[Xu hướng] Chuyển đổi số của du lịch Việt Nam

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Toàn - Agribank Nghệ An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Du lịch và vận tải là 2 ngành kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch Covid-19. Để khôi phục du lịch, Việt Nam không còn cách nào khác là đẩy mạnh chuyển đổi số để tăng khả năng quản lý DN, tiếp cận khách hàng.

Du lịch Việt Nam đang gặp thử thách lớn

Du lịch Việt Nam đạt thành tích ấn tượng năm 2019. Khi đó, ngành Du lịch Việt Nam đạt được nhiều kết quả khả quan, đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế (tăng 16,2% so với năm 2018), phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa, tổng thu đạt khoảng 720.000 tỷ đồng. Năm 2019, ngành Du lịch đóng góp trên 9,2% vào GDP cả nước; tạo ra 2,9 triệu việc làm, trong đó có 927.000 việc làm trực tiếp.

Với kết quả này, khi đó Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia có mức tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Chỉ trong 3 năm, từ năm 2016 đến năm 2018, du lịch Việt Nam tăng gấp đôi lượng khách quốc tế, từ 8 triệu lên gần 16 triệu.

Nhưng đại dịch Covid-19 đã nhanh chóng “đóng băng” ngành du lịch thế giới và du lịch Việt Nam cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng. Báo cáo của Tổ chức Du lịch quốc tế (UNWTO) cho biết, lượng khách du lịch quốc tế trên toàn cầu trong năm 2020 sụt giảm tới 1,1 tỷ lượt. Tổng thu du lịch toàn cầu mất đi 1,1 nghìn tỷ USD; khoảng 100 - 120 triệu lao động trong ngành bị mất việc.
Du khách tìm hiểu thông tin trên thiết bị tra cứu thông tin tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Tuấn Anh
Năm 2020, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt khoảng 3,7 triệu lượt, giảm 79,5% so với 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%; tổng thu du lịch đạt 312.000 tỷ đồng, giảm 58,7% - mức giảm tương đương 19 tỷ USD. Khoảng 40 - 60% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công. Khoảng 95% DN lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động. Nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10 - 15%. Khi làn sóng dịch lần thứ 4 bùng phát thì các con số thống kê năm 2021 chắc chắn còn tồi tệ hơn. Năm 2020, lượng khách nội địa đạt 56 triệu lượt, chiếm gần 66% lượng khách nội địa năm 2019 nhưng hiện nay xu thế du lịch tại chỗ (stay cation) cũng đã bị cấm cửa.

Để phục hồi hoạt động du lịch, trong bối cảnh người dân vẫn chưa quen với xu thế tập trung, nhân viên du lịch thiếu trầm trọng CNTT được xem là biện pháp cần thiết. Công nghệ số có đóng góp tích cực trong việc bảo đảm an toàn cho du khách, tạo ra những sản phẩm mới lạ, độc đáo và hỗ trợ hiệu quả cho các DN trong hoạt động tiếp thị, quảng bá trực tuyến, thương mại điện tử. Các “ông lớn” trong ngành du lịch như Vietravel, Hanoitourist, Saigontourist, Vietrantour, Goldentour… đều đang áp dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý, xây dựng sản phẩm mới, quảng bá tour, giao dịch với khách hàng thông qua các ứng dụng.

Các điểm đến du lịch trên khắp đất nước cũng ứng dụng công nghệ để xây dựng sản phẩm du lịch thông minh, quảng bá du lịch. Tại Hà Nội, các địa điểm du lịch như Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Nhà tù Hỏa Lò, Làng gốm sứ Bát Tràng... từ lâu đã ứng dụng thành công hệ thống thuyết minh tự động, ra mắt trang web tra cứu thông tin điểm đến, triển khai tour thực tế ảo.

Công nghệ số không chỉ giúp DN vận hành gọn nhẹ, nhanh chóng mà các công cụ trực tuyến còn giúp tìm kiếm, chia sẻ thông tin, đặt dịch vụ, thanh toán một cách hiệu quả. Du khách trong nước và quốc tế giờ đây chỉ cần sử dụng một chiếc điện thoại di động thông minh smart phone nhỏ gọn để tìm kiếm đủ mọi thông tin, dịch vụ mà mình cần.

Trên thế giới hiện có 3 xu hướng quảng bá du lịch là sử dụng công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và trí tuệ nhân tạo (AI). VR là công nghệ sử dụng kỹ thuật thị giác, hỗ trợ người xem quan sát và xây dựng một môi trường nhân tạo dựa trên thực tế và sự tương tác với xung quanh. AR là công nghệ sử dụng kỹ thuật thị giác dựa trên video thực tế, sau đó hỗ trợ bằng đồ họa để dễ nhận biết. Các địa danh sẽ được mô hình hóa 3D, sau đó, các chuyên gia công nghệ sẽ đưa vào môi trường VR và AR để người dùng trải nghiệm một cách toàn diện.

Chuyển đổi số - hướng đi tất yếu

Hiện các nhà mạng viễn thông Việt Nam đang chào sản phẩm du lịch thông minh. Nền tảng du lịch thông minh lấy công nghệ Smart travel platform làm chủ đạo. Trong đó, tính năng quan trọng nhất của Smart travel platform là tạo dựng và đưa vào ứng dụng sản phẩm du lịch AR - trải nghiệm thực tế tăng cường và du lịch VR 360 - du lịch qua màn ảnh.

Các sản phẩm này sẽ hỗ trợ tối đa cho khách du lịch trong việc thu thập thông tin, tìm địa điểm du lịch, chỉ dẫn thông tin điểm du lịch (thông qua tour du lịch ảo và thực tế tăng cường, bình luận và đánh giá địa điểm, gợi ý điểm đến du lịch), tham quan điểm du lịch bằng AR (hotspot xung quanh, dẫn đường), tham quan điểm du lịch bằng AR (nhận diện và chỉ dẫn hiện vật), tour tham quan bằng VR 360, điểm cung cấp dịch vụ.

Ngoài ra, Smart travel platform còn có các tính năng hỗ trợ nhà cung cấp dịch vụ trong việc quản trị nội dung AR, quản trị nội dung VR; đồng thời, hỗ trợ nhà quản lý trong việc phân tích số liệu hoạt động du lịch và cung cấp thông tin cho khách du lịch. Smart travel platform sẽ giúp các CEO du lịch Việt sẽ phân tích về đặc điểm khách du lịch: lứa tuổi, nghề nghiệp, vùng miền, số tiền tiêu/ngày… để đưa ra chiến lược marketing phù hợp.

Tổng cục Du lịch đã đưa vào sử dụng ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” để góp phần triển khai hiệu quả chương trình kích cầu du lịch giai đoạn 2. Cùng với đó, Tổng cục du lịch và các sở du lịch địa phương cũng triển khai các hoạt động trực tuyến, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch quốc gia, kết nối liên thông với các bộ, ngành liên quan và từ T.Ư đến địa phương.

Khó khăn lớn nhất của quá trình chuyển đổi số của du lịch Việt là các DN Việt còn yếu về công nghệ dẫn đến khó cạnh tranh với các công ty du lịch nước ngoài có thế mạnh về CNTT. Điều này khiến cho các DN du lịch Việt gặp khó khăn trong việc phát triển thị trường và sản phẩm khi phải cạnh tranh với các công ty nước ngoài có tiềm lực mạnh, nếu như không được nhận các chính sách ưu đãi.

Theo thống kê, 80% khách du lịch thích tự tìm hiểu thông tin cho chuyến du lịch qua internet. Đặc biệt, có tới 36% khách hàng sẵn sàng chi trả nhiều hơn nếu giao dịch dễ dàng và tương tác tốt. Do đó, AI được xem như sức mạnh mới cho các công ty du lịch Việt khi chúng ta khống chế thành công Covid-19 để phục hồi kinh doanh. Các hãng du lịch, khách sạn ứng dụng AI có thể đưa ra báo giá linh hoạt, tự động thay đổi theo tình hình thời tiết, sự kiện và số phòng còn trống...

Ở chiều ngược lại, công nghệ AI sẽ chủ động đề xuất giúp khách du lịch lựa chọn các địa điểm du lịch, lịch trình, món quà lưu niệm hợp túi tiền... dựa trên một số danh mục mà khách hàng lựa chọn hoặc lịch sử những website/sản phẩm họ đã xem trước đó. Điều đáng tiếc là AI phổ biến hiện nay của các công ty du lịch Việt chỉ là chatbot (hộp trò chuyện - phần mềm được lập trình sẵn để giao tiếp, tương tác với con người thông qua tin nhắn văn bản hoặc âm thanh). Trong khi các công ty quốc tế đã sử dụng robot để nói chuyện với khách hàng. Robot thông minh sẽ thu nhận dữ liệu, học hỏi và ngày càng trở nên thông minh hơn, đáp ứng khách du lịch tốt hơn sau mỗi lần tương tác.
Chuyển đổi số làm thay đổi cơ bản các khái niệm du lịch truyền thống, từ mô hình kinh doanh, chuỗi giá trị cho tới hệ sinh thái giá trị toàn cầu. Giao tiếp trực tuyến đã làm chuyển đổi quá trình giao tiếp với khách du lịch và marketing dịch vụ du lịch, đồng thời mở ra những phương án kinh doanh mới trong việc cung cấp dịch vụ du lịch và nâng cao, đa dạng hóa các trải nghiệm của du khách. Thực hiện chuyển đổi số, các DN du lịch Việt Nam có thể tăng thêm số lượng khách hàng, chăm sóc khách hàng tốt hơn, giảm chi phí và tăng hiệu quả kinh doanh.