Một số hóa chất được sử dụng trong xà phòng đã được chứng minh là gây dị tật bẩm sinh và tổn thương gan ở động vật. Chính vì vậy, con người bắt đầu có xu hướng tìm về những thứ làm sạch tự nhiên để sử dụng như xà phòng mà vẫn bảo vệ môi trường.
Xà phòng có từ khi nào?
Có nhiều truyền thuyết khác nhau xung quanh nguồn gốc của xà phòng, nhưng có độ tin cậy cao nhất vẫn là 600 năm trước công nguyên ở đế chế La Mã, xà phòng (soap) được đặt theo tên của núi Sapo, một địa danh cổ xưa nơi người ta thực hiện nghi lễ hiến tế động vật.
Sau một nghi lễ hiến tế động vật, mưa làm rửa trôi mỡ và tro củi dưới bàn thờ nghi lễ xuống bờ sông Tiber. Những phụ nữ giặt giũ quần áo trên sông nhận thấy nếu họ giặt quần áo tại một số nơi nhất định trên sông sau mỗi cơn mưa to, thì quần áo sạch hơn rất nhiều. Điều này được lý giải là, tro củi chứa kiềm, sau khi kết hợp với chất béo của mỡ động vật gặp nước mưa gây ra phản ứng xà phòng hóa, tạo ra xà phòng. Đó chính là nguồn gốc xuất hiện của xà phòng.
Mãi cho đến thế kỷ thứ VII, thợ làm xà phòng bắt đầu xuất hiện tại Tây Ban Nha và Ý, nơi người ta làm xà phòng từ mỡ dê và tro than gỗ sồi. Cùng thời kỳ đó, người Pháp sử dụng dầu olive để làm xà phòng. Cuối cùng nước hoa được biết đến, và bắt đầu xuất hiện các loại xà phòng chuyên dùng cho tắm, gội, cạo râu, giặt giũ.
Đến đầu thế kỷ XIX, sản xuất xà phòng là một trong những ngành công nghiệp phát triển nhanh nhất ở Mỹ. Nông dân Mỹ làm xà phòng tự chế, sử dụng một quy trình có từ thời thuộc địa. Họ tích trữ tro củi tận dụng sau khi đun nấu trong nhiều tháng. Khi nào đủ chất béo còn dư thừa sau mỗi lần mổ lợn, họ sẽ làm xà phòng.
Trong thế chiến lần thứ nhất, xà phòng thương mại như ta biết đến ngày nay bắt đầu ra đời. Thương vong trong cuộc chiến, dẫn đến làm gia tăng nhu cầu chất tẩy rửa, làm sạch. Tuy nhiên, cũng từ đó nguyên liệu cần thiết để làm xà phòng trở nên khan hiếm. Các nhà khoa học Đức đã tạo ra được một dạng “xà phòng” mới được làm từ các chất tổng hợp, kết quả là các chất tẩy rửa được ra đời. Hầu hết xà phòng thương mại ngày nay thực chất là chất tẩy rửa, vốn được làm từ các sản phẩm phụ của dầu mỏ.
Tác hại của xà phòng “thương mại”
Theo chuyên gia y tế, các sản phẩm xà phòng thương mại thường chứa nhiều hóa chất, nếu sử dụng nhiều, lâu dài có thể gây các rối loạn bề mặt da, thúc đẩy các bệnh về da, thậm chí nhiễm trùng da…
TS Trần Ngọc Ánh - chuyên khoa da liễu Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh - cho biết: "Trên bề mặt da có lớp sừng và có màng lipit bảo vệ da khỏi những tác nhân có hại từ môi trường. Nếu tắm xà phòng nhiều lần trong ngày, da được làm sạch quá mức thì lớp lipit trên bề mặt da phục hồi không kịp và mất đi, da sẽ trở nên khô.
Đặc biệt, đối với những người có cơ địa chàm hay da nhạy cảm, da sẽ trở nên khô bị bong tróc, đỏ gây ngứa ngáy khó chịu, có thể diễn tiến tới bệnh dị ứng da. Đặc biệt, khi tắm kết hợp với chà xát mạnh, tẩy tế bào chết nhiều có thể gây tổn thương lớp thượng bì dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng da".
Ngoài ra, dường như tất cả các loại xà phòng thương mại ngày nay đều được gắn lên cái mác diệt vi khuẩn có hại trên da. Chúng ta dường như đang có định kiến với vi khuẩn, rằng chúng là thứ có hại nhưng trong thực tế, trên bề mặt da có các vi sinh vật cả có lợi và có hại. Như vậy, nếu lạm dụng xà phòng khi vệ sinh cơ thể quá nhiều sẽ làm rối loạn môi trường bề mặt da, rối loạn độ pH, các lợi khuẩn sẽ bị tiêu diệt, còn các mầm mống hại khuẩn chỉ bị kiềm chế tạm thời, sau đó gặp môi trường thuận lợi các hại khuẩn, vi nấm phát sinh tấn công cơ thể gây nấm da, nhiễm trùng da... Bên cạnh đó chất tẩy, mùi hương trong sản phẩm càng nồng, càng thơm thì tiềm ẩn càng nhiều nguy cơ có hại cho sức khỏe.
Xét về yếu tố môi trường, thậm chí là khi các hóa chất độc hại tiềm ẩn chỉ có một lượng nhỏ trong xà phòng và chúng có thể không tích tụ trên hoặc trong cơ thể chúng ta, nhưng việc nhiều người chúng ta sử dụng hàng ngày thì chúng có thể tích tụ trong môi trường một lượng rất lớn.
Trở lại với xà phòng tự nhiên, thân thiện môi trường
Nhiều năm trở lại đây, với mục đích giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhiều DN và cá nhân đã bắt đầu có xu hướng trở về với xà phòng tự nhiên như thủa ban đầu nó được sinh ra.
Chúng ta có nhiều lựa chọn thay thế tự nhiên hơn khi sử dụng các loại “cocktail” hóa học này. Thay vì sử dụng dầu gội, chúng ta có thể sử dụng bồ kết để làm sạch da đầu. Sau nhiều năm dùng dầu gội hóa chất, tóc tôi bị rụng khá nhiều, tóc thưa hẳn, và khi tóc rụng dưới chân tóc luôn có một cục màu trắng như nhân mụn, tôi nghĩ nó chính là nguyên nhân khiến tóc tôi dễ rụng.
Và tôi bắt đầu dùng bồ kết gội đầu được khoảng 10 năm trở lại đây. Từ ngày trở lại làm sạch tóc bằng loại quả tự nhiên này, tóc tôi giảm rụng, không còn những “nhân mụn" ở chân tóc, tóc đen và mượt đến nỗi thợ cắt tóc luôn hỏi cách chăm sóc tóc của tôi.
Hiện tại, có rất nhiều DN bắt đầu sản xuất xà phòng bánh tự nhiên để sử dụng thay cho sữa tắm hay những bánh xà phòng thương mại. Nguyên liệu được sử dụng để làm nên những bánh xà phòng tự nhiên là từ dầu thực vật như dầu dừa, dầu olive,... kết hợp cùng kiềm và tinh dầu tự nhiên cho hương thơm dễ chịu.
Hãy thử một lần sử dụng xà phòng bánh tự nhiên, bạn sẽ thấy nó có sự khác biệt hoàn toàn so với xà phòng thương mại cả về màu sắc, hương thơm và cách nó làm sạch da. Bạn hoàn toàn có thể tìm mua tại các cửa hàng bán đồ “organic” hoặc tại các hội chợ bảo vệ môi trường...
Tuy nhiên, chi phí để sản xuất những loại xà phòng tự nhiên này khá cao, nên giá thành cũng cao. Nếu bạn mua một bánh xà bông thương mại với giá chỉ khoảng 20.000 đồng, thì chi phí để mua một bánh xà phòng tự nhiên với trọng lượng tương tự sẽ khoảng từ 150.000 - 300.000 đồng. Vì vậy, không phải ai cũng có điều kiện để sử dụng những sản phẩm tự nhiên như thế này, nên những sản phẩm này còn được gọi là hàng hóa sản xuất cho người giàu.
Chúng ta có thể chưa hoàn toàn thay đổi được những loại xà phòng làm sạch trong cuộc sống hàng ngày, nhưng bạn có thể lựa chọn để thay đổi từng chút một. Thay đổi loại dầu gội, thay đổi bánh xà phòng, hoặc đơn giản là hạn chế sử dụng các loại xà phòng tối thiểu nhất có thể, như vậy là đã góp phần bảo vệ môi trường sống, bảo vệ trái đất của chúng ta. |