Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Xu hướng] Bùng nổ dịch vụ giao hàng tại các đô thị

Phan Mỹ Hảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhu cầu mua sắm qua sàn thương mại điện tử đã tăng mạnh. Đến nay đã có hơn 70% dân số Việt Nam tiếp cận internet, trong đó có gần 50% số người dùng Việt Nam đã mua sắm online, dùng sử dụng ví điện tử, và thanh toán mua hàng qua mạng. Điều này khiến dịch vụ giao hàng ngày càng phát triển.

Giao nhận thực phẩm, đồ ăn... tăng mạnh
Các nhà nghiên cứu thị trường cho rằng trước đây dịch vụ này chỉ gói gọn giao nhận hàng tiêu dùng, thiết bị thì này đã mở ra nhiều loại hàng hóa mới và đang có xu hướng phát triển tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều đô thị lớn.

Đây là loại dịch vụ mới phát triển, đại dịch khiến cho các nhà hàng, chợ truyền thống bị đóng cửa đã khiến lĩnh vực giao hàng thực phẩm của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ trong vòng 2 năm qua. Theo Statista, doanh thu của Việt Nam trên thị trường giao đồ ăn đạt 274 triệu USD vào năm 2020, được hỗ trợ bởi tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 16,5% trong giai đoạn 2020 - 2024, dẫn đến giá trị dịch vụ này 505 triệu đô la Mỹ vào năm 2024. Với dân số Việt Nam 98 triệu người, trung bình doanh thu trên mỗi người dùng hiện lên tới 37,41 USD/năm và con số này được dự đoán sẽ tăng thêm khi thị trường giao đồ ăn, thực phẩm trực tuyến trưởng thành.
 Dịch vụ giao hàng tăng trưởng mạnh. Ảnh: Hải Linh
Hầu hết người dân Hà Nội và các địa phương trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội đều đã ít nhiều sử dụng dịch vụ chuyển sang giao hàng tận nhà, điều này giúp các công ty giao hàng có cơ hội phát triển, khi dịch bệnh bùng phát - đơn đặt hàng tăng đột biến. Theo một cuộc khảo sát do Nielsen Việt Nam thực hiện, đại dịch Covid-19 đã khiến hơn 50% số người Việt Nam giảm tần suất đến các cửa hàng truyền thống, trong khi 45% tăng dự trữ thực phẩm tại nhà và 25% giảm tần suất ra ngoài.

Loship, một công ty giao đồ ăn tại Việt Nam, đã có ​​sự tăng trưởng doanh số kỷ lục sau khi bùng phát dịch bệnh. Cụ thể, công ty này đã chứng kiến ​​số lượng đơn đặt hàng trên ứng dụng của mình tăng 80% vào giữa tháng 3, trước khi làn sóng dịch thứ 4 bùng phát.

Thị trường chuyển phát đồ ăn, thực phẩm Việt Nam đang được hưởng lợi không chỉ từ nhu cầu của khách hàng tăng lên, mà cả nguồn cung của các cửa hiệu cũng đang tăng lên. Thống kê của Dcorp R-Keeper Vietnam và Statista cho thấy, ngành F&B Việt Nam hiện có 540.000 nhà hàng, 22.000 quán cà phê và hơn 80.000 nhà hàng theo chuỗi.

Từ chuỗi nhà hàng lớn như Golden Gate hay Red Sun đến chuỗi cà phê như Highland, Starbucks, The Coffee House, hầu hết đều chuyển hoạt động kinh doanh sang nền tảng trực tuyến. Bất kỳ cửa hàng nào không chịu áp dụng bán hàng trực tuyến như một phần của chiến lược kinh doanh họ sẽ bị bỏ lại phía sau và sớm biến mất trên thị trường. Loship, cho biết họ cũng đã chứng kiến ​​sự gia tăng số lượng người bán mới tham gia nền tảng online của mình, trong tháng 4 công ty này đã có hơn 1.000 cửa hàng đã sử dụng dịch vụ của họ, vượt xa kỷ lục hàng tháng trước đó.

Đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Loship Nguyễn Hoàng Trung cho rằng: “Ngày càng nhiều nhà hàng, cửa hiệu chuyển sang bán hàng online và dịch vụ giao hàng theo yêu cầu như một cách để kết nối với khách hàng trong thời kỳ Covid-19. Chúng tôi rất vui vì tham gia đặt nền móng cho một loại hình dịch vụ mới để giúp đỡ cộng đồng và các nhà hàng”.

Sự cạnh tranh quyết liệt

Sự cạnh tranh của loại hình dịch vụ này đang ngày càng quyết liệt bởi các “ông lớn” không dễ dàng để mất thị phần ở lĩnh vực béo bở này. Hiện tại, thị trường có rất nhiều dịch vụ giao hàng nhanh uy tín mà các cửa hàng, shop giao hàng online có thể lựa chọn. Mỗi dịch vụ có thể có một số điểm khác nhau về thời gian giao hàng, chi phí giao hàng, thu hộ COD (Cash on Delivery- giao hàng và thu tiền) hay các tiện ích đặt đơn hàng online, điểm chung là đều phải sử dụng công nghệ để quản lý đơn hàng.

Theo một cuộc khảo sát mini mà Kinh tế & Đô thị thực hiện tại vài điểm bán hàng online thì các tiêu chí mà người dân, các chủ cửa hàng, shop lựa chọn đơn vị dịch vụ lần lượt: Uy tín, an toàn, độ phủ, tốc độ đưa hàng, giá cước linh hoạt, hợp lý và cuối cùng là tiện lợi (ứng dụng CNTT phù hợp). Ở đây có một sự khác biệt giữa người sử dụng dịch vụ là cá nhân tiêu dùng hay các công ty bán hàng online. Người dân thì quan tâm nhiều đến uy tín, tốc độ đưa hàng thì các công ty bán hàng online lại quan tâm nhiều đến giá cước.

Muốn làm ăn lâu dài, các đơn vị dịch vụ phải đăng tải bảng giá chi tiết trên website, để người gửi hàng có thể dễ dàng lựa chọn hình thức vận chuyển giao hàng nhanh uy tín mà mình cần với mức giá được cố định sẵn cho từng loại hình dịch vụ. Điều này giúp các shop online có thể tính toán được giá tiền giao nhận hàng hóa và kiểm soát được chi phí để báo giá cho khách hàng.

Tại Hà Nội, giao hàng nhanh đó là dịch vụ ship hàng 60 phút. Với dịch vụ này, khách hàng có thể nhận được hàng trong vòng 60 phút kể từ khi nhân viên lấy hàng. Khung giá cho dịch vụ giao hàng của giao hàng nhanh dao động từ 20.000 đến 90.000 đồng.

Viettel Post được triển khai từ năm 1997 với hệ thống giao nhận lớn, phủ rộng trên khắp cả nước. Cước phí ship COD tại Hà Nội, Sài Gòn của Viettel Post vào khoảng 1,3%. Chi phí giao hàng ít nhất là 20.000 đồng. Đây là giá cước dành cho các khu vực huyện, xã. Còn đối với các khu vực thành phố thì mức phí giao hàng tối thiểu là 15.000 đồng và phí ship COD là 0,8% tiền thu hộ.

VNPost được thành lập từ 2005 cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh hỏa tốc, thư từ, hàng hóa, vật phẩm cho cả người trong và ngoài nước. VNPost đem lại nhiều tiện ích cho người sử dụng Việt Nam.

Với lực lượng nhân viên giao hàng phủ rộng khắp 63 tỉnh thành với nhiều bưu cục, điểm nhận hàng cho khách hàng sự lựa chọn tiện lợi và chi phí giao hàng hợp lý. VNPost cũng cung cấp dịch vụ giao hàng thu hộ và hướng dẫn ship COD với mức phí là 15.000 đồng và 1% phí thu hộ.

Xu thế nào cho loại dịch vụ này?

Theo công bố của Nielsen, 62% số khách hàng Việt Nam cho biết họ có nhiều khả năng dùng bữa tại nhà và sử dụng các lựa chọn giao đồ ăn ngay cả khi đại dịch đã giảm bớt.

“Dù dịch bệnh đã giảm nhưng tôi vẫn ở nhà và đặt mua các mặt hàng thiết yếu trên mạng, tránh đi ra ngoài để giảm nguy cơ lây bệnh. Tôi có thể sử dụng dịch vụ này lâu dài hơn kể cả khi đại dịch đã qua nhờ sự tiện lợi và an toàn của nó, miễn là giá dịch vụ phù hợp”, một khách hàng sống tại Hà Nội cho biết.

Đây là thời điểm mà phần lớn khách hàng vẫn còn giữ thói quen mua sắm. Những người chưa bao giờ mua hàng tạp hóa, thực phẩm trực tuyến thì nay bắt đầu sử dụng dịch vụ này. Với nhu cầu tăng cao như vậy, các công ty giao hàng lớn đang cố gắng tham gia vào cơn sốt, như đã được chứng minh bởi Grab, Be và Lazada gần đây đã triển khai dịch vụ giao hàng tại Việt Nam.

Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là sau khi khống chế thành công Covid-19, liệu nhu cầu về dịch vụ giao hàng thực phẩm, tạp hóa trực tuyến có còn tiếp tục? Thách thức lớn nằm ở chỗ làm thế nào để duy trì động lực tích cực này và đảm bảo khách hàng có trải nghiệm đủ tốt để chuyển từ thói quen mua hàng “chạm tay và cảm nhận” sang dịch vụ giao hàng bằng cách “nhấp chuột và trả tiền”.
Từ chuỗi nhà hàng lớn như Golden Gate hay Red Sun đến chuỗi cà phê như Highland, Starbucks, The Coffee House, hầu hết đều chuyển hoạt động kinh doanh sang nền tảng trực tuyến. Bất kỳ cửa hàng nào  không chịu áp dụng bán hàng trực tuyến như một phần của chiến lược kinh doanh họ sẽ bị bỏ lại phía sau và sớm biến mất trên thị trường.