Xu hướng Internet of things: Việt Nam bình đẳng với quốc tế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là nhận định của nhiều chuyên gia CNTT trong nước về cơ hội của Việt Nam trước xu hướng chung của thế giới Internet of things.

Theo số liệu từ Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), Internet of things đang là xu thế tất yếu của CNTT trên thế giới và ở cả Việt Nam, quá trình này được dự đoán sẽ tạo ra giá trị 19.000 tỷ USD trong 10 năm tới. Mặc dù ở thời điểm hiện tại, các thiết bị có tích hợp Internet of things mới chỉ có khoảng 8 tỷ nhưng con số này sẽ tăng gấp 10 lần, lên tới 80 tỷ vào năm 2020.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã thành lập các liên minh Internet of things như EU với Hàn Quốc, EU với Trung Quốc ... liên minh ở tầm các tập đoàn với Intel, Samsung, Dell ... Ở Việt Nam, cũng đã xuất hiện nhiều ý tưởng và sản phẩm về xu hướng này như nhà thông minh, thiết bị điều khiển gia định, thiết bị giao thông ...
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải chia sẻ về Internet of things dưới góc độ quản lý nhà nước
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải chia sẻ về Internet of things dưới góc độ quản lý nhà nước
Đồng tình với nhận định của VIA, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải cũng cho rằng, Internet of things đang là xu hướng phát triển của CNTT thế giới và đang từng bước lan tỏa ở Việt Nam. Trong tương lai, xu hướng này sẽ tác động đến mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội của Việt Nam, Thứ trưởng khẳng định.

Với tổng băng thông kết nối Internet trong nước là 900 Gbps, kết nối Internet quốc tế là 1.400 Gbps, 35 triệu thuê bao 3G và 7 triệu thuê bao internet, Việt Nam đang có cơ sở vững chắc để trở thành thị trường tiềm năng thu hút các sáng kiến, ứng dụng dành cho Internet of things, Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng cũng cho biết thêm, để tận dụng tốt xu hướng này, Bộ TT&TT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách có liên quan. Có thể kể đến như quy hoạch kho số viễn thông, thú đẩy triển khai sử dụng IPV6, phát triển băng rộng, chuẩn bị cấp phép 4G, chương trình quốc gia về CNTT ...

Dựa trên những điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, chính sách, cơ chế như vậy, cộng đồng DN CNTT, viễn thông, nội dung số cần nằm bắt cơ hội đầu tư, sáng tạo các dịch vụ, ứng dụng cho xu hướng Internet of things nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cũng như đóng góp hơn nữa vào sự phát triển của CNTT nước nhà, Thứ trưởng hy vọng.

Chia sẻ về Internet of things, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho rằng, ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đang bình đẳng với các quốc gia khác trong xu hướng chung này, có tận dụng được cơ hội hay không là phụ thuộc vào chính chúng ta. Internet of things đang là cuộc cách mạng thay đổi toàn bộ thế giới, nếu bỏ lỡ, Việt Nam sẽ bị lãng quên trên bản đồ CNTT các nước, ông Bình nhận định.

Để minh chứng cho nhận đinh trên, ông Bình lấy FPT ra làm ví dụ. Các hoạt động kinh doanh ở thị trường nước ngoài mang lại thành công của Tập đoàn này chủ yếu tập trung tại Nhật Bản và Singpapore, đây đều là những quốc gia rất mạnh về công nghệ cao và rất nổi bật trong xu hướng Internet of things. Mới đây nhất FPT đã giành được dự án chuyển đổi ứng dụng trên mảng công nghệ SharePoint trị giá hơn 2 triệu USD cho Chính phủ Singapore.

Cũng có thể kể đến ngành viễn thông Việt Nam, từ mô hình tổng đài đã chuyển hẳn sang mô hình phần mềm, DN CNTT chuyển sang kinh doanh vận tải như Uber ... Từ đó có thể thấy Internet of things đang dần tác động tới mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội, ông Bình khẳng định.