Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú lần 3 năm 2021: Tôn vinh giá trị riêng của Hà Nội

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong danh sách 92 cá nhân được xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” (NNND), “Nghệ nhân ưu tú” (NNƯT) trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 3 năm 2021 có 18 nghệ nhân ở loại hình di sản nặn tò he – di sản duy nhất chỉ có ở Hà Nội. Đây không chỉ là sự ghi nhận, tôn vinh với những người bảo tồn, phát huy nghề truyền thống đã có hàng trăm năm ở Thủ đô mà còn là sự động viên, khích lệ không nhỏ với những “báu vật sống" của mảnh đất ngàn năm văn hiến.

 Nghệ nhân làng nghề Xuân La, huyện Phú Xuyên biểu diễn nặn tò he. Ảnh: Việt Dũng
Di sản gia truyền
Trong danh sách số 92 cá nhân được xét tặng danh hiệu NNDN, NNƯT ở lĩnh vực “Tri thức dân gian” có 19 người. Đặc biệt, 18/19 người được xét tặng danh hiệu đều trong nghề nặn tò he (2/15 NNND, 16/77 NNƯT). Người cao tuổi nhất là nghệ nhân Chu Tiến Công (sinh năm 1949), trẻ nhất là Đặng Đình Sự (sinh năm 1985). Họ đều là người dân thộc thôn Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
Khi danh sách đề nghị xét tặng được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, người dân thôn Xuân La rất vui mừng. Nhiều gia đình tự hào, phấn khởi vì người thân được xét tặng danh hiệu cao quý này. Vậy nhưng, cũng nhiều người đặt câu hỏi, tại sao một ngôi làng nhỏ của Thủ đô lại có nhiều nghệ nhân như vậy? Đi tìm câu trả lời cho thắc mắc này, phóng viên Kinh tế & Đô thị được biết: “Sở dĩ, nghệ nhân nặn tò he tập trung chủ yếu ở Xuân La là bởi, nghề nặn tò he chỉ có ở Hà Nội chứ không phổ biến khắp cả nước như những di sản văn hoá phi vật thể khác. Bên cạnh đó, nghề nặn tò he là nghề gia truyền nên những bí quyết chỉ truyền dạy trong thôn, làng. Đây vừa là ưu điểm, cũng là hạn chế của nghề truyền thống đã có hàng trăm năm này” – anh Nguyễn Văn Thành – nghệ nhân được xét tặng danh hiệu NNND trong nghề nặn tò he chia sẻ.
Theo những người dân ở thôn Xuân La, việc bảo tồn, phát huy hay theo đuổi nghề truyền thống của các nghệ nhân nơi đây không phải chỉ một sớm, một chiều. Để những người thợ làm tò he được xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT như ngày hôm nay, họ phải đấu tranh, giành giật nhiều điều để giữ nghề. Trước hết, người làm tò he tại Xuân La phải cố gắng mưu sinh bằng nghề truyền thống trong bối cảnh các loại hình giải trí khác như mạng xã hội, game online ngày càng được giới trẻ ưa thích. Bên cạnh đó, thị trường đồ chơi ngày càng phong phú, đặt biệt là sự chiếm lĩnh thị trường của đồ chơi ngoại xuất xứ từ Trung Quốc khiến đất sống của tò he ngày càng hạn hẹp.
Nâng tầm di sản Thủ đô
Để bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của cha ông đã để lại, người dân thôn Xuân La đã tự mở một CLB làng nghề truyền thống nặn tò he duy nhất chỉ có ở Hà Nội. Theo anh Nguyễn Văn Thành – Chủ nhiệm CLB làng nghề truyền thống Tò he Xuân La: “Rất khó để thuyết phục người dân, các bậc phụ huynh trong làng cho các em nhỏ đến học. CLB ban đầu chỉ có hơn 30 người nhưng với sự cố gắng, quyết tâm của các thành viên đến nay đã có hơn 120 em theo học”.
Mặt khác, những năm qua, khi sức sống của các sản phẩm văn hóa nói chung và tò he nói riêng có những chuyển biến tích cực, nhiều chương trình trải nghiệm đã được tổ chức. Đơn cử như vào năm 2015, làng nghề Xuân La được Sở VH&TT Hà Nội chọn làm điểm đón tiếp đoàn học sinh, sinh viên về trải nghiệm nặn tò he, nghệ nhân trong thôn đã giới thiệu về sản phẩm kỷ lục rồng thời Lý nặng 300kg dài 3m, rùa cõng cúp kỷ lục nặng 250kg dài 1,3m; bông hoa sen nặng 50kg đường kính 1m đón nhận nhiều sự quan tâm của công chúng.
Bên cạnh đó, nghệ nhân nặn tò he tại thôn Xuân La đã phối hợp với Sở VH&TT Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội... tổ chức các chương trình biểu diễn nặn tò he tại lễ công bố Năm du lịch quốc gia. Tổ chức Hội thi nặn tò he tại lễ hội “Làng nghề, phố nghề Thăng Long Hà Nội”. Phối hợp tổ chức tại lễ hội vinh danh làng nghề huyện Phú Xuyên và tham gia thao diễn tay nghề tại hội trợ triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam lần thứ nhất tại Giảng Võ...
Với những nỗ lực không ngừng đó, những người thợ làm tò he tại thôn Xuân La đã được TP Hà Nội ghi nhận và xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lịch vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 3 năm 2021. Đây có thể xem là những cơ hội để nghề truyền thống của cha ông ngày càng được bảo tồn, phát triển. Tuy nhiên, điều nay cũng đặt ra những thách thức với các NNND, NNƯT để định hướng, phát triển nghề duy nhất chỉ có ở Thủ đô trong tương lai.