70 năm giải phóng Thủ đô

Xử đại án DABank: Vũ “nhôm” được cấp giấy, bút và ngồi bàn riêng

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bị cáo Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) được HĐXX cho ngồi riêng và được cấp giấy, bút để ghi những vấn đề cần phản ánh. Cảnh sát hỗ trợ tư pháp ngồi cạnh, nhưng không được xem nội dung Vũ “nhôm” viết ra.

Người sợ xin nghỉ, kẻ biết sai vẫn làm theo!
Ngày 3/12, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DABank) với số tiền trên 3.608 tỷ đồng.
Bị cáo Trần Phương Bình (ngồi giữa).
Chủ tọa phiên tòa xoáy vào hành vi Trần Phương Bình (SN 1959, nguyên Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTD DABank) cùng đồng phạm cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại cho DAB 611.676.150.190 đồng (làm tròn trên 611 tỷ - PV) trong việc kinh doanh vàng tài khoản.
Khi được gọi hỏi, bị cáo Nguyễn Đức Vinh (nguyên Trưởng phòng Ngân quỹ Hội sở DABank) khai vào năm 2012, thủ quỹ Trần Thế Hùng và phụ quỹ Lê Kiên Giang (cả 2 cùng là bị cáo - PV) thấy âm quỹ quá lớn nên đã khóc và làm đơn xin nghỉ việc. Nhưng lúc đó Phó Tổng Giám đốc DABank là Nguyễn Thị Kim Xuyến (SN 1958) không đồng ý. Thời điểm đó bị cáo biết sai nhưng không làm thì sẽ bị nghỉ việc và mất thu nhập.
“Việc xuất vàng khỏi kho quỹ DABank là làm theo chỉ đạo của bị cáo Trần Phương Bình, Nguyễn Thị Kim Xuyến (SN 1958, nguyên Phó Thổng Giám đốc DABank) và Nguyễn Thị Kim Loan. Khi xuất vàng miếng ra khỏi kho quỹ không có chứng từ, hoặc có chứng từ dưới dạng bán vàng, thu tiền, nhưng thực chất chỉ có việc xuất vàng, không có việc thu tiền của Công ty Tân Vạn Hưng để chuyển vàng đến công ty này, gia công thành vàng trang sức, sử dụng pháp nhân Công ty Tân Vạn Hưng xuất khẩu cho đối tác nước ngoài. Khi đối tác nước ngoài thanh toán tiền xuất khẩu vàng vào tài khoản (TK) của Công ty Tân Vạn Hưng mở tại DABank, thì phòng kinh doanh lập các chứng từ mua lại số USD này, trả tiền Việt cho Tân Vạn Hưng. Tuy nhiên, thực chất không trả vì vàng xuất khẩu là của DABank mượn tên Công ty Tân Vạn Hưng xuất khẩu. Các lô vàng nêu trên chứng từ xuất vàng là thật, nhưng chứng từ thu tiền là khống”, bị cáo Vinh khai.
Bị đối tác quỵt gần 29 triệu USD
Bị cáo Xuyến khi được các luật sư hỏi đã khẳng định không chỉ đạo Vinh trong việc chi khống, thu khống mà bị cáo Vinh nhận chỉ đạo trực tiếp từ bị cáo Bình. “Bị cáo chỉ chỉ đạo chi lãi suất ngoài, xin nhận trách nhiệm về hành vi này. Đến ngày hôm nay bản thân rất ân hận về sai lầm của mình đã ảnh hưởng đến bị cáo Vinh và nhiều anh chị em khác trong DABank. Bị cáo xin lỗi mọi người, vì bị cáo mà vi phạm quy định của nhà nước”, bị cáo Xuyến nói.
Tương tự, bị cáo Trần Phương Bình khai: “Khi bị bắt giam, bị cáo suy nghĩ rất nhiều về khoảng thời gian 10 năm che giấu hoạt động thua lỗ, cũng như việc bị cáo Vinh bị bắt do tin tưởng lãnh đạo. Bị cáo cực kỳ ân hận vì đã đưa Vinh và những bị cáo khác ra trước tòa, bị cáo xin lỗi tất cả các bị cáo của DABank”.

Đối với việc kinh doanh vàng và gây thiệt hại với số tiền trên 611 tỷ đồng, bị cáo Bình và Xuyến khai khi Ngân hàng Nhà nước có quy định cấm tổ chức, DN kinh doanh vàng TK ở nước ngoài, yêu cầu đóng và tất toán số dư TK đã mở để kinh doanh vàng TK ở nước ngoài trước ngày 30/3/2010. Thế nhưng sau thời điểm này, cụ thể là từ ngày 20/9/2010 đến 13/12/2011, Trần Phương Bình vẫn chỉ đạo Nguyễn Thị Kim Xuyến, Nguyễn Thị Kim Loan cho xuất vàng ra khỏi kho quỹ Hội sở DABank, chuyển đến Công ty Tân Vạn Hưng. Dùng pháp nhân Công ty Tân Vạn Hưng mở 6 tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất để xuất khẩu tổng cộng 29.858,15 lượng vàng SJC dưới dạng trang sức với trị giá 51.684.906,69 USD, nhưng tài khoản chỉ định thanh toán tiền nêu trên chỉ được đối tác nhập khẩu vàng là Công ty INTL (Mỹ) thanh toán 22.720.282,83 USD (tương đương 14.078,47 lượng), số tiền không được đối tác nước ngoài thanh toán 28.964.623,862 USD (tương đương 15.779,69 lượng vàng đã xuất), quy đổi thành 611.676.150.190 đồng.
Tại tòa, chủ tọa Phạm Lương Toản cũng cho phép bị cáo Vũ “nhôm” được ngồi chỗ riêng, được cấp giấy, bút để phản ánh một số vấn đề. Chủ tọa cũng yêu cầu 2 Cảnh sát hỗ trợ tư pháp ngồi cạnh Vũ “nhôm” nhưng không được giám sát nội dung khi Vũ “nhôm” viết ra, vì không thuộc chức năng. Chủ tọa còn lưu ý một số luật sư về trang phục khi dự tòa: áo sơ-mi trắng bên trong, phía ngoài mặc vest, quần tây màu đen và cà-vạt màu lông chuột). Cũng trong buổi sáng, một luật sư bị tước quyền bào chữa vì HĐXX gọi 2 lần nhưng không có mặt tại tòa.
Công ty Tân Vạn Hưng do ông Huỳnh Bá Thành làm giám đốc, địa chỉ đăng ký hoạt động tại số 136 Lý Thường Kiệt, phường 8, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, đăng ký kinh doanh ngày 12/6/2000, đăng ký thay đổi lần thứ 16 ngày 29/8/2009. Công ty này có nhiều ngành nghề kinh doanh, trong đó có ngành nghề kinh doanh vàng vật chất trong, ngoài nước. Hiện ông Huỳnh Bá Thành đã chết, công ty đã ngừng hoạt động, chưa hoàn thành thủ tục giải thể.