Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xóa bỏ cách ăn mặc phản cảm nơi tâm linh: Nhập gia phải tùy tục

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hình ảnh người dân và du khách ăn mặc không phù hợp ở chốn tâm linh vẫn không thôi làm “chướng tai gai mắt” những người đến vãn cảnh đền, chùa Việt.

Người dân vô ý đã đành, du khách lại không được thông tin đầy đủ và tạo điều kiện để “nhập gia tùy tục” nên cảnh tượng ấy vẫn cứ hiện diện.
Trông người ngẫm ta
Khách du lịch luôn được coi là “thượng đế” của ngành công nghiệp không khói. Tuy nhiên, ở nhiều nước, du khách không được ăn mặc hở hang, phản cảm nếu muốn khám phá các điểm du lịch tôn giáo như thánh đường, đền, chùa. Tại những thánh đường Hồi giáo trên thế giới đều quy định nam giới khi tham quan không mặc áo phông hay quần soóc, nữ giới phải mặc bộ áo choàng rộng Abaya và khăn trùm đầu. Trang phục bên trong cũng phải nghiêm túc với áo rộng che phủ cánh tay và đầu gối. Trong khi đó, du khách nam không được mặc quần soóc và du khách nữ tránh áo lộ vai trần nếu muốn khám phá Vatican. Tại Campuchia, du khách cố tình ăn mặc hở hang, không mặc đồ lót còn bị phạt cảnh cáo và trục xuất khỏi đất nước. Còn nhớ, vụ việc một nữ du khách Nga mặc trang phục xuyên thấu khi tới đền Wat Chalong ở Phuket (Thái Lan) đã khiến người dân, phật tử trong nước nổi giận. Thế nên, cả Lào và Thái Lan đều cắt cử người kiểm soát, nhắc nhở các “thượng đế” phải thuê hoặc mua tấm xà rông nếu ăn mặc hở hang trước khi vào chùa… Nếu trong chùa, du khách cố tình vi phạm sẽ bị phạt rất nặng. Cũng vì thế mà những điểm du lịch đông khách này luôn đảm bảo tính tôn nghiêm.

Khách nước ngoài mặc áo phông, quần soóc tại chùa Hương. Ảnh:  Hồng Hạnh

Nhìn lại thì thấy ở hầu hết các điểm đến tôn giáo tại Việt Nam, cảnh người dân và du khách ăn mặc hở hang, không phù hợp vẫn không ngừng hiện diện. Mặc dù ngoài cổng nhiều đền, chùa đã trưng biển “Đề nghị quý khách lưu tâm không mặc quần áo ngắn vào chùa” nhưng vì không ai kiểm tra hay xử phạt nên người ta vẫn ngang nhiên diện áo xuyên thấu, váy ngắn dâng hương, lễ Phật. Tháng nào cũng đi lễ ở đền Ngọc Sơn vào ngày rằm và Mùng một, bà Nguyễn Thị Thanh Hương (phố Lò Sũ, Hà Nội) than thở: “Lần nào vào đây tôi cũng thấy nhức mắt, nhiều cháu gái rất xinh nhưng lại vô ý thức, mặc váy vừa bó, vừa ngắn vào đền, đi lại khắp nơi chắp vái. Có lần tôi nhắc một cô gái khoảng chừng 20 tuổi, thì bị phản ứng: “Kệ cháu, bà già rồi, cứ cổ hủ”. Còn khách Tây mặc quần trên đầu gối, áo hở nách vào đây thì nhiều lắm”. Có lẽ đây cũng chính là tình trạng chung ở hầu hết các khu du lịch tâm linh trên cả nước.
Nhập gia tùy tục
Để tạo điều kiện cho những vị khách từ phương xa, chưa hiểu hết văn hóa bản địa, một số chùa đã cho thuê áo choàng để du khách không phạm quy. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giải pháp trước mắt nhằm giúp khách nước ngoài “nhập gia tùy tục”. Còn đối với người trong nước, về lâu dài phải “đánh” vào ý thức. Bởi nếu ý thức người dân kém, thì đền chùa nào chuẩn bị khăn quấn cho xuể?
Để du khách Việt nói riêng, người Việt Nam nói chung ăn mặc chuẩn mực ở chốn tâm linh, TS mỹ học Nguyễn Thế Hùng cho rằng, trước tiên, phải cải thiện môi trường giáo dục, môi trường văn hóa. Bởi lẽ, đối với các bạn trẻ, môi trường giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội là quan trọng nhất. Ông dẫn chứng: “Một bạn trẻ du lịch ở Nhật 4 năm, khi về nước họ sống như người Nhật. Nói như thế để thấy rằng, ở ta vẫn còn sự dễ dãi, kém ý thức và hiểu biết trong lối sống, ứng xử”.
Ở góc độ khác, giới chuyên môn cho rằng, cần phải có chế tài xử phạt đủ sức răn đe và thực thi nghiêm túc đối với hành vi ăn mặc hở hang, phản cảm nơi tâm linh. Trước đây, Nghị định 73/2010/NĐ-CP đã quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 60.000 – 100.000 đồng đối với hành vi ăn mặc hở hang hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người, các địa điểm văn hóa, tín ngưỡng, nơi làm việc của các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội. Nghị định 75/2010/NĐ-CP cũng quy định rõ: Phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng đối với hành vi mặc trang phục, hóa trang gây phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Tuy nhiên, những quy định này đều đã hết hiệu lực. Do vậy tại thời điểm hiện tại không có căn cứ pháp lý nào để xử phạt vấn đề này.
Nhiều người khi lễ Phật, thậm chí nhiều vị trí nhạy cảm phơi hết ra ngoài, vừa phạm giới uế tạp Phật đường, vừa phạm giới bất kính, khẳng định công quả tiêu tán hết, quả báo vô cùng”. Do đó, người dân và du khách cần lựa chọn trang phục phù hợp trước khi vào chốn tâm linh.
Đại đức Thích Giác Nghĩatrụ trì chùa Tản Viên, Ba Vì, Hà Nội