hợp lý của kết cấu căn hộ”. Cứ dựa trên các yếu tố cơ bản đó để so sánh sẽ dễ dàng đồng cảm với những người dân chỉ biết quan sát, so sánh không gian sống của họ bằng mắt thường. Đơn cử hiện trạng “một trời, một vực” giữa nhà G6A Thành Công - nguy hiểm cấp độ D với nhà F4 Thanh Xuân Trung - cấp độ C. Theo cách phân hạng của Sở Xây dựng, CCC nhà G6A xuống cấp, nguy hiểm hơn nhà F4 một bậc, thế nhưng ở G6A, mỗi căn hộ có diện tích 54m2 (theo sổ đỏ), còn F4 là 24m2; F4 xây dựng trước G6A tới 28 năm; G6A mỗi gia đình có 1 nhà vệ sinh riêng, F4 trung bình khoảng 10 gia đình/nhà vệ sinh. Bên cạnh thực trạng đó, G6A còn nằm trên mặt tiền đường Nguyên Hồng rộng rãi, hướng ra hồ Thành Công thoáng đẹp, nhưng F4 nằm sâu trong con ngõ nhỏ, 4 xung quanh kín mít những tòa nhà cũ kỹ.
Nhà vệ sinh dùng chung cho cả tầng tại CCC F4 Thanh Xuân Trung. 	Ảnh: Ngọc Hải
Kinhtedothi - Nhà vệ sinh dùng chung cho cả tầng tại CCC F4 Thanh Xuân Trung. Ảnh: Ngọc Hải
Tương tự, tại phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình), cùng một khu vực, nhà A, B nằm ở mặt tiền xếp hạng nguy hiểm cấp độ C, còn D1, D2, D3 xây cùng thời điểm, cùng hiện trạng lại không được khảo sát và đương nhiên không xếp loại nguy hiểm. Vậy, việc phân loại, xếp hạng CCC đã thực sự khách quan, chính xác(?). TS.KTS Tô Thị Toàn cho rằng: “Phải khảo sát toàn bộ các CCC trên địa bàn TP xây dựng từ trước năm 1994, không thể chỉ chọn một nhóm nhỏ nào đó dù thực hiện theo bất cứ tiêu chí nào”. Không có chuyên môn, không được tham vấn về quá trình khảo sát nên những người dân sống ngay chính tại CCC G6A Thành Công hay D1, 2, 3 Ngọc Khánh, F4 Thanh Xuân Trung đều cảm thấy khó hiểu và đặt ra câu hỏi về mục đích thực sự của việc xếp hạng nguy hiểm nhà CCC.

Tầng tầng lớp lớp mây mù

Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ, đề nghị cung cấp thông tin về các tiêu chí, tiêu chuẩn trong quá trình khảo sát nhà CCC của Sở Xây dựng Hà Nội và Viện Khoa học công nghệ & Kinh tế xây dựng Hà Nội. Tuy nhiên, 2 cơ quan giữ vai trò chủ yếu này vẫn tìm mọi cách lảng tránh trả lời, bất chấp việc ngày 11/3, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đã yêu cầu Sở Xây dựng kiểm tra thực tế các thông tin báo nêu.

Bà Hằng - Phụ trách Phòng Tổng hợp - hành chính, Viện Khoa học công nghệ & Kinh tế xây dựng Hà Nội ban đầu cho biết, cả 3 thành viên ban giám đốc viện đều đi công tác xa, dài ngày, chưa biết khi nào về. Sau 2 tuần chờ đợi, lại chính bà Hằng tiếp chúng tôi và nói rằng: “Viện của chúng tôi là đơn vị hành chính sự nghiệp, cơ quan chuyên môn kỹ thuật nên nằm ngoài tất cả các quy chế trả lời báo chí của UBND TP Hà Nội và Chính phủ”. Thậm chí, trong cuộc nói chuyện, bà Hằng còn yêu cầu chúng tôi phải để điện thoại của mình lên bàn để “kiểm soát”. Không thể lý giải nổi cung cách làm việc cũng như phương thức o bế thông tin của Viện Khoa học công nghệ & Kinh tế xây dựng Hà Nội, chúng tôi đành ngậm ngùi quay về.

Phía Sở Xây dựng Hà Nội, suốt 3 tuần, 3 lần đi lại đề nghị được tiếp cận thông tin, giải đáp thắc mắc mà người dân nêu ra, chúng tôi đã phải chạy qua 4 phòng, viết 3 bản đề xuất nhưng vẫn chỉ nhận được những câu trả lời như: “Lãnh đạo đi vắng, đi học; sẽ báo cáo chờ ý kiến chỉ đạo”. Liên hệ trực tiếp qua điện thoại với các “lãnh đạo” thì: “Lúc nào bố trí được thời gian sẽ gọi” hay “Liên hệ qua văn phòng”.

Vậy, có quá khó không việc công khai bộ tiêu chí, tiêu chuẩn xếp hạng CCC, giải đáp những thắc mắc, bức xúc của người dân đang ngày ngày phải sống tạm bợ, run rẩy trong những tòa CCC chưa được xếp hạng đúng theo thực trạng của mình (?). Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm câu trả lời ở các cơ quan chức năng chuyên môn này.
Hà Nội hiện còn 1.516 CCC có quy mô từ 2 - 5 tầng, được xây dựng cách đây từ 30 - 60 năm, trong đó mới chỉ có 42 CCC được khảo sát; kết quả xếp hạng lại làm nảy sinh nhiều nghi ngại trong dư luận xã hội. Nếu tiếp tục với tiến độ này, có lẽ phải vài thập kỷ nữa người dân trong các CCC còn lại mới được biết khu nhà của mình thực sự đang ở mức độ xuống cấp nguy hiểm nào.