Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xi măng, sắt thép liên tục tăng giá

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông thường những tháng đầu năm không phải là mùa xây dựng nên giá bán xi măng, sắt thép sẽ không có biến động. Tuy nhiên, năm 2021 thị trường này đã đi trái quy luật mọi năm. Cụ thể, từ đầu tháng 4 đến nay, các DN sản xuất xi măng, sắt thép liên tục tăng giá bán.

Khảo sát của phóng viên tại các cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng trên phố Cát Linh, Láng Hạ cho thấy, hiện giá xi măng dao động từ 1,2 - 1,3 triệu đồng/tấn. Cụ thể giá các loại xi măng như: Bút Sơn 1,13 triệu đồng/tấn, Vissai PCB30 1,05 triệu đồng/tấn, Xuân Thành PCB40 1,23 triệu đồng/tấn… Thông tin từ Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho thấy, từ giữa tháng 4, Công ty TNHH Thương mại Xi măng Công Thanh đã điều chỉnh tăng giá xi măng thêm 30.000 đồng/tấn. Tương tự, từ ngày 21/4, Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn và Công ty CP Xi măng VICEM Hoàng Mai cũng ra thông báo tăng 30.000 đồng/tấn áp dụng đối với xi măng bao PCB30, PCB 40. Cũng thời điểm này nhiều DN sản xuất xi măng như: Công ty CP xi măng Hoàng Long, Công ty CP xi măng Xuân Thành và Công ty xi măng Long Sơn cũng điều chỉnh tăng giá bán 40.000 đồng/tấn. Lý giải nguyên nhân khiến xi măng tăng giá, đại diện Hiệp hội Xi măng Việt Nam nêu rõ: Hiện chi phí nguyên vật liệu đầu vào sản xuất xi măng như than, điện, xăng dầu, thạch cao, phụ gia, vỏ bao… liên tục tăng giá đã buộc DN sản xuất phải điều chỉnh giá bán.

Không riêng gì mặt hàng xi măng, nhiều đại lý vật liệu xây dựng cũng phản ánh từ đầu tháng 4 đã đồng loạt nhận được thông báo của các nhà máy sản xuất thép về điều chỉnh giá bán sản phẩm. Cụ thể, thép xây dựng tăng 1 triệu đồng/tấn, thép cuộn, thép cây tăng 1,5 - 2 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ năm trước...

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nguyễn Văn Sưa, giá thép tăng do nguyên liệu sản xuất tăng, cụ thể giá quặng sắt hiện ở mức trên 170 USD/tấn, tăng 55% so với cuối năm 2020 và gấp đôi cùng kỳ năm ngoái, thép cuộn cán nóng cũng tăng 44% so với cùng kỳ, ở mức 660 USD/tấn. "Rõ ràng nguyên liệu đầu vào là tác nhân chính khiến sắt thép tăng 20 - 30% so với quý IV/2020" - ông Sưa phân tích. Theo Bộ Công Thương, ngoài việc thiếu hụt nguồn cung, hiện Trung Quốc đang trong giai đoạn cắt giảm sản lượng thép nhằm bảo vệ môi trường cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung đẩy giá thép tăng phi mã. Mặc dù giá thép tăng nhưng DN Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng bởi năng lực sản xuất đạt 14 triệu tấn thép xây dựng, trong khi nhu cầu sử dụng thép xây dựng trong nước chỉ khoảng 11 triệu tấn. Như vậy, cung hoàn toàn đáp ứng đủ cầu mặt hàng này.