Xóa 2G để tăng tốc chuyển đổi số quốc gia

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc loại bỏ kết nối mạng di động 2G được xem là yêu cầu bắt buộc nhằm tạo không gian cho mạng 5G phát triển. Đây cũng được xem là công nghệ nền tảng nhằm thực hiện chuyển đổi số quốc gia.

Dự kiến tắt sóng 2G để tăng tốc chuyển đổi số quốc gia. Ảnh: Anh Quân  
Dự kiến tắt sóng 2G để tăng tốc chuyển đổi số quốc gia. Ảnh: Anh Quân  

Đẩy mạnh đào thải công nghệ cũ

Một trong những mục tiêu trọng điểm được đề cập tới trong “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030” là phổ cập mạng 4G/5G và smartphone tới từng người dân. Đây được xem là yếu tố quyết định nếu muốn thực hiện việc chuyển đổi Việt Nam thành một quốc gia số. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này việc xóa sóng 2G là bắt buộc.

Theo số liệu từ Bộ TT&TT, tính đến hết tháng 6/2022, cả nước đang có hơn 17 triệu người sử dụng điện thoại “cục gạch” (feature phone 2G). Mặc dù con số trên còn có khoảng cách nhất định với mốc 6 triệu thuê bao, tương đương với 5% tổng số thuê bao di động, điều kiện đủ để tắt sóng 2G nhưng với tình hình phát triển của thị trường viễn thông trong những năm gần đây, có thể thấy thời điểm này đang rất cận kề.

Cụ thể, trong giai đoạn từ 2018 đến nay số lượng người dùng smartphone đã tăng rất mạnh từ 59% lên đến 75% cho đến thời điểm tháng 6/2022. Ước tính, ở thời điểm hiện tại Việt Nam đang có khoảng trên 95 triệu thuê bao sử dụng smartphone. Đáng chú ý, trong giai đoạn cuối năm 2021 đến tháng 3/2022, số lượng thuê bao có sử dụng dữ liệu dữ động đã tăng đột biến ở mức 2 triệu thuê bao.

 

Tại Hàn Quốc nhà mạng SK Telecom đã tắt 2G từ năm 2020, còn nhà mạng KT Corp thậm chí còn thực hiện việc này từ tận năm 2011. Tại Singapore, Ấn Độ, Úc, Canada…, các nhà mạng đã tắt 2G từ 2017. Hiện các nhà mạng của Trung Quốc cũng đang lên kế hoạch để tắt 2G trong năm nay hoặc năm sau.

Song song với tốc độ phát triển “chóng mặt” của thuê bao smartphone, về phía cơ quan quản lý Nhà nước mà cụ thể ở đây là Bộ TT&TT cùng các nhà mạng cũng đã và đang có nhiều biện pháp về quy định pháp luật cũng như biện pháp kỹ thuật nhằm thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình xóa sóng 2G.
Nổi bật trong số này là Thông tư số 43/2020/TT-BTTTT về ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất - Phần truy nhập vô tuyến”.

Theo đó, tất cả các loại điện thoại chỉ có tính năng 2G, 3G hoặc kết hợp cả 2G - 3G đều sẽ không được sản xuất và nhập khẩu vào Việt Nam. Đây được xem là quy định quan trọng nhằm triệt tiêu các dòng điện thoại chỉ hỗ trợ 2G, qua đó thúc đẩy sự phổ thông của smartphone có hỗ trợ 4G trở lên.

Phía Bộ TT&TT cũng liên tục thúc đẩy các nhà mạng bắt buộc phải tắt sóng 2G khi khẳng định không cấp lại tần số cho công nghệ này khi giấy phép hết hạn vào năm 2024. Đồng thời, trong thời gian tới sẽ có các thông tư yêu cầu nhà mạng phát giảm giá kết nối thoại, từ đó thúc đẩy cơ cấu doanh thu chuyển từ thoại sang dữ liệu.

Dưới góc độ người dùng, nhằm tạo điều kiện cho người nghèo và người có thu nhập thấp có khả năng tiếp cận smartphone hỗ trợ 4G trở lên các nhà mạng Viettel, VNPT cũng đã có phối hợp với nhiều nhà sản xuất nhằm cho ra đời các mẫu điện thoại thông minh giá rẻ có giá từ 500.000 đồng - 600.000 đồng, kèm theo các gói cước hỗ trợ người sử dụng chuyển đổi.

Cùng với đó, việc xóa sóng 2G cũng đang được các nhà mạng thực hiện thí điểm tại nhiều địa phương trên cả nước. Đã có hàng loạt khu vực trên địa bàn của nhiều thành phố lớn tiến hành thử nhiệm tắt 2G như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Bà Rịa - Vũng Tàu… Tiêu biển nhất là Lạng Sơn khi toàn bộ 63 trạm phát sóng 2G đã ngừng hoạt động.

Về phía DN viễn thông, Tổng Giám đốc VNPT Huỳnh Quang Liêm khẳng định, nhà mạng đã sẵn sàng tắt 2G về mặt kỹ thuật. Điều cần thiết là Bộ TT&TT nên công bố lộ trình tắt 2G từ đầu năm 2023 để tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội. Dự kiến nếu mọi thứ đúng lộ trình thì tới tháng 9/2024, việc tắt sóng toàn bộ 2G có thể thực hiện.

Trao đổi với khách hàng các sản phẩm chuyển đổi số của ngân hàng. Ảnh: Công Hùng
Trao đổi với khách hàng các sản phẩm chuyển đổi số của ngân hàng. Ảnh: Công Hùng

Tạo cơ hội cho 5G

Theo một báo cáo mới được công bố từ Ericsson, hiện đã có 1/4 dân số thế giới được tiếp cận với sóng 5G. Dự kiến tới cuối năm 2022 lượng người dùng công nghệ mạng này sẽ cán mốc 1 tỷ và vượt ngưỡng 4 tỷ, tương đương với 1/2 tổng số thuê bao di động trong vòng năm nữa. Riêng đối với Việt Nam, đến năm 2025, 5G được dự báo sẽ đóng góp khoảng 7,4% vào tăng trưởng GPD, mang lại nguồn thu khoảng 1,5 tỷ USD vào năm 2030.

Như vậy có thể thấy, 5G là công nghệ kết nối di động mà Việt Nam bắt buộc phải triển khai nếu muốn theo kịp xu thế chuyển đổi số trên toàn thế giới. Việc tắt sóng 2G chính là điều kiện tiên quyết để 5G có thể phát triển.

Tại các quốc gia trên thế giới, 5G đang được sử dụng làm nền tảng chính để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực, từ sản xuất, giáo dục, y tế, nông nghiệp, tài chính ngân hàng, năng lượng đến thương mại dịch vụ. Nhiều mô hình kinh doanh, thậm chí là những ngành hoàn toàn mới đang xuất hiện, thay thế cho những mô hình truyền thống nhờ sự hỗ trợ của công nghệ kết nối di động này.

Lấy một ví dụ đơn giản, để tải một bộ phim có dung lượng 1G, người dùng 3G sẽ mất chừng hơn 20 phút, nếu là mạng 4G thì thời gian rút xuống khoảng 1 phút, còn với mạng 5G con số này chỉ xấp xỉ khoảng 3 giây. Việc tiết kiệm tối đa thời gian như vậy chính là yếu tố chủ chốt giúp các ngành công nghệ cao có cơ hội phát triển như tự động hóa, ô tô tự hành, dữ liệu lớn … hay tạo động lực để những lĩnh vực như du lịch, bán lẻ, giáo dục … thay đổi mô hình, cách thức hoạt động nhằm tăng khả năng tương tác với khác hàng.

Nói về vai trò của 5G đối với quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam, Tổng Giám đốc Viettel Tào Đức Thắng khẳng định, đây là điều kiện bắt buộc để nước ta đón bắt cơ hội là lọt vào nhóm những quốc gia dẫn đầu trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 . 5G chính là cuộc cách mạng, khác biệt hoàn toàn so với 3G, 4G để giúp con người tiến xa hơn trong toàn bộ các lĩnh vực của cuộc sống.

Ông Tào Đức Thắng chia sẻ thêm: Mặc dù 3G, 4G đang đáp ứng tốt được các hoạt động đơn thuần của nền kinh tế cũng như đời sống xã hội thì với những nhu cầu cao hơn như công nghiệp thông minh hay robot tự động hóa thì chỉ 5G mới có thể đáp ứng. Mặt khác, để giải được những vấn đề cao cấp như internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big data), trí tuệ nhân tạo (AI)… thì bắt buộc phải có công nghệ vượt trội về tốc độ truyền tải dữ liệu như 5G.

Về tình hình triển khai 5G tại Việt Nam, tính đến tháng 6/2022, Bộ TT&TT đã cấp phép cho 3 nhà mạng gồm Viettel, MobiFone và VinaPhone triển khai thử nghiệm 5G tại 40 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư. Dự kiến quá trình thương mại hóa 5G sẽ được tiến hành ngay trong năm 2022. Bên cạnh đó, các nhà mạng trong nước đã tự nghiên cứu và sản xuất được đầy đủ ở các phân lớp hệ thống mạng 5G gồm mạng lõi, mạng truyền dẫn và mạng truy cập.

 

Sau hơn 30 năm, 2G đã hoàn thành sứ mạng của mình. Việc tắt sóng 2G và hỗ trợ máy 4G cho người dân sẽ giúp Việt Nam trở thành một trong số ít những nước với 100% là máy điện thoại thông minh và sẵn sàng cho công dân điện tử.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần