Xét duyệt nhà ở xã hội “hổng” từ gốc

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Tại Mỹ, việc xét duyệt hồ sơ của người mua nhà tại dự án nhà thu nhập thấp do Department of Housing and Urban Development (Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị) đảm nhiệm. Chủ đầu tư chỉ chuyên trách xây dựng, đảm bảo chất lượng công trình.

Trong khi đó, ở Việt Nam, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội (NƠXH) một lúc đa vai, vừa xây nhà lại toàn quyền xét duyệt hồ sơ khách hàng. Tất nhiên, mọi sự so sánh đều khập khiễng. Thế nhưng, với hàng loạt biến tướng đang phát sinh thì rõ ràng quy trình xét duyệt của chúng ta đang thật sự có vấn đề.
Mua, thuê đều… mập mờ
Ngày 17/9 vừa qua, thị trường NƠXH lại được phen dậy sóng với cảnh tượng hàng trăm khách hàng chen lấn bốc thăm quyền mua nhà tại dự án NƠXH Minh Khai. Là dự án hiếm hoi triển khai xây dựng trong năm 2016, NƠXH Minh Khai nổi lên như một “điểm sáng”, độ nóng tỷ lệ nghịch với 101 căn mở bán. Thế mới diễn ra cảnh bi hài khi nhiều khách hàng vừa bốc trượt đã có “cò” gạ bán lại cho căn bốc trúng với giá chênh hàng trăm triệu đồng. Chưa buông tha, nhiều “cò” còn nhanh nhạy đi gom số điện thoại của khách tại buổi bốc thăm để tư vấn 24/24 giờ. Một “cò” tên K. cho hay: “Khi chủ đầu tư lập danh sách báo cáo lên Sở Xây dựng, chị sẽ được vào tên thay thế người vừa bốc trúng. Bên em có “mối” từ chủ đầu tư nên có thể yên tâm. Đảm bảo ra hợp đồng mới nhận 50% số tiền chênh còn lại”.

Một dự án nhà ở xã hội đang được xây dựng trên địa bàn huyện Hoài Đức.Ảnh: Công Hùng

Mua mập mờ, thuê NƠXH mờ ảo không kém. Thị phần NƠXH cho thuê không còn quá lạ lẫm với mánh khóe “giả hợp đồng thuê để bán” hay “né thuê để bán đứt đoạn” nhằm trục lợi. Vừa lách được thuế sử dụng đất mà vẫn hưởng ưu đãi từ nguồn vay vốn của các tổ chức tín dụng. Theo phản ánh của nhiều người dân, một số chủ đầu tư do chừa chỗ cho người nhà, suất ngoại giao nên làm việc quan liêu, gây khó khăn cho khách hàng, hạn chế số hồ sơ nộp vào.
Có thể thấy, thông điệp mà Bộ Xây dựng phát đi: “Kiên quyết không để xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách NƠXH làm lợi cho cá nhân hay một bộ phận” đang đối nghịch với thực trạng biến tướng tràn lan trên thị trường. Trao đổi vấn đề này với đại diện chủ đầu tư NƠXH thuộc diện “nghi vấn”  thì nhận được câu trả lời “không thể xảy ra tiêu cực”. Bởi lập luận chắc như đinh đóng cột “quy trình xét duyệt đối tượng thuê mua NƠXH rất chặt chẽ” (?!).
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cũng khẳng định, chủ đầu tư và Sở đang làm đúng theo quy định của Bộ Xây dựng. Sau khi tập hợp đầy đủ giấy tờ từ các đối tượng có nhu cầu, chủ đầu tư NƠXH xem xét từng hồ sơ, chấm điểm theo quy định để lập danh sách đối tượng được mua, thuê mua NƠXH thuộc dự án do mình làm chủ đầu tư rồi gửi về Sở Xây dựng. Từ đây, Sở có trách nhiệm công bố trên trang thông tin điện tử. Sau 15 ngày nếu không có ý kiến gì, chủ đầu tư sẽ ký hợp đồng với người mua nhà.
Dừng trao quyền cho chủ đầu tư
Giới chuyên môn cho rằng quy định công khai danh sách đối tượng được mua, thuê, thuê mua NƠXH trên trang thông tin điện tử của Sở Xây dựng là động thái tốt vì đảm bảo tính minh bạch. Thế nhưng, phải mở rộng công khai hơn nữa, ít nhất là tại địa điểm của UBND phường, UBND quận, nơi có dự án thì cơ hội tiếp cận của người dân tốt hơn.
Theo chuyên gia kinh tế - tài chính Bùi Kiến Thành, việc xác định danh sách những người được mua NƠXH cần thay đổi. Đây phải là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý chứ không thể là nhiệm vụ dành cho chủ đầu tư. Bởi chủ đầu tư chỉ là đơn vị thực hiện dự án đầu tư. Tại một số nước tiên tiến như Mỹ, Đức, Canada… thậm chí chủ đầu tư cũng không kiêm công ty xây dựng. Họ chỉ đơn thuần là một tổ chức có chức năng đảm bảo việc xây dựng NƠXH. Sau đó sẽ đấu thầu lựa chọn công ty xây dựng thuần túy làm về xây dựng, cắt một mạch giữa công ty xây dựng là đơn vị thực hiện dự án với chủ đầu tư của dự án thành hai đối tượng khác nhau. Trong khi đó Việt Nam vẫn nhập hai vấn đề đó làm một, đó là chủ đầu tư kiêm công ty xây dựng. Vấn đề trao quyền chủ đầu tư tuyển chọn những người được mua NƠXH tại một dự án nào đó cũng không chính xác. Chính sách NƠXH có sự trợ giúp của Nhà nước thì xét duyệt phải là công việc khách quan do cơ quan Nhà nước thực hiện. Như vậy mới đảm bảo quy trình theo đúng quy định của pháp luật. Sau đó chỉ cần công khai, minh bạch trên trang thông tin điện tử của Sở Xây dựng trong 15 ngày có lẽ là chưa đủ.
Sự phân bổ trách nhiệm vốn đã không ổn ngay từ khi bắt đầu. Ai đời chủ đầu tư – đơn vị xem lợi nhuận là trên hết được tự lập dự án xây dựng rồi tự xét duyệt, lên danh sách hồ sơ bán nhà. Từ quy trình xét duyệt “hổng” kéo theo những khâu tiếp theo cũng “tù mù”. Đến khi có phản ánh tiêu cực, sai phạm thì lại quay lại điểm xuất phát để kiểm tra. Vậy tại sao ngay từ đầu không tách bạch ra: Chủ đầu tư chỉ thuần túy là xây dựng dự án và một cơ quan độc lập Nhà nước xét duyệt hồ sơ để đảm bảo minh bạch?
Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp
Chuyên gia nhận định
Nhà nước phải nắm quỹ nhà ở xã hội
 
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Phạm Sỹ Liêm – nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian qua chỉ phát hiện và thực hiện thu hồi được khoảng 10 căn hộ sai phạm. Trong khi, những hiện tượng nhà giàu đi ô tô sang sinh sống trong các dự án nhà ở xã hội (NƠXH), hay mua chênh, bán qua sàn mà phương tiện thông tin đại chúng phản ánh thì vẫn… bình an vô sự (?!). Tình trạng này chẳng phải là hệ quả của quá trình chủ đầu tư xét duyệt cơ cấu “lọt sàng xuống nia” hay sao? Còn chờ đến bao giờ mới thanh, kiểm tra hay không muốn thanh kiểm tra? Phải nhanh chóng trả bài toán về cho thị trường, Nhà nước phải nắm quỹ NƠXH thông qua việc thành lập một cơ quan độc lập, không liên quan đến bên xây lẫn bên mua, để tránh được khuất tất, biến tướng. Ngoài ra, việc xét chọn người mua nhà phải bắt đầu từ những cấp nhỏ như cấp phường, cơ quan quản lý trực tiếp và phải hoàn toàn công khai cho người dân được biết.
Gia Tuấn ghi