Xét xử giai đoạn 2 “đại án” VNCB: 4.500 tỷ đồng góp vốn không phải của 22 cổ đông

Trúc Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 23/1, phiên tòa xét xử Phạm Công Danh (SN 1965, nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB, nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (SN 1959, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT, nguyên Chủ tịch HĐTD Sacombank), cùng 44 bị cáo phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” tiếp tục với phần tranh luận của các luật sư.

Đề nghị thu tất cả tiền VNCB đã trả nêu trong cáo trạng

Các luật sư bào chữa cho các bị cáo đều đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ tội cho các bị cáo, không cần cách ly khỏi xã hội đối với những bị cáo bị đề nghị mức án 3 - 4 năm tù giam.
 Các bị cáo trong vụ VNBC
Trong phần bào chữa bổ sung cho mình, bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng Giám đốc VNCB), mong HĐXX xem xét các số liệu. Theo bị cáo, đầu năm 2013 VNCB cực kỳ khó khăn, tổng tiền gửi trên 20.000 tỷ đồng, cuối năm trên 31.000 tỷ đồng. Đến năm 2014, CB Bank báo cáo âm trên 6.000 tỷ, trong khi vẫn còn trên 27.000 tỷ đồng. “Lý do âm rất nhanh do trả lãi khoảng 2.600 tỷ đồng vào năm 2013, trong năm 2014 lỗ 2.900 tỷ đồng. Nếu không huy động vốn, ngân hàng sẽ mất thanh khoản, còn huy động thì lỗ. Liên quan số tiền 4.500 tỷ đồng, theo báo cáo nằm trong vốn điều lệ. Tháng 5/2014, có tổng cộng 7.900 tỷ đồng. Ngày 29/7/2014, bị cáo bị bắt thì trong VNCB vẫn còn trên 5.000 tỷ đồng. Vì vậy số tiền 4.500 tỷ đồng cần phải trả cho 22 cổ đông, vì CB Bank đang sử dụng, nay lại đòi tiếp là hưởng lợi kép. Mong HĐXX thu hồi tất cả số tiền mà VNCB trả cho các cá nhân, tổ chức được nêu trong cáo trạng nhằm khắc phục hậu quả” - bị cáo Mai tự bào chữa.

4.500 tỷ đồng là của bị cáo Phạm Công Danh

Khi được HĐXX cho bào chữa bổ sung, bị cáo Mai Hữu Khương (SN 1983, nguyên thành viên HĐQT VNCB, nguyên Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn), cho rằng sau khi Phạm Công Danh nhận chuyển nhượng Ngân hàng Đại Tín (TrustBank) từ bà Hứa Thị Phấn, lúc đó đã âm 2.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 5.000 tỷ đồng, tổng dư nợ 22.000 tỷ đồng, nên ông Danh phải dùng tất cả nguồn lực của mình để duy trì VNCB. Vì nhận chuyển nhượng, nên ông Danh phải ôm nợ 22.000 tỷ đồng. Sau khi nhận nợ bị kiểm soát đặc biệt, nhưng lại không được phép tăng trưởng tín dụng, nên hàng năm VNCB phải trả lãi trên 2.000 tỷ và buộc phải lỗ 2.300 tỷ đồng/năm, cộng các khoản nợ trên 18.000 tỷ đồng. Vì vậy mong HĐXX số nợ do đâu. Trong khi Ngân hàng Nhà nước buộc tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ lên 7.500 tỷ, ông Danh xin giãn biên độ, nhưng không được nên phải làm sai.

Về số tiền 4.500 tỷ đồng cho rằng của 22 cổ đông góp vốn, bị cáo xin nói thẳng họ không có đồng nào, tiền đó của ông Danh. Nay CB Bank cho rằng 4.500 tỷ đồng hòa vào nguồn tiền chung và đã dùng hết là không đúng. Tổng số tiền phải chăm sóc khách hàng trên 4.000 tỷ đồng, trong đó phải trả ông Trần Quý Thanh (Công ty Tân Hiệp Phát) và con gái Trần Ngọc Bích 2.760 tỷ đồng. Trả nợ cho nhóm Phú Mỹ do bà Hứa Thị Phấn làm đại diện số tiền 3.658 tỷ đồng. Ông Danh đã bỏ tiền của mình trên 20.000 tỷ đồng để duy trì VNCB. Bị cáo chỉ mong HĐXX xem xét bối cảnh, thu hồi tất cả số tiền đã trả cho các cá nhân, các nhóm để khắc phục hậu quả” - bị cáo Khương cho biết.