Nói chuyện bằng “nắm đấm”
Thời gian gần đây, việc người dân sau khi va chạm giao thông có lời qua tiếng lại với nhau, thậm chí xảy ra xô xát lại rộ lên với mức độ nguy hiểm hơn. Đơn cử vào đêm 26/4, tại địa bàn phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng), một vụ ẩu đả đông người đã diễn ra với nguyên nhân ban đầu do va chạm giữa chiếc ô tô Audi Q5 và một xe máy. Sự việc chưa dừng lại tại đây khi hai bên mắng chửi, quyết ăn thua và gọi người mang theo hung khí đến trợ giúp dẫn tới xô xát, cả con phố có một đêm náo loạn.
Hay vụ việc xảy ra trước đó, vào ngày 20/10/2019, một nữ nhân viên bán vé trên xe buýt tuyến 103B bị nhóm thanh niên hành hung dã man, phải cấp cứu tại bệnh viện chỉ vì nhắc nhở những người này không chửi bậy và cà khịa trên xe. Nhóm thanh niên này sau đó đã được Công an huyện Ứng Hoà triệu tập, làm rõ hành vi côn đồ nói trên. Đến nay, vụ việc vẫn đang trong thời gian chờ xét xử.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Tâm lý học Nguyễn Thị Thanh Hồng – Giảng viên cao cấp Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, một bộ phận không nhỏ người dân hiện nay có xu hướng xử lý tình huống bằng bạo lực một cách rất tùy tiện. Nguyên nhân có thể do nhiều yếu tố như tâm lý muốn áp đặt, bản tính nóng nảy, do môi trường sống, hoàn cảnh tại thời điểm đó… Nhưng quan trọng nhất là việc giáo dục để hình thành cho mỗi người kỹ năng giao tiếp, ứng xử và kiểm soát cảm xúc, hành vi, tuân thủ đúng pháp luật… chưa được coi trọng.
Cần thượng tôn pháp luật
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Hồng, việc sử dụng bạo lực để giải quyết các vấn đề xảy ra trên đường có thể được nhìn nhận qua hai góc độ. Ở góc độ tâm lý học, họ thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc và hành vi, chưa có kỹ năng xử lý tình huống và vấn đề hiệu quả. Dưới góc độ giáo dục học, nhận thức của họ về ứng xử xã hội, chuẩn mực đạo đức và đặc biệt là về pháp luật chưa đầy đủ dẫn đến thái độ và hành vi không đúng mực. “Đôi khi chế tài xử lý việc gây rối, đánh nhau chưa đủ mạnh để tác động đến thái độ, hành vi và hạ hỏa những cái đầu nóng” - chuyên gia này nói.
Đồng tình với ý kiến trên, luật sư Dương Đức Thắng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, có thể nhiều người tham gia thông hiểu về quy định của pháp luật, tuy nhiên trong lúc bị kích động, họ không còn kiềm chế được sự nóng giận của mình. “Người dân không may có va chạm giao thông, hãy chọn cho mình cách giải quyết văn minh nhất trên tinh thần thượng tôn pháp luật” - luật sư Dương Đức Thắng nói.
Việc sử dụng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn khi va chạm giao thông nếu gây hậu quả có thể còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 134 Bộ luật Hình sự. Hành vi gọi người trợ giúp, mang “hàng nóng” để tham gia ẩu đả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 318 Bộ luật Hình sự. Luật sư Dương Đức Thắng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội |