Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xi măng tăng giá lần thứ 3 trong tháng 6/2022

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi giá thép có 5 lần điều chỉnh giảm thì xi măng tiếp tục tăng giá lần thứ 3 trong tháng 6/2022.

Một dây chuyền sản xuất xi măng của Vicem. Ảnh: Vicem
Một dây chuyền sản xuất xi măng của Vicem. Ảnh: Vicem

Giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất xi măng như xăng dầu, than đá... tăng mạnh khiến giá thành phẩm liên tục tăng. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp điều chỉnh giá bán xi măng ra thị trường trong tháng 6/2022.

Cụ thể, Công ty CP Kinh doanh Xi măng miền Bắc thông báo tăng giá bán sản phẩm xi măng Norcem Yên Bình và Xi măng Norcem Mai Sơn sản xuất tại Yên Bình, tăng 70.000 đồng/tấn (đã bao gồm VAT) đối với các chủng loại xi măng bao, rời và bao jumbo từ ngày 10/6.

Từ 15/6, Công ty TNHH TM Xi măng Công Thanh khu vực miền Trung và Công ty CP Xi măng Tân Quang - VVMI cũng thông báo tăng giá bán từ 50.000 - 140.000 đồng/tấn (đã bao gồm VAT) tùy chủng loại.

Từ ngày 22/6, Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn thông báo điều chỉnh tăng giá bán xi măng bao và rời thêm 70.000 đồng/tấn (đã bao gồm VAT); tương tự Công ty Xi măng Long Sơn cũng tăng 60.000 đồng/tấn đối với tất cả nhãn hiệu xi măng rời; Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch tăng từ 50.000 - 80.000 đồng/tấn (đã bao gồm VAT) đối với xi măng PCB40 bao, rời đa dụng và công nghiệp;

Cùng ngày Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hải Vân điều chỉnh tăng 50.000 đồng/tấn đối với sản phẩm xi măng bao và rời Vicem Hải Vân, Wallcem (đã bao gồm VAT).

Như vậy, Công ty TNHH TM Xi măng Công Thanh khu vực miền Trung có mức điều chỉnh tăng giá mạnh nhất, từ 100.000 - 140.000 đồng/tấn. Các doanh nghiệp khác từ 50.000 - 100.000 đồng/tấn, tuy nhiên mức tăng phổ biến từ 60.000 - 80.000 đồng/tấn.

Tính từ ngày 6/6, ghi nhận các thương hiệu thép trong nước giảm giá bán lần thứ 5, dao động từ 2 triệu đồng/tấn thì giá xi măng vẫn đang tăng mạnh.

Theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, năm 2022, ngành xi măng đối diện với áp lực tăng chi phí đầu vào do giá nguyên liệu sản xuất. Trong đó, than là nguyên liệu chiếm khoảng 30% cơ cấu giá thành sản xuất xi măng.

Các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp lên Nga, khiến các công ty châu Á và châu Âu đổ xô tìm nhà cung cấp thay thế. Xung đột Nga – Ukraine đã tạo ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu, làm trầm trọng thêm mối lo ngại về nguồn cung than giữa bối cảnh thị trường vốn đang rất thiếu cung, do sự gián đoạn ở các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới là Indonesia và Australia, giữa lúc giá dầu và các mặt hàng khác cũng tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng nhiều năm.

Dự báo về thị trường xi măng năm 2022, sản lượng tiêu thụ sẽ tăng trưởng trở lại do đang đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và triển khai xây dựng các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm. Tuy nhiên biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sản xuất sẽ gặp áp lực lớn để duy trì như hiện nay do cạnh tranh lớn cùng áp lực từ giá đầu vào.