Xi măng tiêu thụ ảm đạm, tồn kho lớn

Ngọc Hiền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chi phí nguyên liệu đầu vào tăng mạnh đã khiến những doanh nghiệp sản xuất xi măng gặp khó khăn. Đến tháng 7/2022, ước tiêu thụ sản phẩm xi măng chỉ đạt khoảng 5,95 triệu tấn, giảm khoảng 27% so với tháng 7/2021...

Ngành xi măng rất kỳ vọng vào việc giải ngân nhanh đầu tư công để giảm áp lực chi phí hoạt động.
Ngành xi măng rất kỳ vọng vào việc giải ngân nhanh đầu tư công để giảm áp lực chi phí hoạt động.

Trong tháng 7/2022, tiêu thụ sản phẩm xi măng chỉ đạt khoảng 5,95 triệu tấn, giảm khoảng 27% so với tháng 7/2021, trong đó, tiêu thụ trong nước khoảng 4,85 triệu tấn; xuất khẩu ước đạt khoảng 1,1 triệu tấn. Xuất khẩu sản phẩm xi măng trong 7 tháng chỉ ước đạt 18,15 triệu tấn, giảm tới 30% so với cùng kỳ năm 2021.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm, lượng xi măng tiêu thụ chỉ đạt khoảng 49,05 triệu tấn, giảm khoảng 9,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tiêu thụ trong nước khoảng 32 triệu tấn, giảm khoảng 2,5% cùng kỳ năm 2021. Vụ Vật liệu xây dựng cho biết, hiện tồn kho cả nước 6 tháng 2022 khoảng 5,9 triệu tấn tương đương từ 25 - 30 ngày sản xuất, chủ yếu là clinker.

Xuất khẩu suy yếu, bán hàng trong nước chậm do giá xi măng tăng cao dẫn đến tình trạng dư cung trầm trọng, đặc biệt tại khu vực miền Bắc. Có thể sắp tới một số nhà máy xi măng phải làm việc lại với nhà phân phối để giảm giá nhiều hơn nhằm giải phóng hàng tồn.

Hiệp hội xi măng Việt Nam (VNCA) nhận định, hàng tồn kho nhiều, DN không quay được vòng vốn khiến sản xuất ngưng trệ. Mặc khác, việc không tiêu thụ được sản phẩm khiến tình hình kinh doanh của nhiều DN càng thêm khó khăn.

Đối diện thua lỗ và dừng sản xuất là tình trạng của một bộ phận nhà máy xi măng lúc này, nhất là với những dây chuyền cũ, công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên, nhiên liệu.

Tại ĐHCĐ Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn nhận định, năm 2022 tiếp tục là một năm cạnh tranh khốc liệt của các DN xi măng do thị trường đang dư cung lớn so với cầu, nguồn cung xi măng duy trì ở mức cao khoảng 107 triệu tấn, trong khi nhu cầu xi măng trong nước chỉ khoảng 64 - 65 triệu tấn.

Quý II/2022, ghi nhận tổng doanh thu thuần giảm 4,5% xuống 1.134 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm 42% xuống 52 tỷ đồng. Lý giải về doanh thu giảm, đại diện DN này cho biết, do doanh thu và chi phí của hoạt động bán hàng cùng chi phí quản lý lớn hơn mức giảm của giá vốn hàng bán và chi phí tài chính trong kỳ, kéo theo lợi nhuận giảm.

TS Trần Bá Việt - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bê tông Việt Nam nhận định, hiện nay, chi phí cho sản xuất VLXD nói chung và xi măng nói riêng đang bị đội lên rất cao. Từ việc giá cước vận chuyển không giảm dẫn tới chuyện từ nơi khai thác nguyên liệu tới chi phí vận chuyển đến nơi sản xuất rồi từ đó tới các đại lý tiêu thụ đều khấu hao rất nhiều chi phí.

Đến chân công trình, nhà thầu không dám nhận vì giá VLXD quá cao có khi lên tới 30% so với hợp đồng đã ký trước đó. "Có DN sản xuất, cung ứng VLXD cầu đường doanh thu sụt giảm sâu vì không có dự án, phải cho 70 - 80% công nhân nghỉ việc. Đặc biệt, với các dự án công khi tốc độ giải ngân quá chậm, trong khi các DN đều phải vay lãi ngân hàng để duy trì "thoi thóp" hoạt động sản xuất kinh doanh" - TS Trần Bá Việt cho biết.

Theo nhiều nhà phân phối, giá xi măng cùng các mặt hàng VLXD tăng, tiêu thụ giảm khiến hàng tồn kho xi măng của các nhà máy sản xuất đang trong tình trạng báo động. Chỉ có tháo gỡ nút thắt hàng tồn kho mới có thể khôi phục sản xuất, kinh doanh của DN ngành xi măng.