Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xóa thuế quan, sữa có hy vọng giảm giá?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Sữa và các sản phẩm sữa sẽ được xóa bỏ thuế quan sau 3 - 5 năm” - đó là thông tin đã được Bộ Tài chính đưa ra tại cuộc họp báo chiều 20/8 về việc kết thúc cơ bản đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu EU (EVFTA).

Người tiêu dùng hy vọng giá sữa sẽ giảm nhờ xóa, giảm thuế.  	Ảnh: Trần Phong
Người tiêu dùng hy vọng giá sữa sẽ giảm nhờ xóa, giảm thuế. Ảnh: Trần Phong
Mặc dù thuế giảm nhưng theo đại diện Bộ Tài chính, giá sữa có giảm hay không còn phụ thuộc vào thị trường thực tế.

Sữa và nhiều mặt hàng sắp được “tháo gông” về thuế

Theo kết quả đàm phán, với hàng xuất khẩu của Việt Nam vào các nước EU, ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, 85,6% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ. Tỷ lệ này tương đương 70,3% kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế.

Ông Vũ Như Thăng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết, với hàng nhập khẩu vào Việt Nam, cam kết được đưa ra xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực với 48,5% dòng thuế và sau 10 năm là khoảng 99% số dòng thuế. Đối với các dòng thuế còn lại, Việt Nam sẽ có lộ trình trên 10 năm hoặc dành ưu đãi trên cơ sở hạn ngạch thuế quan của WTO. Đáng chú ý, mặt hàng nhập khẩu đang được nhiều người quan tâm là sữa và các sản phẩm sữa cũng ở trong danh mục được xóa bỏ thuế quan sau 3 - 5 năm. Đại diện Bộ Tài chính cho biết, về mặt nguyên tắc, giảm thuế nhập khẩu sẽ giảm chi phí cho DN. Nhưng hiện nay, sữa nhập khẩu của Việt Nam đến từ nhiều nguồn như Úc, New Zealand… chứ không phải chỉ riêng EU, và nước ta cũng có hiệp định thương mại với Úc, New Zealand. “Thị trường sữa dần dần gỡ bỏ công cụ hàng rào thuế quan, giá sữa lúc đó sẽ phụ thuộc vào cơ chế phân phối. Thuế giảm là yếu tố khiến giá giảm, kỳ vọng giảm giá là có” - ông Thăng cho biết.

70% doanh nghiệp không hiểu gì về các Hiệp định?

Theo điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có đến 70% DN chưa nhận thức rõ về tiến trình hội nhập và các nội dung cam kết. Họ cũng chưa xác định được những yếu kém của bản thân để chuẩn bị đối phó, cũng như không biết đâu là tiềm năng, thế mạnh của mình để phát huy và tận dụng cơ hội. Về vấn đề này, ông Hà Duy Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết: Bộ Tài chính đang xây dựng kế hoạch tuyên truyền cho DN, tuy nhiên chính bản thân DN cũng cần phải tự thân vận động và tiếp cận thông tin. Nếu DN quan tâm thì phải có hành động để tìm hiểu và phối hợp với cơ quan liên quan để tiếp cận thông tin một cách tốt nhất”. Theo kế hoạch, tháng 9/2015, Bộ Tài chính sẽ cử đại diện tham gia Diễn đàn Kinh tế Mùa thu do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức để tham gia khảo sát, đánh giá tác động khi Việt Nam gia nhập Hiệp định thương mại EU.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, sau khi Hiệp định thương mại với EU chính thức có hiệu lực thì tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam sang EU sẽ tăng cao. Việt Nam hy vọng duy trì tốc độ tăng trưởng hiện nay. Tuy nhiên, nhìn vào những mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam thì tốc độ xuất khẩu sẽ cao, khoảng 45%.
Về việc Bộ Tài chính đề xuất vay Ngân hàng Nhà nước 30.000 tỷ đồng, đại diện Bộ Tài chính tái khẳng định, Luật Ngân hàng và Luật Ngân sách Nhà nước đều cho phép vay và hoàn trả trong năm. Hiện, cơ quan này đang phối hợp triển khai trên cơ sở đánh giá thực chất thu - chi dòng tiền của NSNN để có phương án tối ưu nhất.