Xóa bỏ khai thác trái phép và xuất lậu than

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Dư luận gần đây bàn luận khá nhiều về việc xuất lậu khoáng sản thô, trong đó có than, đặc biệt là độ chênh lệch rất lớn giữa các con số xuất - nhập, có khi gấp đôi cả về giá và số lượng. Điều này đã đặt ra câu hỏi về sự thiếu minh bạch, quyết liệt trong khâu kiểm tra, giám sát từ các doanh nghiệp (DN) Nhà nước.

“Bắt tay” chặt với địa phương

Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) khẳng định: Giữa Vinacomin và tỉnh Quảng Ninh đã ký kế hoạch phối hợp triển khai các giải pháp đồng bộ từ nhiều năm nay, các đơn vị trực thuộc cũng ký quy chế phối hợp với chính quyền địa phương để bảo vệ tài nguyên trong và ngoài mỏ. Đặc biệt, từ khi thành lập Tổng Công ty than (nay là Vinacomin), trật tự khai thác kinh doanh than được tái lập, đến nay cơ bản ngăn chặn than trái phép. Tập đoàn đã chủ động nhiều biện pháp nghiêm ngặt giám sát từ nơi khai thác đến đường vận chuyển. Chẳng hạn, chỉ cho phép vận chuyển than từ 6 - 18 giờ, kiểm soát bằng camera, thiết bị giám sát hành trình vận tải... Trong Tập đoàn còn có lực lượng bảo vệ, cơ động tập trung và liên kết các mỏ có sự chỉ đạo thống nhất về kiểm soát từ phía Tập đoàn. 

Xóa bỏ khai thác trái phép và xuất lậu than - Ảnh 1

Kiểm tra, giám sát chặt các công đoạn khai thác, sản xuất than để không xảy ra các sai phạm.Ảnh: Duy Anh


 5 năm qua, Tập đoàn chỉ xuất khẩu than theo đường chính thống, và được giám sát các khâu, các vị trí từ hải quan đến cảnh sát, công an và bộ phận biên phòng. Do vậy, không thể có việc xuất khẩu lậu. Gần đây, lực lượng chức năng tại địa phương, cảnh sát biển đã phát hiện một số tàu chở than bên ngoài vùng biển, đó là những trường hợp kinh doanh ngoài địa bàn, không phải là đơn vị của Vinacomin. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, vừa qua có phát hiện một tàu có sai phạm trong việc giám định chất lượng. Song, lãnh đạo Tập đoàn đã kịp thời kiểm tra và xử lý nghiêm, từ cấp quản lý đến người trực tiếp liên quan.

"Kiểm soát kinh doanh than trái phép luôn được chúng tôi xác định là nhiệm vụ phức tạp, khó khăn, nhưng vẫn phải thực hiện thường xuyên, không ngừng đấu tranh để xóa bỏ. Cũng phải nhấn mạnh rằng, tại các hội nghị sơ kết hàng tháng, quý, năm, Tập đoàn và địa phương đều phân tích kỹ tình hình để tìm giải pháp điều hành cho phù hợp với từng giai đoạn" - ông Nguyễn Văn Biên - Phó Tổng Giám đốc Vinacomin khẳng định.

 Dù vậy, việc trộm cắp lén lút, lò, điểm than trái phép ở ngoài ranh giới mỏ, có thời điểm cũng diễn biến phức tạp như năm 2008, nhất là những khu vực bên dưới là tài nguyên, bên trên là dự án, nhà dân cũng tiềm ẩn rủi ro, sự kiểm soát gặp nhiều khó khăn. 

Tăng khai thác để bù lỗ

Đặc thù của ngành mỏ là giá thành ngày càng tăng do điều kiện khai thác ngày càng khó khăn hơn. Nếu trước đây, DN chỉ bóc 3 - 4 khối đất, thì nay phải bóc tới 11 khối đất mới lấy được 1 tấn than. Do đó, hầm lò đã phải xuống sâu đến âm 300m, tới đây có thể phải khai thác trong điều kiện âm đến 500 - 600m so với mặt nước biển. Hàng năm, Tập đoàn phải bóc 300 triệu m3 đất nổ mìn, xúc bốc vận chuyển đi 4km, đào khoảng 400km đường hầm tiết diện 10m2. Than khai thác ra còn phải qua sàng tuyển, chế biến, vận chuyển…, đòi hỏi chi phí bỏ ra rất lớn. Vì vậy, không thể nói DN than chỉ việc "xúc lên mà bán". 

Do đó, Vinacomin đã xác định tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp tiết giảm tối đa chi phí. Ngay trong các tháng còn lại năm nay, lãnh đạo Tập đoàn đã yêu cầu các đơn vị chủ động rà soát tập trung chế biến sâu để nâng cao chất lượng than sản xuất, tối ưu các chỉ tiêu công nghệ, tích cực tiết giảm chi phí quản lý từ 10 - 20%, giảm phí vật tư, tăng năng suất lao động… nhằm đạt mục tiêu tiết giảm 5% tổng chi phí. Với những đơn vị có giá thành vượt giá bán trên thị trường, phải giảm ở mức cao hơn năng lực sản xuất của các đơn vị có giá bán ổn định thuộc Tập đoàn. 

Bên cạnh đó, Vinacomin sẽ đẩy nhanh hiện đại hoá công nghệ khai thác hầm lò bằng việc phổ cập áp dụng mạnh vì chống thủy lực đơn, giá thủy lực di động, cơ giới hoá công tác đào và chống lò khai thông, mở vỉa và chuẩn bị sản xuất ở những nơi có thể cơ giới hoá. Tập đoàn còn đầu tư các thiết bị khoan tự hành phục vụ đào lò, đầu tư các thiết bị hỗ trợ biến tần và khởi động mềm vào hệ thống thiết bị điện để tiết kiệm điện năng.