Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Xu hướng] Đa dạng hóa con đường vận tải

An Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kênh đào Suez bị tắc nghẽn là một lời nhắc nhở rằng vận tải biển vẫn đang giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế toàn cầu.

Đây cũng là lời nhắc nhở tại sao các công ty cần kế hoạch chống khủng hoảng trong tương lai và cần đa dạng nguồn nguyên liệu cũng như con đường vận chuyển.
Không có vận chuyển biển, nền kinh tế toàn cầu sẽ chìm?

Con tàu MV EverGreen do Nhật Bản sở hữu, gắn cờ Panama đã bị mắc kẹt trong kênh đào Suez trong một trận bão cát, chặn con đường vận tải biển nối giữa Địa Trung Hải với Biển Đỏ, nơi xử lý hơn 10 - 12% thương mại hàng hải toàn cầu.

“Siêu thị” vận tải biển mang tên Kênh đào Suez đã được tái hoạt động, nhưng sự bế tắc kéo dài một tuần của kênh đào đã khiến công chúng trên toàn thế giới “mở rộng tầm mắt” về tính dễ bị tổn thương của vận tải biển toàn cầu. Hàng tỷ người phụ thuộc vào từng mắt xích trong quá trình vận chuyển để kiếm sống. Những chuyến hàng liên quan đến mọi thứ, từ quả cam đến máy móc cho đến công nhân cảng và những phần mềm giám sát phức tạp - nhưng nhiều lỗ hổng đã bị bỏ qua cho đến khi sự cố xảy ra.
 Vận tải hàng hóa trên kênh đào Suez.
Vào năm 1975, trung bình có 26,6 tàu đi qua Kênh đào Suez mỗi ngày. Đến năm 2019, con số này gần như đã tăng gấp đôi, lên 51,7 tàu mỗi ngày. Và đến năm 2019, các con tàu chở đủ loại mặt hàng, từ nhiều dầu hơn, trái cây, phụ tùng xe hơi, động vật, ngũ cốc đến các thiết bị xây dựng, quần áo và mọi mặt hàng thiết yếu khác mà các công ty toàn cầu và người tiêu dùng cần - lên tới trung bình 3.307 tấn mỗi ngày, so với 240 tấn vào năm 1975.

Các tàu container đã không ngừng phát triển cùng với hàng hóa của họ: EverGreen là một trong những tàu container lớn nhất thế giới và khi bị mắc kẹt trong kênh, con tàu này đầy tải, với 20.000 đơn vị tương đương (20 feet TEU - 20-foot equivalent units, nói chung là 20.000 container cần vận chuyển).

Xu hướng trong tương lai của nền kinh tế toàn cầu có lẽ phải được nhìn xa hơn con kênh hẹp nối Biển Đỏ và Địa Trung Hải - bởi vì thế giới vận tải biển, mà tất cả chúng ta đều phụ thuộc vào, ẩn chứa rất nhiều rủi ro khác.

Hơn thế nữa, trong những thập kỷ gần đây, các chuyên gia quản lý và các công ty tư vấn đã ủng hộ cái gọi là sản xuất đúng lúc (just-in-time manufacturing) để hạn chế chi phí và tăng lợi nhuận, thay vì lãng phí tiền bạc để tích trữ thêm hàng hóa trong kho. Vì vậy, bất cứ một sơ suất nào cũng có thể gieo rắc khủng hoảng từ Los Angeles (Mỹ) đến Rotterdam (Hà Lan) đến Thượng Hải (Trung Quốc), điều này đã nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng mà nền kinh tế thương mại hiện đại đang xoay quanh các chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc phụ thuộc quá nhiều vào sản xuất đúng lúc giúp giải thích vì sao nhân viên y tế từ Ấn Độ đến Ý thiếu đồ bảo hộ đầy đủ như khẩu trang, áo choàng khi chăm sóc bệnh nhân Covid-19 trong đợt đại dịch đầu tiên.

Bắc cực sẽ trở thành tuyến vận tải chiến lược

Nga đã xem sự tắc nghẽn của Kênh đào Suez là một cơ hội để thúc đẩy tuyến đường vận chuyển phía bắc của họ như một giải pháp thay thế đáng tin cậy. Đây là một phần trong nỗ lực của Nga nhằm phát triển Bắc Cực và tận dụng biến đổi khí hậu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã coi khu vực Bắc Cực của Nga trở thành ưu tiên chiến lược và ra lệnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng quân sự và khai thác khoáng sản. Sự phát triển của Tuyến đường Biển phương Bắc gắn liền với sự thúc đẩy đó và Nga đã đầu tư những khoản tiền lớn vào một hạm đội tàu phá băng và tàu chở dầu đi trên băng.

Nga đã đầu tư rất nhiều để phát triển tuyến đường này, cho phép các tàu rút ngắn hải trình đến các cảng châu Á 15 ngày so với việc sử dụng kênh đào Suez.

Rõ ràng, kinh tế toàn cầu cần phải suy nghĩ về cách quản lý rủi ro giao thông một cách hiệu quả và phát triển các tuyến đường thay thế đến kênh đào Suez, trước hết là tuyến đường biển phía Bắc. Đó là một xu hướng không có gì đáng ngạc nhiên với nền kinh tế toàn cầu.