Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội. Ảnh: VOV |
Đại biểu Nguyễn Đắc Quỳnh thông tin, chưa nghe báo cáo về bản tường trình của các phụ huynh liên quan đến việc nâng điểm là cán bộ, đảng viên gửi Tỉnh ủy Sơn La.
"Ban Tổ chức Tỉnh uỷ vẫn đang làm và sẽ làm việc với chi bộ có những đảng viên này, kêu gọi nhận sai. Cái này cần quá trình", đại biểu nói. Đồng thời khẳng định: Không có vùng cấm. Sẽ chỉ có xử lý nghiêm minh, trên cơ sở căn cứ kết quả điều tra. Điều tra đến đâu xử lý đến đó. Quan điểm của Thường vụ Tỉnh ủy rất quyết liệt. Một tuần Tỉnh ủy yêu cầu tổ chức, kiểm tra, công an phải báo cáo một lần.
Trước câu hỏi "Giá nâng điểm trung bình cho mỗi trường hợp là 1 tỷ đồng vừa qua khiến dư luận xôn xao. Là lãnh đạo tỉnh, ông nghĩ gì?", đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La cho biết mới chỉ nghe Phó viện trưởng Viện kiểm sát tỉnh nói rằng thông tin này mới là một phía, chưa được kiểm chứng.
"Tuy nhiên, chúng tôi đã yêu cầu phải làm rõ bằng được. Nếu chứng minh không có việc này, nhưng có chuyện lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm lợi, trục lợi cũng phải xử lý, dù không có tiền. Nếu dùng tiền để tác động nâng điểm thì dứt khoát phải xử lý theo tội nhận hối lộ", Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La nhấn mạnh.
Sáng cùng ngày, tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đánh giá, kỳ thi THPT năm 2018 có 3 điểm hạn chế chính. Thứ nhất, phần mềm chấm thi còn lỗ hổng, dẫn đến người xấu lợi dụng can thiệp. Thứ hai, công tác quán triệt quy chế thi, hướng dẫn nghiệp vụ chưa làm tốt. Thứ ba, công tác thanh, kiểm tra chưa sâu sắc.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, các địa phương theo phân cấp cũng chưa thực hiện đủ trách nhiệm, có việc lựa chọn cán bộ tham gia chưa đáp ứng yêu cầu, thậm chí chính những người này chủ động thông đồng, kết nối với nhau để thực hiện nâng khống điểm.