Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xét xử đồng phạm của “siêu lừa” Huyền Như

Thiên Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bị cáo Bảo Ngọc được xác định đã tiếp tay cho “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như trong việc lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 670 tỷ đồng của ACB.

Sáng nay (23/9), TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Huỳnh Thị Bảo Ngọc (sinh năm 1972, trú tại quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) - nguyên Phó phòng quản lý quỹ của Ngân hàng thương mại CP Á Châu (ACB) ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân. 
Bị cáo Bảo Ngọc được xác định đã tiếp tay cho “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như trong việc lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 670 tỷ đồng của ACB. Quá trình xét xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên - cựu Phó Chủ tịch ACB cùng đồng phạm diễn ra vào giữa năm 2014, TAND TP Hà Nội đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với Bảo Ngọc ngay tại phiên xử.
Bị cáo Huỳnh Thị Bảo Ngọc tại phiên tòa 
Theo cáo trạng truy tố, năm 2010, Thường trực HĐQT ACB đã thống nhất về chủ trương ủy thác cho các cá nhân để gửi tiền đồng và USD tại các tổ chức tín dụng để hưởng lãi suất vượt trần quy định của Nhà nước. Thực hiện chủ trương này, Bảo Ngọc liên hệ với Huyền Như lúc này đang là quyền Trưởng Phòng giao dịch Điện Biên Phủ - Chi nhánh Ngân hàng Vietinbank TP Hồ Chí Minh (Vietinbank TP Hồ Chí Minh) để thỏa thuận việc gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng này. Người gửi sẽ được hưởng lãi suất vượt trần từ 3,8 - 4,5%/năm, còn Bảo Ngọc được hưởng lãi suất từ 0,1 - 1,5%/năm. Lãi suất ngoài hợp đồng sẽ trả trước vào tài khoản của người gửi được mở tại Vietinbank TP Hồ Chí Minh và chỉ được rút khi đến hạn thanh toán. Riêng, Bảo Ngọc sẽ được trả trước theo chỉ định.
Theo đó, từ ngày 21/7 - 5/9/2011, Bảo Ngọc chỉ định 17 nhân viên gửi tiền, ký 32 Hợp đồng ủy thác gửi tiền với ACB và đồng thời ký 32 hợp đồng gửi tiền với Vietinbank TP Hồ Chí Minh. Sau đó, ACB đã chuyển gần 670 tỷ đồng vào tài khoản thanh toán của 17 nhân viên mở tại Vietinbank TP Hồ Chí Minh. Nhận số tiền trên, Huyền Như chuyển hơn 10 tỷ đồng vào tài khoản của nhân viên ACB để trả lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng; chuyển hơn 3,7 tỷ đồng vào tài khoản của chị gái Bảo Ngọc để trả lãi chênh lệch riêng cho bị can này.
Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như cũng được trích xuất đến phiên tòa

Theo nội dung hợp đồng gửi tiền, các chủ tài khoản đã ký các lệnh chi để chuyển tiền từ tài khoản thanh toán sang tài khoản tiết kiệm. Tuy nhiên, Bảo Ngọc không yêu cầu 17 nhân viên gửi tiền phải nhận các thẻ tiết kiệm để quản lý. Từ sự tiếp tay này của Bảo Ngọc, “siêu lừa” Huyền Như đã chiếm đoạt gần 670 tỷ đồng tiền gửi bằng việc làm giả 9 lệnh chi của 6 chủ tài khoản, chuyển hơn 120 tỷ đến tài khoản người khác. Ngoài ra, Huyền Như còn lập 89 thẻ tiết kiệm với tổng số tiền hơn 530 tỷ đồng và không giao cho các chủ thẻ.

Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào đầu năm 2014, Huyền Như với cáo buộc chủ mưu gây thiệt hại gần 4.000 tỷ đồng (trong đó có hành vi chiếm đoạt số tiền gần 670 tỷ đồng) đã bị tuyên phạt tù chung thân. Đồng thời, tại phiên tòa phúc thẩm tháng 1/2015, ngoài giữ nguyên mức án sơ thẩm với Huyền Như, TAND Tối cao tại TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị Cơ quan CSĐT khởi tố một số người “giúp sức” cho “siêu lừa” này, trong đó có Bảo Ngọc.

Trong quá trình điều tra, Bảo Ngọc không khai nhận việc yêu cầu Huyền Như phải trả riêng lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng từ 0,1 -1,5%/năm. Tuy nhiên, Cơ quan công tố xác định, Bảo Ngọc đã giúp sức cho Huyền Như chiếm đoạt số tiền gần 670 tỷ đồng nên đã đủ cấu thành hành vi lừa đảo.

Ngoài ra, chị gái của Bảo Ngọc đã tự nguyện giao nộp gần 3,2 tỷ đồng trong tổng số hơn 3,7 tỷ đồng mà Huyền Như chuyển vào tài khoản trước đó nên được miễn trách nhiệm hình sự.

Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra trong 2 ngày (23 và 24/9).
Liên quan việc ủy thác gửi tiền trên, trước đó, một loạt lãnh đạo cấp cao của ACB đã bị tuyên phạt về tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong đó, Nguyễn Đức Kiên đã bị tuyên phạt 30 năm tù…