Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xóa thông tin tuyên truyền cực đoan để chống khủng bố

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều trang web, mạng xã hội đang bắt đầu sử dụng công cụ tự động hóa để loại bỏ những video, nội dung tuyên truyền bạo lực cực đoan nhằm chống lại sự lan rộng của các tổ chức khủng bố.

Theo đó, động thái này của các nhà mạng thế giới nhằm khẳng định cả thế giới đang tích cực ngăn chặn tuyên truyền bạo lực cực đoan qua mạng. Hiện nay, YouTube và Facebook là 2 mạng xã hội tích cực sử dụng công cụ để chặn đứng và xóa bỏ video liên quan tới Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).

Đây là công cụ do Tổ chức phi chính phủ Dự án chống chủ nghĩa cực đoan (CEP) đưa ra, để cảnh báo sớm tới các công ty internet về nội dung cực đoan, khiêu dâm cần loại bỏ. Công cụ mới này được nhà khoa học máy tính Hany Farid tại ĐH Dartmouth nghiên cứu, phát triển. Farid là chuyên gia góp phần tạo ra hệ thống PhotoDNA đang được các công ty internet sử dụng để ngăn chặn nội dung khiêu dâm.

Xóa thông tin tuyên truyền cực đoan để chống khủng bố - Ảnh 1

Vào cuối tháng Tư, trước sự lo ngại của Tổng thống Mỹ Barack Obama và các nhà lãnh đạo châu Âu về sự lan truyền bạo lực cực đoan trên mạng xã hội, 4 nhà mạng quốc tế YouTube, Twitter, Facebook và CloudFlare đã tổ chức một cuộc thảo luận về các tùy chọn, trong đó triển khai công cụ chặn của CEP. Ngoài ra, cuộc thảo luận cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của một nhà mạng có ảnh hưởng nhất thế giới trong việc giải quyết các vấn đề chặn đứng tuyên truyền khủng bố bạo lực.

Bên cạnh đó, chính quyền Mỹ, Pháp và nhiều nước khác ủng hộ sử dụng phần mềm này, đồng thời kêu gọi các nhà mạng cộng tác tích cực hơn nữa để khống chế nội dung cực đoan. Trong một tuyên bố của mình, Cố vấn về chống khủng bố của Nhà Trắng Lisa Monaco cho biết, Mỹ hoan nghênh sáng kiến ​​tìm cách ngăn chặn việc tuyên truyền bạo lực của các tổ chức cực đoan, điều này giúp giảm bớt mối đe dọa từ các hoạt động khủng bố thông qua mạng

Tuy nhiên, hiện vẫn có một số công ty chưa cam kết sử dụng công cụ này, bởi lo sợ về việc vi phạm quyền riêng tư, tính hiệu quả của công cụ đó cũng như phản đối cách cảnh sát kiểm duyệt lượng lớn dữ liệu truyền tải qua công ty của mình. Một số mạng xã hội và giới truyền thông cho rằng, họ sẵn sàng giúp đỡ và hợp tác chặt chẽ trong các cuộc điều tra hợp pháp đối với tội phạm và các vụ tấn công trên internet. Ngoài ra, một số nhà mạng cũng cho biết, họ sẽ sử dụng công cụ này một cách không công khai, bởi lo ngại các tay “hacker” khủng bố có thể tìm ra và phá hoại.