Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xin hãy lắng nghe!

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phương thức thi trắc nghiệm tại kỳ thi THPT tiếp tục được xới lên tại kỳ họp Quốc hội lần này.

Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh cho rằng, thi trắc nghiệm là một trong những nguyên nhân gây ra sai phạm hàng loạt tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở một số tỉnh như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình…
Không chỉ vậy, trước đó, GS Phùng Hồ Hải - Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam đã công bố một bức thư đầy tâm huyết gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam góp ý về mô hình thi trắc nghiệm hoàn toàn môn Toán và nhiều môn khác trong kỳ thi THPT quốc gia.
GS Hải cho rằng, với những bất cập trong tổ chức thi cử như vừa qua chắc chắn Hà Giang không phải là địa phương duy nhất xảy ra tiêu cực trong thi cử. Vì vậy, nếu cứ tiếp tục áp dụng máy móc, thiếu cân nhắc, thiếu chuẩn bị các mô hình nước ngoài vào Việt Nam thì chắc chắn dẫn tới thất bại.
Riêng đối với môn Toán, năng lực đầu vào của các sinh viên hiện nay đang ở mức báo động. Hai năm qua, hàng triệu học sinh cùng các thầy, cô phải tìm đủ cách học thuộc lòng khái niệm, tập luyện các mẹo để thi trắc nghiệm nhằm mục đích đạt điểm cao chứ không phải phát triển tư duy logic của Toán học.
Trước những bất cập của việc thi trắc nghiệm Toán và các môn học khác, với tâm huyết, trách nhiệm của mình, GS Hải cũng như nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, cần phải xem xét lại cách thi để phát huy được trí lực tư duy của học sinh.
Đặc biệt đối với môn Toán, trên hành trình đi tìm lời giải, luôn có những điều thú vị, với những con đường khác nhau, làm nên tình yêu và niềm say mê môn Toán đối với học trò, chứ không phải mục tiêu để học trò suy đoán rồi khoanh vào đáp án là xong. Việc thi trắc nghiệm sẽ hại nhiều hơn lợi khi kiến thức bị “băm nát” nên người học không có cái nhìn tổng thể.
“Học sinh hiện nay học Toán một cách ngây ngô, nhìn từ ngọn xuống để tìm đáp án nhanh" đã có không ít thầy, cô giáo thốt lên như vậy khi đánh giá việc thi trắc nghiệm hiện nay. Trong khi ở các nước phát triển như Mỹ, Úc... sở dĩ môn Toán được thi trắc nghiệm và mang lại hiệu quả vì họ không đặt nặng vào kết quả của bài thi đó. Việc tuyển sinh không chỉ dựa vào kết quả thi mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Còn tại Việt Nam, kết quả bài thi này được các trường cao đẳng, đại học sử dụng luôn cho việc xét tuyển đầu vào.
Đối với các môn học khác như môn Văn, tiếng Anh, Lịch sử… cũng không nên thi trắc nghiệm hoàn toàn, bởi cần khả năng tư duy, sáng tạo và trình bày logic của học trò. Đặc biệt đối với môn Văn, nếu thi trắc nghiệm, học sinh sẽ mất đi tính sáng tạo, cách sử dụng nghệ thuật ngôn từ trong bài tự luận của mình, mất đi vẻ đẹp, niềm đam mê môn học của học sinh. Bởi vậy, đa số các chuyên gia, giáo viên khi được hỏi đều bày tỏ lo ngại việc thi trắc nghiệm 100% môn Toán và nhiều môn khác trong kỳ thi THPT quốc gia không mang lại kết quả gì trong việc đánh giá học sinh.Ngược lại, sẽ làm hỏng tư duy của cả thế hệ học trò.
Nên chăng, Bộ GD&ĐT cần tổ chức các hội thảo để rút kinh nghiệm công tác thi cử và đưa ra biện pháp cho năm tới. Đối với những vấn đề liên quan đến thi trắc nghiệm môn Toán, xin hãy lắng nghe những nhà Toán học, những giáo viên trực tiếp đứng lớp dạy học sinh hàng ngày.