Bà Ngô Thị Doãn Thanh cho rằng, hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm ở cả cơ quan tiếp nhận, giải quyết và tham mưu giải quyết vẫn còn.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP, qua thực hiện giám sát nhận thấy hầu hết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân đều có cơ sở, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực đất đai, quản lý đô thị. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn 71 vụ trong tổng số 176 vụ việc tồn đọng được giải quyết. Nhiều vụ việc còn có sự né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, chính quyền cơ sở chưa thực sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt dẫn tới khiếu nại tố cáo kéo dài, phức tạp và gay gắt. Về kiến nghị của cử tri, một số ý kiến trả lời chưa đi thẳng các vấn đề mà cử tri nêu ra, chưa nêu rõ giải pháp và lộ trình giải quyết. Nhiều vụ việc kéo dài, nhất là những kiến nghị liên quan tới sửa đổi, bổ sung, ban hành chính sách.
Đoàn giám sát cũng đề nghị UBND TP tập trung chỉ đạo giải quyết một số vấn đề "nóng" như bán nhà theo Nghị định 61/CP, chất lượng nhà tái định cư, quản lý chung cư, xây dựng mới chung cư cũ và một số vụ việc cụ thể như vụ Công ty IDC tại Tây Hồ, tháo dỡ tháp nước Trung Tự tại Đống Đa…
Trước các kiến nghị của đoàn giám sát, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, kéo dài gây bức xúc trong nhân dân, đề xuất tháo gỡ về cơ chế chính sách và ngay cả khi chưa giải quyết được thì cũng thông báo rõ tới người dân.
Theo Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh, cái đích của việc giải quyết khiếu nại tố cáo và kiến nghị của cử tri là thực hiện các quyết định giải quyết, chứ không phải lúc nào người dân nhắc lại các cơ quan mới đôn đốc, không nói đến lại chìm đi. Đoàn giám sát đề nghị UBND TP tập trung xây dựng cơ chế, biện pháp để tổ chức thực hiện những điều đã trả lời kiến nghị của cử tri, thực hiện kết luận giải quyết một cách có hiệu quả…