Xử lý chất thải trong hoạt động y tế: cần một giải pháp đồng bộ

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chất thải y tế đang là một trong những vấn đề môi trường cấp bách tại Việt Nam. Việc quản lý không đúng cách đối với loại chất thải nguy hại này, sẽ gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng và môi trường.

Công tác thu gom, xử lý chất thải y tế ở nước ta hiện còn nhiều bất cập, tồn tại.
Công tác thu gom, xử lý chất thải y tế ở nước ta hiện còn nhiều bất cập, tồn tại.

Nhiều bất cập

Chất thải y tế là một nguồn nguy hiểm lớn nếu không được xử lý đúng cách. Việc quản lý và xử lý chất thải y tế hiệu quả không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn giảm nguy cơ lây nhiễm và bảo đảm an toàn cho cộng đồng.

Tại Việt Nam, việc quản lý chất thải y tế đã được quy định chi tiết trong các văn bản pháp luật như Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Y tế, và các nghị định, thông tư liên quan. Theo quy định, các cơ sở y tế phải thực hiện phân loại chất thải tại nguồn, đảm bảo mỗi loại chất thải được xử lý theo quy trình phù hợp.

Ngoài ra, nhiều cơ sở y tế nhỏ lẻ, thậm chí cả một số bệnh viện tư nhân, vẫn còn tình trạng xả thải y tế ra môi trường một cách tùy tiện. Việc vứt bỏ kim tiêm, băng gạc, túi đựng máu ra các khu vực sông ngòi, kênh rạch không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các loại vi khuẩn, virus gây bệnh có thể tồn tại trong môi trường đất, nước trong thời gian dài, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe con người.

Trên thực tế, phần đa các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh tại Việt Nam đều chưa có hệ thống xử lý nguồn nước thải đạt chuẩn. Chính vì vậy, khi nước thải được xả trực tiếp sẽ tiếp cận và có thể gây ô nhiễm môi trường nước mặt một cách nghiêm trọng.

Cần có quy trình xử lý chất thải y tế đồng bộ và hiện đại.
Cần có quy trình xử lý chất thải y tế đồng bộ và hiện đại.

Cần có quy trình xử lý đồng bộ

Theo các chuyên gia, để cải thiện quy trình xử lý chất thải y tế tại Việt Nam, cần có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả. Trước hết, việc quản lý chất thải y tế đòi hỏi một khung pháp luật chặt chẽ và đầy đủ. Để nâng cao hiệu quả quản lý, cần có những điều chỉnh kịp thời và sâu sát. Việc bổ sung, sửa đổi các quy định hiện hành là cấp bách.

Cần xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức và cá nhân trong suốt quá trình từ khi chất thải phát sinh đến khi xử lý hoàn toàn. Bên cạnh đó, việc tăng cường chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm là cần thiết để tạo sức răn đe, đảm bảo mọi chủ thể đều tuân thủ pháp luật.

Bên cạnh đó, nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là cán bộ y tế, đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý chất thải y tế. Việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục là vô cùng cần thiết. Các hoạt động như tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn, triển khai các chương trình truyền thông đại chúng sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về tác hại của chất thải y tế và tầm quan trọng của việc xử lý đúng cách.

Cùng với đó, các cơ sở y tế cần được trang bị đầy đủ các thiết bị thu gom, phân loại, xử lý chất thải theo đúng quy định. Việc xây dựng các nhà máy xử lý chất thải y tế tập trung, hiện đại cũng là một giải pháp cần thiết. Đồng thời, cần có một kế hoạch bảo trì, sửa chữa hệ thống thường xuyên để đảm bảo các thiết bị luôn hoạt động ổn định.

Một giải pháp khác cần được chú trọng là việc hợp tác giữa các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực xử lý chất thải. Các doanh nghiệp có thể đầu tư vào các dự án xử lý chất thải y tế, cung cấp các giải pháp công nghệ tiên tiến và hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ sở y tế.

"Việc hợp tác quốc tế là rất quan trọng để chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ trong việc xử lý chất thải y tế. Việt Nam cần tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế để nâng cao hiệu quả quản lý chất thải" – một chuyên gia môi trường của Tổ chức Y tế thế giới cho biết.

Chính phủ cũng cần đưa ra các chính sách hỗ trợ, khuyến khích cơ sở y tế và doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực xử lý chất thải. Các chính sách này có thể bao gồm việc miễn giảm thuế, hỗ trợ tài chính và kỹ thuật, và tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư.

 

Theo các số liệu thống kê từ nhiều báo cáo của Cục Quản lý Môi trường y tế năm 2022, hàng ngày có khoảng 440.7 tấn rác thải rắn y tế phát sinh tại Việt Nam. Trong đó, có khoảng 71.5 tấn rác thải xếp vào nhóm nguy hại.Ngoài ra, các hoạt động trong ngành này còn tạo ra trung bình 130.000m3 nước thải mỗi ngày. Điều này mang đến nhiều nguy cơ cho môi trường cũng như gánh nặng cho hoạt động kiểm soát và xử lý.