Người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc nông sản tại siêu thị |
Hiện nay, kênh bán hàng online đang đe dọa đến doanh thu của hàng loạt siêu thị vừa và lớn của Hà Nội. Với chi phí thuê mặt bằng, chi phí bán hàng khá lớn, nhiều siêu thị đã không cầm cự được trong thời dịch Covid-19. Điều này đặt ra một vấn đề cho các nhà kinh doanh, khi mua sắm online càng phát triển thì không gian bán hàng truyền thống của các DN Việt Nam cũng phải thay đổi cho phù hợp.Những khách hàng chọn các cửa hàng vật lý thay vì mua hàng online phải được tận hưởng những trải nghiệm mà mua sắm trực tuyến không thể cung cấp. Ví dụ: Chất lượng dịch vụ, không gian sáng tạo nghệ thuật trong cửa hàng, tư vấn chuyên sâu từ đội ngũ nhân viên, dùng thử sản phẩm. Nếu bạn để ý, tại các siêu thị lớn tại Hà Nội thời gian gần đây đã có thêm các khu vui chơi, giải trí và ẩm thực. Dự báo, GPD thực của Việt Nam sẽ tăng 91,4% trong giai đoạn 2019 - 2030 cùng với mức tăng vọt trong chi tiêu dùng. Đến năm 2030, 46 triệu người tiêu dùng Việt tại thành thị sẽ có mức chi tiêu dùng 169 tỷ USD trong khi con số này cho 61 triệu người dân ở nông thôn sẽ là 173 tỷ USD.Đây thực sự là tín hiệu vui đối với các DN. Nhưng một lần nữa câu chuyện văn hóa tiêu dùng giữa thành thị và nông thôn phải được đặt lên bàn nghị sự một cách nghiêm túc. Phải thừa nhận một điều, hiện nay chưa có nhiều DN Việt Nam quan tâm đến xu thế tiêu dùng dựa trên cơ sở các nghiên cứu về đặc điểm văn hóa, xã hội. Không ít người vẫn ngạc nhiên khi các điện thoại di động dùng cho thị trường Nhật Bản bắt buộc không được tắt tiếng khi sử dụng tính năng chụp ảnh. Người Nhật không thích hình ảnh cá nhân của mình bị chụp trộm và buộc các nhà sản xuất smartphone phải chấp nhận quy định này.Theo thống kê tầng lớp trung lưu - nền tảng của tiêu dùng Việt đang tăng nhanh trong thời gian tới. Theo tính toán đến năm 2030, 49% hộ gia đình sẽ có thu nhập khả dụng hàng năm từ 5.000 - 15.000 USD, tăng từ 33,8% so với năm 2018. Đây sẽ là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức cho hàng hóa “Made in Vietnam”, bởi khi xu hướng tiêu tiền của người Việt tăng, đồng nghĩa với họ đòi hỏi được mua những hàng hóa có chất lượng, thẩm mỹ. Nếu DN Việt Nam không có những thay đổi phù hợp thì sẽ bị hàng ngoại lấn sân ngay trên sân nhà. Những phân tích này sẽ giúp các công ty Việt có thể thích ứng với những thay đổi của thị trường và bắt kịp các xu hướng mới.
Người tiêu dùng đang sống trong một xã hội, cho nên hành vi của họ chịu ảnh hưởng của rất nhiều các yếu tố trong xã hội. Đó là các yếu tố thuộc về văn hóa - xã hội (văn hóa, nhánh văn hóa, địa vị xã hội), các yếu tố mang tính chất xã hội (nhóm tham khảo, gia đình, vai trò và địa vị), các yếu tố mang tính chất tâm lý, mang tính chất cá nhân.