Xét xử “đại án” tham nhũng tại Agribank

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 22/10, TAND TP Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ “đại án” tham nhũng gây thiệt hại gần 1.000 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam - Chi nhánh 6 (Agribank CN 6).

Ra hầu tòa trong phiên xét xử lần này gồm 11 bị cáo: Hồ Đăng Trung (nguyên Giám đốc), Hồ Văn Long (nguyên Trưởng phòng Tín dụng), Trương Quốc Bảo, Trương Nhật Quang và Nguyễn Hoàng Quốc Thụy (đều nguyên là nhân viên làm việc tại Agribank CN 6) cùng bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Các bị cáo còn lại là Dương Thanh Cường (nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Bình Phát) bị truy tố về 2 tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”; Thái Cường (nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tấn Phát) bị truy tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Xét xử “đại án” tham nhũng tại Agribank - Ảnh 1

Các bị cáo trong "đại án" tham nhũng ở Agribank CN 6 trước vành móng ngựa.

Giữ vai trò là đồng phạm, 2 bị cáo Lê Sơn Hùng và Phạm Hoàng Thọ (đều nguyên là Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Xây dựng Thương mại Thanh Phát) bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngoài ra còn có bị cáo Lê Thành Công (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Dệt kim Đông Phương) bị truy tố tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; Đỗ Trọng Nhân (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Siêu mẫu Việt) bị truy tố tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Theo cáo trạng truy tố, thực hiện chủ trương di dời các nhà máy, xí nghiệp gây ô nhiễm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh về khu công nghiệp, Công ty Đông Phương đã ký hợp đồng liên doanh với Công ty Phương Nam về hợp tác xây dựng trung tâm thương mại dịch vụ và chung cư cao tầng. Lợi dụng việc này, từ năm 2007 - 2010, Lê Thành Công, Dương Thanh Cường, Thái Cường và đồng phạm đã lợi dụng việc thi công dự án để thực hiện nhiều hành vi gian dối hòng trục lợi. Ngoài ra, Dương Thanh Cường còn thành lập một số DN như: Công ty Tấn Phát, Công ty Thanh Phát…, sau đó thuê người làm giám đốc để vay vốn ngân hàng.

 
Xét xử “đại án” tham nhũng tại Agribank - Ảnh 2

Để làm được điều này, Dương Thanh Cường đã chỉ đạo Thái Cường lập hồ sơ vay 170 tỷ đồng; chỉ đạo Lê Văn Tuấn vay 628 tỷ đồng của Agribank CN 6 với tài sản thế chấp là một số giấy tờ bất động sản. Và dù mới trả được hơn 107 tỷ đồng cho Agribank CN 6 nhưng các đối tượng vẫn tiếp tục dùng những giấy tờ này thế chấp vay tiền rồi gán nợ cho Ngân hàng Phương Nam.

Giữ chức vụ Trưởng phòng Tín dụng của Agribank CN 6, Hồ Văn Long đã đề xuất với Hồ Đăng Trung (lúc đó là Giám đốc chi nhánh - PV) cho Công ty Tấn Phát vay 170 tỷ đồng trong khi dự án chưa được phê duyệt… Tương tự, Long cũng đề xuất để Trung đồng ý cho Công ty Thanh Phát vay 628 tỷ đồng dù biết dự án chưa hoạt động, tài sản thế chấp không hợp lệ.

Bên cạnh đó, Long cũng chỉ đạo cấp dưới làm ngơ cho sai phạm trong quá trình làm hồ sơ vay vốn, tạo cơ hội cho Dương Thanh Cường chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, các đối tượng trên còn đồng ý cho Dương Thanh Cường mượn lại tài sản thế chấp là các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay tiền tại ngân hàng khác dẫn đến việc mất tài sản thế chấp. Tính đến khi vụ án bị khởi tố (9/2012), các bị cáo này đã gây thiệt hại cho Agribank CN 6 tổng cộng hơn 966 tỷ đồng (cả gốc lẫn lãi).

Bước vào phiên xét xử buổi chiều, HĐXX đã bắt đầu với phần thẩm vấn các bị cáo.

Trả lời câu hỏi của HĐXX về cáo buộc mà cáo trạng đã truy tố, bị cáo Dương Thanh Cường đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Bị cáo Thanh Cường khai nhận, đã chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ tài sản thế chấp là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại số 10 Âu Cơ và trụ sở công ty của Cường tại 44 An Dương Vương (quận 8) để vay 170 tỷ đồng của Agribank CN 6 trong khi biết hồ sơ này không đủ điều kiện thế chấp.

Một tháng sau, bị cáo lại tiếp tục vay 628 tỷ đồng để thực hiện Dự án khu biệt thự nhà vườn và thế chấp bằng 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà Cường thu mua của người dân trong quá trình giải phóng mặt bằng và 3 bất động sản khác. Toàn bộ số tiền vay được, Cường dùng để trả các khoản nợ trước đó và đầu tư bất động sản nhưng thua lỗ.

Tai phần xét hỏi, bị cáo Thái Cường và Phạm Hoàng Thọ đã thừa nhận hành vi phạm tội nhưng cho rằng, các bị cáo chỉ là người làm công ăn lương, tất cả đều thực hiện theo chỉ đạo của bị cáo Thanh Cường.

Cũng giống các bị cáo trên, bị cáo Hồ Đăng Trung cũng thừa nhận sai phạm dẫn đến thất thoát số tiền 966 tỷ đồng. Tuy nhiên, bị cáo cho rằng không cố ý mà là nạn nhân của hành vi lừa đảo do Thanh Cường và đồng phạm thực hiện.

Tương tự, bị cáo Hồ Văn Long, Trương Quốc Bảo và Trương Nhật Quang cũng thừa nhận đã có vi phạm quy định về cho vay như cáo trạng đã cáo buộc. Tuy nhiên, theo bị cáo Quang, còn nhiều tình tiết trong biên bản làm việc khi điều tra bổ sung chưa được đưa vào cáo trạng.

Còn riêng bị cáo Nguyễn Hoàng Quốc Thụy không đồng ý với cáo buộc đưa tài sản không hợp lệ vào hợp đồng thế chấp. Bị cáo này cho rằng, bản thân không thực hiện đúng quy trình nhưng việc phê duyệt là do cấp trên chỉ đạo và sau khi thực hiện hợp đồng tín dụng với công ty của bị cáo Thanh Cường, Thụy đã nghỉ việc tại Agribank CN 6.

Trả lời HĐXX về hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” khi lập hồ sơ vay 170 tỷ đồng của Agribank CN 6, bị cáo Thanh Cường cho biết, khoảng tháng 9/2007 đã chỉ đạo cho Thái Cường mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời tại lô đất số 10 Âu Cơ của Công ty Đông Phương để thế chấp cùng với bất động sản khác tại 44 An Dương Vương do công ty của Cường đứng tên.

Sau khi được giải ngân, Cường mượn lại giấy tờ đất đang thế chấp để đi làm thủ tục. Tuy nhiên, sau khi làm được giấy tờ, Cường nghe nói Agribank không đồng ý cho vay tiếp nên bị cáo đã nảy sinh ý định không trả lại tài sản thế chấp này mà mang sang Ngân hàng Phương Nam để vay hơn 15.000 lượng vàng.

Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 9 ngày (từ ngày 22 - 30/10).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần