Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý cán bộ có sai phạm tại Quận Hoàng Mai: Không để... chìm xuồng

Đông Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi có kiến nghị của người dân quận Hoàng Mai (Hà Nội), nhiều vụ việc đã được cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra, làm rõ dấu hiệu sai phạm.

Thế nhưng, có một số vụ việc UBND quận Hoàng Mai chưa xử lý các cá nhân liên quan đến sai phạm.
Sai phạm chìm trong im lặng?
Báo Kinh tế & Đô thị tiếp tục nhận được đơn của người dân quận Hoàng Mai, kiến nghị về việc xử lý sai phạm tại địa phương chưa thỏa đáng hoặc chìm trong im lặng khiến dư luận bất bình.
Cụ thể, tháng 2/2016, UBND quận Hoàng Mai có kết luận nội dung tố cáo đối với bà Phạm Thị Thanh Thùy (cán bộ địa chính) có hành vi nhận tiền của người dân khi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền trên đất (sổ đỏ). Văn bản kết luận xác minh rõ: Bà Thùy khi làm cán bộ địa chính phường Hoàng Liệt đã nhận của một số người dân trong địa bàn từ 10 - 20 triệu đồng để làm dịch vụ cấp sổ đỏ (sau đó, bà Thùy đã phải hoàn trả tiền cho người dân). Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai giao Phòng Nội vụ chủ trì tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của bà Thùy và có đề xuất phương án xử lý cán bộ cụ thể, báo cáo kết quả hoàn thành trước ngày 15/3/2016. Nhưng đến gần 9 tháng sau thời hạn phải báo cáo, vụ việc vẫn chìm trong im lặng. Hiện tại, bà Nguyễn Thị Thanh Thùy vẫn đang làm công tác địa chính tại UBND phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai).
Một vụ việc xử lý sai phạm khác khiến người dân chưa “tâm phục, khẩu phục”. Đó là, UBND quận Hoàng Mai xử lý việc cấp chưa đúng 313m2 đất tái định cư cho người dân. Mặc dù sai phạm đã được làm rõ, nhưng không thu hồi diện tích đất cấp thừa mà chỉ thu tiền sử dụng đất bổ sung (phần chênh lệch giữa số tiền các hộ đã nộp với số tiền theo giá đất tại thời điểm giao đất tái định cư nhân với hệ số k = 1,5 đối với diện tích đất ở 313m2). Như vậy số tiền thu về cho ngân sách Nhà nước chỉ là 2 triệu đồng/m2, khoảng 626 triệu đồng/313m2.
Người dân cho rằng, thực tế tại thời điểm gia đình được đền bù bán 1 phần diện tích được cấp “thừa” với giá khoảng 120 triệu đồng/m2. Có thể tạm tính gia đình này đã hưởng lợi khoảng gần 40 tỷ đồng/313m2 đất được cấp sai quy định. Như vậy, nếu thu hồi đất, tổ chức đấu giá công khai thì số tiền ước tính gần 40 tỷ đồng này đã được nộp vào ngân sách Nhà nước thay vì chỉ khoảng 626 triệu đồng.
Xử lý nghiêm theo quy định
Nhằm làm rõ những thắc mắc của người dân, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Phạm Đình Công - Trưởng Phòng TN&MT quận Hoàng Mai. Ông Phạm Đình Công cho biết, sau kết luận sai phạm, các phòng, ban chức năng quận Hoàng Mai đã tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân bà Phạm Thị Thanh Thùy. Cụ thể, tháng 8/2016, Phòng Nội vụ đã tổ chức cuộc họp kiểm điểm với sự tham gia của UBND phường Hoàng Liệt và bà Thùy. Sau khi làm rõ, tổng hợp thêm các ý kiến, Phòng Nội vụ có trách nhiệm đề xuất lãnh đạo quận Hoàng Mai hình thức xử lý nghiêm theo đúng tinh thần đã được chỉ đạo. "Quan điểm của UBND quận Hoàng Mai cũng như của Phòng TN&MT là không để tồn tại cán bộ, công nhân viên có hành vi sách nhiễu, vòi vĩnh hay tham nhũng tiền, tài sản của người dân trên địa bàn. Nếu xác định rõ chứng cứ vi phạm, sẽ xử lý nghiêm, thậm chí xử lý kỷ luật cán bộ với hình thức cao nhất theo thẩm quyền để chấn chỉnh, làm gương trong quận Hoàng Mai nói chung và cho các cán bộ liên quan đến việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục cấp sổ đỏ" - ông Công nói.
Đề cập đến vấn đề giải quyết việc đền bù GPMB cho người dân chưa đúng quy định, ông Phạm Đình Công cho biết: Theo kết luận thanh tra TP, bà Trần Thị Nhã là chủ sử dụng 612m2 đất nằm trong chỉ giới GPMB thực hiện dự án xây dựng cầu Thanh Trì và đoạn tuyến Nam Vành đai 3 Hà Nội. Trước thời điểm TP có quyết định thu hồi đất (năm 2000), bà Nhã không cung cấp được giấy chia tách đất cho các con đã được pháp luật công nhận. Vì vậy, việc UBND huyện Thanh Trì (thời điểm này chưa chia tách địa giới hành chính) đã lập, phê duyệt và giao 4 suất tái định cư cho bà Nhã và 3 người con là trái quy định.
Xử lý vụ việc (năm 2011), UBND TP Hà Nội giao UBND quận Hoàng Mai điều chỉnh phương án bồi thường của gia đình bà Nhã theo hướng gộp 4 phương án thành 1 phương án theo đúng chính sách tại thời điểm thu hồi đất. Tuy nhiên, sau thời điểm được cấp 4 suất tái định cư, gia đình bà Nhã đã bán hợp pháp 1 phần đất cho người khác nên quận Hoàng Mai không thể thực hiện giải quyết điều chỉnh bồi thường theo hướng TP chỉ đạo. Sau khi nhận báo cáo sự việc, UBND TP đã giao liên ngành gồm: Thanh tra TP, Sở TN&MT, Ban Chỉ đạo GPMB TP và UBND quận Hoàng Mai cùng có ý kiến về phương án giải quyết. Năm 2012, sau khi có ý kiến thống nhất hướng giải quyết của liên ngành, UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 8087/UBND-TNMT chỉ đạo giải quyết vụ việc (như nêu trên).
Lý giải việc có sự chênh lệch lớn về số tiền thu hồi cho ngân sách Nhà nước, ông Phạm Đình Công cho biết: Số tiền đã thu là đúng theo quy định của TP về áp giá đất trong khu vực. Mặt khác, việc cấp 4 suất đất với tổng diện tích là 313m2 cho gia đình bà Nhã là chưa đúng, nhưng đây là số diện tích Hội đồng GPMB cấp đất tái định cư để đền bù 612m2 đất nằm trong phạm vi GPMB. Vì vậy, không thể nói 313m2 đất tái định cư đã cấp là đất cấp thừa.
Tuy nhiên, dư luận cho rằng, sau khi kết luận rõ, UBND quận Hoàng Mai đã chậm xử lý những cá nhân liên quan đến sai phạm khiến người dân còn bất bình. Do đó, chính quyền sở tại nên tiếp thu, giải quyết dứt điểm, tránh người dân khiếu kiện kéo dài.