Đình cổ biến mấtĐình Lương Xá nằm ngay ven đường Quốc lộ 21B. Đi qua cổng làng, chúng tôi ngạc nhiên khi bức tranh về một ngôi đình cổ hơn 300 năm tuổi nằm giữa chốn làng quê yên bình giờ đây thay bằng một đại công trường với bê tông, sắt đá. Nếu trước đây, mỗi lần qua cổng đình, người dân trong làng đi thong thả để được cảm nhận những làn gió lành mát từ hồ nước rộng và bóng cây xanh mát thì giờ đây ai cũng đeo khẩu trang, bịt mũi vì khói bụi từ việc trộn bê tông và xe công nông chạy nườm nượp.
Khuôn viên sân đình giờ trở thành bãi tập kết nguyên vật liệu, đủ thứ từ gạch đá đến bao tải xi măng, sắt thép đưa bừa bãi khắp nơi. Bức tranh giới thiệu hình ảnh về di tích thì xếp xó ngay gần bàn uống nước của công nhân. Còn ở trên mái, 3 - 4 công nhân đang “treo mình” khoan, cắt, đục để đưa những cọc bên tông vào vị trí, gạch vữa rơi bồm bộp.
Tuy nhiên, xót xa nhất phải kể đến phía trong đình Lương Xá. Ngôi đình trống rỗng, bên trong xếp đầy giàn giáo xây dựng. Ngay kế đình là nhà văn hóa, hàng chục chiếc cọc gỗ cũ bị tháo dỡ, xếp chỏng chơ phơi nắng, mưa. Có lẽ, người ta không quan tâm những cột gỗ với đủ thứ họa tiết cầu kỳ ấy bằng những cột bê tông cứng đơ và sáng bóng. Một người dân trong làng cho biết: “Mỗi khẩu trong làng phải đóng 800.000 đồng nên nhà nào đông con cháu thì lên đến cả chục triệu đồng. Mà khổ nỗi là “phép vua thua lệ làng” nhiều nhà không có tiền vẫn phải cố gắng xoay xở cho đủ không lại bị hàng xóm, làng giềng nói”.
"Sáng ngày 30/7, Sở VH&TT Hà Nội đã cử đoàn kiểm tra xuống kiểm tra hiện trạng tu bổ đình Lương Xá. Ghi nhận, việc hạ giải, đổ bê tông các hạng mục trong di tích hoàn toàn sai quy định, chưa được sự cho phép của các cơ quan có thẩm quyền. Dù đình Lương Xá chưa được xếp hạng nhưng nằm trong danh mục kiểm kê cần được bảo vệ. Chính vì vậy, việc tu bổ vẫn phải xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền, trong đó có Sở VH&TT Hà Nội. Tuy nhiên, đến lúc này tôi chưa nhận được văn bản xin ý kiến nào của địa phương. Tại buổi kiểm tra, Sở VH&TT Hà Nội đã yêu cầu thôn Liên Xá đình chỉ thi công công trình. Các cấu kiện gỗ đã được hạ giải phải được niêm phong, cất giữ chờ ý kiến đánh giá của các chuyên gia và các cơ quan chức năng." - Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trương Minh Tiến (Linh Anh ghi) |
Đổ xi măng cho vững chắc!Câu chuyện về việc sửa chữa, tu bổ đình Lương Xá ai cũng biết, nhiều người sẵn sàng đóng tiền nhưng những người cao tuổi, am hiểu lịch sử, văn hóa của làng thì không khỏi xót xa. Theo những vị cao niên trong làng: “Thời chiến tranh, tường gạch bị phá hết, đình chỉ còn nóc và cột xung quanh. Hòa bình lập lại, người dân sửa sang lại bằng gỗ xoan, bạch đàn, xà cừ. Tuy nhiên, 3 gian chính được làm bằng gỗ lim. Đến nay, những kiến trúc như cột, đầu nghé vẫn nguyên”.
Để hiểu rõ hơn về việc ngôi đình 300 tuổi bằng gỗ bỗng nhiên bị bê tông hóa, chúng tôi đã gặp ông Nguyễn Ngọc Tấn – Thủ từ đình Lương Xá. Ông Tấn cho biết: “Vừa rồi, có gia đình cung tiến 3 - 4 tỷ đồng. Chúng tôi thống nhất trong ban kiến thiết thông qua dân thì mỗi 1 khẩu đóng 800.000 đồng. Chính quyền địa phương cũng đồng ý cho sửa chữa vì nếu không sửa thì sẽ bị sập”.
Lý giải về việc sửa chữa, tu bổ dùng bê tông thay cho gạch, ông Tấn chia sẻ: “Chủ đầu tư bảo làm như vậy bền, chắc hơn. Thống nhất đôi bên, dân bảo phần dưới (quá gian) làm cột (cột gỗ bỏ đi làm bằng bê tông), phần trên (câu đầu) chi tiết chạm chổ, đục đẽo (bằng gỗ cũ) giữ nguyên. Số xà lim còn lại sẽ chuyển hết vào hậu cung vì còn ít”. Về số gỗ được để lộ thiên ở nhà văn hóa xã, ông Tấn cho hay: “Số gỗ đó đã được chọn ra rồi, 4 - 5 cơ sở đến hỏi mua. Họ có sử dụng thì cũng chỉ cho chùa với đền thôi”.
"Theo phân cấp, đình Lương Xá do UBND xã Liên Xá trực tiếp quản lý. Được biết, xã Liên Bạt từng làm hồ sơ xin tu bổ di tích lên phòng VH&TT huyện Ứng Hòa. Tuy nhiên, Phòng yêu cầu đơn vị phải hoàn thiện hồ sơ tu bổ di tích theo quy định. Trong khi hồ sơ chưa hoàn thiện, di tích đã bị các đơn vị tự ý hạ giải, xây mới." - Đại diện lãnh đạo huyện Ứng Hòa (Lan Ngọc ghi) |