Rau, cháo qua ngàyNhiều năm qua, hình ảnh được báo chí hay mạng xã hội đăng tải phản ảnh về cuộc sống những người dân cư ngụ tại chân cầu Long Biên – nơi được gọi là xóm Phao thuộc phường Ngọc Thuỵ. Xóm Phao cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 1,5km, để đến được đây cần phải men theo con đường nhỏ, sâu hun hút dẫn từ cầu Long Biên xuống. Nơi đây có hơn 30 hộ sinh sống trong những ngôi nhà tạm bợ.
Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Đăng Được năm nay đã 75 tuổi và được phong là trưởng xóm cho biết, nhiều năm qua cuộc sống của ông và những người dân nơi đây gần như tách biệt hoàn toàn với lối sống ồn ào, sầm uất, đủ đầy của phố thị. Dịch bệnh Covid-19 lại càng khiến sự đủ đầy ấy “xa xỉ” hơn. Mỗi gia đình trong xóm chúng tôi là một câu chuyện, một hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều có một điểm chung là xa quê, tha hương cầu thực và làm nhiều nghề để mưu sinh. Cũng theo lời kể của ông Được, những người dân tại xóm Phao đã dựa vào nhau để sống trong nhiều năm qua, bằng các công việc như: Bốc vác thuê trong chợ, đi nhặt ve chai, đồng nát hay bán ngô nướng để kiếm sống.“Để tiện cho việc sinh hoạt cũng như không phải trả chi phí tiền thuê đất ở trên bãi, chúng tôi đã dựng những căn nhà tạm làm trên bè, thùng phuy hoặc phao để ở. Người dân ở đây đều không có hộ khẩu, không có nghề nghiệp ổn định” – ông Được chia sẻ.Nếu như có mặt tại xóm Phao thời điểm chưa có dịch bệnh sẽ chỉ thấy sự vắng lặng, rất khó để gặp được người dân ở nhà. Bởi hầu hết họ đi làm cả ngày, trẻ con thì học, đến tối cả xóm mới lục đục về nghỉ ngơi. Tuy nhiên, thời điểm này Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19, tại xóm Phao vẫn vắng lặng, thoảng đâu đó tiếng chó sủa giữ nhà nhưng không khó để gặp những gương mặt ngóng nhìn nhìn ra phố thị.
Là người bị bệnh xương khớp, bước đi khập khiễng mỗi khi trái gió trở trời của bà Nguyễn Thị Oanh đã quá quen thuộc với xóm Phao - nơi bà gắn bó 28 năm. Theo bà Oanh, bình thường không có dịch bà sẽ đi nhặt ve chai để kiếm cơm ăn hàng ngày, nhưng dịch bệnh không thể đi đâu nên chỉ ở nhà và việc thiếu ăn là điều dễ xảy ra.“Chúng tôi không có nghề thu nhập cố định mà chỉ làm thuê. Khi dịch Covid-19 bùng phát, giãn cách xã hội thì buộc chúng tôi cũng phải ở yên vị trí, không đi làm được. Thời gian qua chúng tôi đành phải dựa vào sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm giúp đỡ” – bà Oanh bộc bạch.Cũng cùng hoàn cảnh với bà Oanh, bà Mai Thị Đại cũng ngậm ngùi chia sẻ: "Tôi ở đây cùng ngoài 20 năm nhưng không có nghề gì, chỉ làm thuê, nhặt rác thôi. Trước khi có dịch Covid-19, tôi đi làm cũng chỉ được khoảng vài chục nghìn mỗi ngày. Cả tháng nay không có việc nên cuộc sống vô cùng khó khăn" - bà Đại chia sẻ.Niềm vui khi được quan tâm, sẻ chiaKhi mà dịch bệnh đang bùng phát mạnh mẽ, ảnh hưởng không nhỏ đến xã hội, đời sống của người dân gặp khó khăn, trong đó những hoàn cảnh đầy lay lắt của người lao động nói chung và người dân xóm Phao nói riêng càng trở nên cực nhọc hơn lúc nào hết. Mới đây nhất, Thành Đoàn Hà Nội, Hội đồng đội TP Hà Nội , UBND phường Ngọc Thuỵ cùng với Tập đoàn PNJ - đơn vị tổ chức chuỗi “Siêu thị mini 0 đồng” đã tới thăm và tặng hơn 40 suất quà hỗ trợ cho những người dân sinh sống tại đây.
Có mặt tại buổi trao quà hỗ trợ, ông Nguyễn Văn Hải sinh năm 1959 cũng có gần 30 năm sống tại xóm Phao đã không kiềm chế được nước mắt, ông Hải ngậm ngùi nói: “Hôm nay tôi có cơm ăn rồi. Quanh năm lam lũ vất vả, dịch Covid-19 càng vất vả hơn, những món quà nhỏ này giúp tôi có cơm ăn sau 1 tuần ăn rau”.Chia sẻ với phóng viên, Giám đốc PNJ Miền Bắc Phạm Thuý Dung – đại diện Ban Tổ chức chương trình “Siêu thị mini 0 đồng”, việc đến tận nơi không chỉ để trao quà mà còn muốn thể hiện tinh thần quan tâm, sử chia, truyền thêm năng lượng tích cực đến cho những hoàn cảnh khó khăn để họ có sự lạc quan vào ngày mai tươi sáng hơn.“Những con người ở đây vốn có cuộc sống vất vả nên khi nhận quà càng đáng được trao 1 cách trân trọng, bằng tất cả sự tử tế. Khi đến và nhìn thực tế cuộc sống của họ, tôi rất mủi lòng và xúc động. Chính đó là nguồn động lực để BTC chúng tôi lan tỏa chương trình này nhiều hơn nữa đến cho cộng đồng, cụ thể là nhưng người khó khăn yếu thế” – bà Phạm Thuý Dung cho biết.
Theo Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy Lê Đăng Lễ, UBND phường lên phương án và đã thực hiện hỗ trợ từng đợt cho người dân xóm Phao. Cùng với đó là kêu gọi thêm các tấm lòng của các mạnh thường quân phần nào giúp đỡ người dân xóm Phao vượt qua thời điểm khó khăn do dịch bệnh này.“Với việc quyết tâm không để ai phải bỏ lại phía sau cũng như đảm bảo đời sống của người dân trong thời gian giãn cách xã hội, phường Ngọc Thụy đã rà soát những người dân có hoàn cảnh khó khăn để thực hiện hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết. Ngoài ra, những người dân sinh sống tại khu vực này cũng đã được lập danh sách để tiến hành tiêm vaccine phòng Covid-19 trong thời gian sớm nhất” – ông Lê Đăng Lễ cho biết.