Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý chất thải chăn nuôi còn nhiều bất cập

Thanh Hoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 18/7, tại Hội thảo Quản lý chất thải chăn nuôi, giải pháp và đề xuất chính sách xử lý môi trường bền vững trong chăn nuôi, đại diện Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNN) cho biết, tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi còn cao do phương thức và tập quán chăn nuôi vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán xả thải tự nhiên ra môi trường và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trực tiếp, phạm vi, quy mô rộng lớn.

 Toàn cảnh Hội thảo Quản lý chất thải chăn nuôi, giải pháp và đề xuất chính sách xử lý môi trường bền vững trong chăn nuôi.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT về chăn nuôi, cả nước hiện có khoảng 12 triệu hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi và 23.500 trang trại chăn nuôi tập trung. Trong đó, phổ biến là chăn nuôi lợn (khoảng 4 triệu hộ) và gia cầm (gần 8 triệu hộ), với tổng đàn khoảng 362 triệu con gia cầm, 29 triệu con lợn và 8 triệu con gia súc, mỗi năm khối lượng nguồn thải từ chăn nuôi ra môi trường là một con số khổng lồ - khoảng 84,5 triệu tấn chất thải rắn và 50 triệu mét khối chất thải lỏng. Tuy nhiên chỉ có khoảng 60% được xử lý, còn lại 40% lượng chất thải chăn nuôi vẫn được thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm. Qua khảo sát thực tế ở Việt Nam, chăn nuôi quy mô trang trại và thâm canh, mặc dù có áp dụng biện pháp xử lý môi trường, nhưng vẫn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Việc quản lý môi trường chăn nuôi còn nhiều bất cập, công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi quy mô trang trại còn thô sơ, thiếu sự quan tâm thỏa đáng của các cấp chính quyền, thói quen lao động chưa gắn chặt với việc bảo vệ môi trường; Phương thức và tập quán chăn nuôi vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán xả thải tự nhiên ra môi trường và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trực tiếp, phạm vi, quy mô rộng lớn.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra một số giải pháp để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường của ngành chăn nuôi như, xây dựng các cơ sở xử lý chất thải tập trung, chuyển giao các công nghệ xử lý có hiệu quả kinh tế môi trường cao nhất là công nghệ làm sạch khí sinh học, điện khí sinh học, vi sinh vật giúp ủ phân nhanh hoai, công nghệ phân loại chất thải tại nguồn; Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và chuyển giao các công nghệ xử lý các bon thấp các chất thải chăn nuôi, ưu tiên các công nghệ điện khí sinh học... Giám đốc Dự án Hỗ trợ Nông nghiệp Các bon thấp (Lcasp) Nguyễn Thế Hinh, cho biết: Chất thải trong chăn nuôi rất lớn, nếu xử lý sẽ trở thành nguồn điện năng, phân bón hữu cơ tại các trang trại thông qua công nghệ ép phân, ủ phân compost. Kết nối các doanh nghiệp sản xuất phân bón nhằm tiêu thụ nguồn phân hữu cơ nuyên liệu từ trang trại. “Do đó, thời gian tới, Lcasp sẽ tập trung vào các giải pháp trên để hỗ trợ các hộ chăn nuôi và trang trại”- ông Hinh nói.