Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Xu hướng] Năng lượng tái tạo - xu thế mới còn nhiều rào cản

Hoàng Quyết
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát triển năng lượng sạch và tái tạo ngày nay đang là xu thế mới, làm thay đổi cơ cấu ngành năng lượng, góp phần phát triển nền kinh tế của mỗi quốc gia.

Tại Việt Nam, dù thời gian qua Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách và cơ chế thúc đẩy phát triển nhưng lĩnh vực năng lượng tái tạo (NLTT) vẫn chưa phát triển mạnh mẽ do nhà đầu tư còn gặp phải nhiều rào cản.
Nhu cầu tất yếu

Tại Diễn đàn “Nghị quyết 55-NQ/TW và các giải pháp thúc đẩy phát triển NLTT Việt Nam", do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) tổ chức ngày 28/10, đại diện các Bộ, ban, ngành, chuyên gia và nhà đầu tư đã đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ.
 Hệ thống điện gió tại đảo Phú Quý tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Phạm Hùng
Ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và NLTT, Bộ Công Thương cho biết, ngày 25/11/2015, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2068/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển NLTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Chiến lược NLTT), trong đó đề ra mục tiêu: “Tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ NLTT trong tổng điện năng sản xuất toàn quốc từ khoảng 35% vào năm 2015 lên khoảng 38% vào năm 2020; đạt khoảng 43% vào năm 2050”. Tiếp đó, ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đặt ra mục tiêu phát triển NLTT trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 -20% vào năm 2030, 25 - 30% vào năm 2045.

Để đạt được các mục tiêu này, Bộ Công Thương đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế khuyến khích phát triển điện gió, điện sinh khối, phát điện từ chất thải rắn và điện mặt trời.
Tính đến hết tháng 9/2020, tổng công suất lắp đặt điện gió ở Việt Nam đạt 485 MW, điện mặt trời đạt 5.829 MW, điện sinh khối đạt 169 MW, chiếm khoảng 11,2% tổng công suất lắp đặt toàn quốc. Về hiệu quả, sản lượng điện sản xuất từ điện gió đạt 630 triệu kWh, điện mặt trời đạt 7.274 triệu kWh, điện sinh khối đạt 303 triệu kWh, chiếm khoảng 4,4% tổng lượng điện sản xuất toàn quốc. Riêng đối với điện mặt trời mái nhà, tính đến ngày 14/10/2020 đã có trên 57.000 hệ thống được lắp đặt với tổng công suất 1.747 MWp.

Theo ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục mở rộng, nhu cầu sử dụng năng lượng điện của Việt Nam sẽ ngày càng tăng. Trong gần 10 năm qua, sản lượng điện sản xuất đã tăng hơn 2,3 lần, từ 101,4 tỷ kWh vào năm 2010 lên gần 235 tỷ kWh vào năm 2019. Sản lượng điện của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh, với tốc độ trung bình hàng năm là 5,6%, từ 245 tỷ kWh năm 2020 lên 950 tỷ kWh vào năm 2045.

Tuy nhiên, theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nhu cầu điện trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ gặp nhiều khó khăn với tình trạng thiếu điện trầm trọng, dự báo năm 2023 có thể thiếu tới 13 tỷ kWh, trong khi đã phải phát điện dầu gần 11 tỷ kWh. Đến hết năm 2023, công suất nguồn điện bị thiếu hụt so với quy hoạch lên tới 12.690 MW. Tình trạng thiếu hụt nguồn điện sẽ được cải thiện trong các năm 2024 và 2025 do đưa vào vận hành một số nhà máy nhiệt điện, nhưng dự báo đến hết năm 2025, nguồn điện sẽ vẫn còn thiếu hụt khoảng 7.250 MW. Do đó, việc phát triển các loại hình NLTT là nhu cầu tất yếu.

Còn nhiều rào cản

Nhu cầu phát triển NLTT là đã rõ, song thời gian qua, lĩnh vực này chưa thu hút hút được nhiều nhà đầu tư. Nguyên nhân còn nhiều rào cản về cơ chế chính sách và những hạn chế của doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, hiện nay việc thiếu các chính sách và quy định hỗ trợ phát triển NLTT có thể cản trở việc áp dụng nguồn năng lượng này. Do bản chất của cấu trúc NLTT, thị trường NLTT cần có các chính sách và thủ tục pháp lý rõ ràng để tăng sự quan tâm của các nhà đầu tư.

“Một trong những bất cập đến từ cơ chế áp dụng biểu giá hỗ trợ (FIT). Theo đó, tại Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, giá FIT chỉ áp dụng với các dự án đưa vào vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021. Như vậy, từ đầu năm 2021, các dự án điện mặt trời không được áp dụng biểu giá FIT, trong khi cơ chế đấu thầu chưa được ban hành. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng có Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam. Trong đó, giá mua điện của dự án điện gió trong đất liền và trên biển được áp dụng giá FIT đối với các dự án vào vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021. Như vậy, sau thời điểm này, các dự án điện gió cũng chưa có cơ chế thực hiện” - ông Vy nói. Cùng với đó, hiện còn thiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn ứng dụng các công nghệ NLTT, điều này cũng gây khó khăn cho chủ đầu tư các dự án cũng như cho các cơ quan quản lý nhà nước.

Về phía doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Hoài Bắc, Chủ tịch HĐQT Công ty IQLinks, Giám đốc Công ty CP Điện mặt trời Sunseap Link Việt Nam, vấn đề thủ tục cấp phép là rào cản thứ nhất với các nhà đầu tư điện gió. Thứ hai là vấn đề chính sách bị thay đổi theo thời gian. Thứ ba là vấn đề đất đai, doanh nghiệp rất khó liên doanh với bà con nông dân để thuê đất và thứ tư là bất cập giá FIT đã hết hạn trong khi đấu giá chưa được thực hiện.

Tương tự, ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận cho rằng, chính sách cho điện gió chưa hợp lý và cần điều chỉnh. Làm điện gió rất kén nhà đầu tư, so với điện mặt trời, điện gió có 3 điểm khó. Thứ nhất là khó về công nghệ; khó trong thi công lắp đặt, không phải ai cũng làm được. Thứ hai là khó về OME/ O&E, ký hợp đồng phải mua dịch vụ 20 năm nhà cung cấp mới cung cấp. Thứ ba là về tài chính, suất đầu tư lớn, thời gian thu vốn dài mà giá FIT hiện nay khó nên nhà đầu tư điện gió gặp nhiều khó khăn...

Giải pháp nào?

Để phát triển các lại hình NLTT một cách khoa học và khai thác hiệu quả, theo ông Đỗ Đức Quân, thời gian tới cần tập trung vào yếu tố: Chính sách, hạ tầng truyền tải và điều độ vận hành hệ thống điện.

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy phát triển các hệ thống NLTT phân tán phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại chỗ như các khu công nghiệp, hộ tiêu thụ thương mại, dịch vụ, nhà dân... lắp đặt điện mặt trời mái nhà để cung cấp cho chính nhu cầu của mình, kết hợp với điện mua từ lưới điện. Mặt khác, cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam để đảm bảo điện NLTT phát triển bền vững hơn. Đối với một số loại hình NLTT mới ở Việt Nam như điện gió ngoài khơi, điện thủy triều..., tiếp tục nghiên cứu đề xuất cơ chế khuyến khích phát triển phù hợp với tiềm năng, khả năng phát triển ở Việt Nam.

Theo bà Trần Kim Chi, Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các loại NLTT đều có những ưu điểm và hạn chế, nên cần lựa chọn một hình thức phù hợp cho tương lai. NLTT rất có triển vọng ở Việt Nam mặc dù còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên như thời tiết và đặc điểm địa hình, nguồn cung cấp năng lượng.
Tuy nhiên, mỗi loại hình NLTT đều có những ưu nhược điểm khác nhau, do đó, mỗi loại hình NLTT đều có tiềm năng và được khuyến khích phát triển. “Sử dụng NLTT để phục vụ cho đời sống là điều tất yếu trong tương lai. Nhưng lựa chọn loại NLTT nào để phù hợp với các đặc điểm của địa hình, điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương, khu vực thì chúng ta cần cân nhắc” - bà Chi nói.

"Nghị Quyết số 55 của Bộ Chính trị không chỉ định hướng phát triển cho lĩnh vực NLTT ở Việt Nam, mà còn nắm bắt được xu hướng phát triển, đảm bảo nhu cầu năng lượng của khu vực. Nếu được thực hiện đúng hướng, có thể sẽ có cuộc “đổ bộ” lớn của các nhà đầu tư vào lĩnh vực NLTT, đây thực sự là động lực cho phát triển nền kinh tế Việt Nam." - Chủ tịch VCCI - TS Vũ Tiến Lộc


"Về vấn đề chính sách, với các dự án NLTT quy mô công suất lớn sẽ chuyển sang cơ chế đấu thầu. Nhà đầu tư phát triển được lựa chọn sẽ là nhà đầu tư đưa ra giá bán điện từ dự án điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời nổi thấp nhất." - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và NLTT (Bộ Công Thương) Đỗ Đức Quân