Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý cơ sở không đảm bảo yêu cầu phòng cháy chữa cháy: Nhiều vướng mắc chờ tháo gỡ

Bài, ảnh: Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi HĐND TP ban hành NQ 05 về“Quy định việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu PCCC trên địa bàn Hà Nội được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC số 27/2001/QH10 có hiệu lực”và UBND TP ban hành Kế hoạch 183 ngày 7/8/2017, hầu hết quận, huyện, sở, ngành nghiêm túc xây dựng kế hoạch, lộ trình đúng chỉ đạo của TP. Song vẫn còn không ít những tồn tại, đòi hỏi quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa từ các cấp chính quyền, nhà quản lý đến từng người dân.

Đã có thay đổi trong nhận thức

Với các cơ sở thuộc đối tượng điều chỉnh của NQ, quận, huyện đã phối hợp với lực lượng cảnh sát PCCC và các ngành xây dựng kế hoạch rà soát, khái toán kinh phí tổ chức thực hiện. Trong đó, rất nhiều đơn vị thuê cả thiết kế, đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn, thậm chí đã đưa vào đấu thầu một số dự án để bổ sung khắc phục.

Chẳng hạn, với 17 cơ sở thuộc đối tượng điều chỉnh của NQ, đến nay quận Hai Bà Trưng đã đưa vào danh mục đầu tư công 10 cơ sở (gần 400 tỷ đồng), còn 7 cơ sở thuộc diện bổ sung (gần 50 tỷ đồng).
 Đoàn giám sát của HĐND TP khảo sát công tác PCCC tại Khách sạn Hà Nội, quận Ba Đình.
Tại quận Ba Đình, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Bùi Thanh Bình chia sẻ: Rà soát có 53 cơ sở còn tồn tại về PCCC thì 10 cơ sở đã xây dựng kế hoạch, khái toán kinh phí, thẩm duyệt hồ sơ thiết kế về PCCC; 6 cơ sở thuộc quận quản lý đã được phê duyệt chủ trương đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 đang lập hồ sơ…

Tại huyệnThanh Trì, với nhiều chung cư, chợ, kho tàng, làng nghề nhưng vừa qua cũng rất ít xảy ra cháy nổ. “Huyện đã có chuyển biến tích cực trong nhận thức của DN, cán bộ, công chức, người đứng đầu cơ sở về tầm quan trọng của PCCC. Chúng tôi đã chỉ rõ từng phần cần khắc phục cho các cơ sở; những vi phạm phát sinh sau NQ đều được xử lý”- Đội phó Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) - Công an huyện Thanh Trì Nguyễn Tuấn Dũng cho hay.

Khó khăn từ cơ chế đến kinh phí

Dù đã đạt kết quả đáng khích lệ, song theo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an TP, rà soát toàn TP hiện còn trên 1.100 cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC số 27 có hiệu lực, cần áp dụng biện pháp khắc phục, tăng tới 555 cơ sở so với giai đoạn khảo sát sơ bộ. Trong đó, nhiều nhất là 372 nhà chung cư, tập thể, nhà cho thuê để ở; tiếp đến là hàng trăm trường học, cơ sở giáo dục, xưởng sản xuất, kho chứa hàng hóa; hàng chục chợ, bệnh viện…

Khảo sát mới đây do Ban Pháp chế HĐND TP chủ trì cho thấy, những tồn tại về PCCC chậm được các cơ sở khắc phục trước hết do loại hình tồn tại đa dạng, nhất là kho hàng, xưởng sản xuất xen lẫn khu dân cư, khu tập thể (KTT) cũ. Việc đề xuất lộ trình khắc phục, phân công trách nhiệm giữa các đơn vị với những cơ sở thuộc nguồn ngân sách cũng gặp trở ngại; đầu tư cho PCCC cần kinh phí lớn, qua nhiều thủ tục. Hơn nữa, trong khi số cơ sở thuộc đối tượng điều chỉnh của NQ tăng nhiều so với khảo sát bước đầu thì một số yêu cầu để đáp ứng tiêu chuẩn hiện hành rất khó thực hiện, phải có ý kiến của bộ, ngành T.Ư, nhất là với tồn tại liên quan đến kiến trúc. Đặc biệt, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thanh Hải cho hay, đến nay vẫn chưa có cơ chế tài chính cho việc đầu tư nâng cấp, cải tạo các chợ do Nhà nước quản lý, nhất là chợ xuống cấp nghiêm trọng, chợ chưa đảm bảo điều kiện PCCC. Còn theo lãnh đạo quận Thanh Xuân, nhiều DN chưa chủ động khắc phục tồn tại về PCCC mà lý do đưa ra là sau cổ phần hóa, DN hạn hẹp kinh phí hoạt động, không bố trí được kinh phí riêng phục vụ.

"Thực hiện NQ 05 và Kế hoạch 183 đã tạo những chuyển biến mạnh ở mọi cấp, ngành; song từ đầu năm đến nay tại TP vẫn xảy ra hơn 500 vụ cháy, nên các sở, ngành, quận, huyện cần quyết liệt hơn trong triển khai nhiệm vụ. Đặc biệt, Sở Xây dựng phải phát huy cao hơn vai trò cơ quan quản lý nhà. Với những yếu tố khác như trang bị hệ thống báo cháy, bình bọt…, các sở, quận, huyện phải chủ động tham mưu TP, đề nghị cơ sở thực hiện. Cần có lộ trình từng bước xử lý tồn tại, nhưng quan trọng là Sở Tài chính phải chủ động đề xuất TP về kinh phí chi cho dự phòng cấp bách như thiên tai, PCCC…" - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu

Tuy nhiên, nhiều ý kiến thừa nhận, có cả những nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng chậm trễ này. Theo lãnh đạo Sở Công Thương, các cán bộ quản lý không có nghiệp vụ chuyên sâu về PCCC; người lao động trực tiếp liên quan đến an toàn PCCC tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa thường xuyên được nâng cao nhận thức, nghiệp vụ. Hơn nữa, trong các chợ còn hiện tượng lấn chiếm đường, tận dụng các diện tích để bố trí quầy hàng, nên không bảo đảm khoảng cách giữa các quầy; hoặc nhà dân sát với chợ, cũng gây cản trở PCCC. Đáng chú ý, lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhận xét, có những huyện chậm xây dựng kế hoạch, thành lập tổ công tác, báo cáo…, phải đôn đốc nhiều lần, như Ứng Hòa, Thanh Oai, Mỹ Đức, Thường Tín, Phú Xuyên.

Đưa nội dung PCCC vào giải trình, giám sát

Theo nhiều ý kiến, qua hơn 1 năm thực hiện NQ 05 trên địa bàn TP mới cơ bản tạo được chuyển biến trong nhận thức của hệ thống chính trị, nên đòi hỏi các cấp, ngành vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Đặc biệt, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đề nghị HĐND TP chỉ đạo HĐND cấp huyện tăng kiểm tra việc thực hiện NQ, đưa vào chương trình giám sát thường kỳ; UBND TP chỉ đạo các sở, UBND cấp huyện khẩn trương rà soát, tổng hợp loại hình cơ sở, nguồn kinh phí gửi sở tham mưu TP bố trí ngân sách thực hiện. Trước khó khăn thực tế, UBND nhiều quận, huyện cũng đề xuất TP sớm ban hành biểu mẫu kiểm tra, đánh giá chung với những đối tượng thuộc diện điều chỉnh của Kế hoạch 183 để việc xác định sai phạm được thống nhất; TP bổ sung kinh phí cho ngân sách cấp huyện trong thực hiện NQ. Riêng với loại hình chợ, Sở Công Thương Hà Nội đề xuất được sử dụng ngân sách để cải tạo sửa chữa chợ do Nhà nước quản lý, và TP cần có chính sách cho vay ưu đãi trong việc xây dựng các công trình đảm bảo PCCC có giá trị lớn.

Đáng chú ý, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam kiến nghị UBND TP chỉ đạo các đơn vị cần yêu cầu các loại hình văn phòng, khách sạn bổ sung ngay hệ thống báo cháy, bình chữa cháy. Với khu tập thể, nhà chung cư, chính quyền quận - Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH cần phối hợp chỉ đạo giải tỏa ngay toàn bộ bãi xe, công trình… lấn chiếm lối thoát nạn. “Khi đã hướng dẫn mà cơ sở cố tình vi phạm thì phải xử lý, thậm chí đề nghị khởi tố nếu cần. Phía các hộ dân, cần trang bị ngay bình chữa cháy; tại lồng cọp cắt một ô làm cửa thoát nạn. Nếu các hộ vẫn không thực hiện, cần kiên quyết lập biên bản, cưỡng chế”- ông Nam nhấn mạnh.

Nhấn mạnh toàn TP còn trên 1.100 công trình có tồn tại rất lâu về PCCC cần khắc phục, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cũng nêu rõ: Việc thực hiện Kế hoạch 183 còn nhiều phần việc đang chậm, nên các sở, ngành, quận, huyện, thị xã cần khẩn trương đẩy nhanh tiến độ. Đặc biệt, cùng với tăng cường tuyên truyền, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH cần tham mưu UBND TP lựa chọn những công trình trọng yếu có nguy cơ cao về PCCC tập trung làm trước. Ban Pháp chế HĐND TP tính cách xử lý một số đơn vị cố tình chây ì; tham mưu HĐND TP đưa nội dung PCCC vào các phiên giải trình, chất vấn để nâng trách nhiệm, mới tạo chuyển biến mạnh tại cơ sở. Riêng về bố trí ngân sách, để giải quyết những vấn đề cấp bách như thiên tai, hỏa hoạn, TP không thể để thiếu kinh phí thực hiện.