Xử lý dứt điểm hư hỏng đường Hồ Chí Minh

Minh Tường - Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ghi nhận thực tế cho thấy, mỗi ngày tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Km426 + 500 chạy qua dốc Đồng Đầm, xã Thủy Xuân Tiên phải oằn mình cõng hàng trăm lượt xe có dấu hiệu chở quá tải, cơi nới thành thùng chất hàng chục tấn đất đá, xi măng, bê tông…

Ngày 17/10, báo Kinh tế & Đô thị có bài viết “Km426 + 500, đường Hồ Chí Minh: Đường hỏng liên tục vì xe tải nặng” phản ánh về việc tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Km426 + 500 chạy qua dốc Đồng Đầm, xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội liên tục rơi vào tình trạng bong tróc, xuống cấp do xe quá tải. Tiếp thu phản ánh của báo, ngày 18/10, Đội CSGT số 12 (Công an TP Hà Nội) đã ra quân xử lý, nhắc nhở xe tải vi phạm về tải trọng trên tuyến đường này.

Xử lý nghiêm xe quá tải

Ghi nhận thực tế cho thấy, mỗi ngày tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Km426 + 500 chạy qua dốc Đồng Đầm, xã Thủy Xuân Tiên phải oằn mình cõng hàng trăm lượt xe có dấu hiệu chở quá tải, cơi nới thành thùng chất hàng chục tấn đất đá, xi măng, bê tông… di chuyển qua với tốc độ cao.

Vào những ngày nắng nóng, bụi từ mặt đường bay mù mịt vào nhà dân, trời mưa thì các ổ trâu, ổ gà tạo thành những hố nước sâu hoắm. Đơn vị quản lý, duy tu sửa chữa liên tục song không xuể, không bắt kịp tốc độ hư hỏng của cung đường.

Đội CSGT số 12 (Công an TP Hà Nội) ra quân xử lý, nhắc nhở xe tải vi phạm về tải trọng trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Ảnh: Phạm Công
Đội CSGT số 12 (Công an TP Hà Nội) ra quân xử lý, nhắc nhở xe tải vi phạm về tải trọng trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Ảnh: Phạm Công

Trước thực trạng này, sáng 18/10, Đội CSGT số 12 (Công an TP Hà Nội) đã ra quân xử lý, nhắc nhở xe tải vi phạm về tải trọng trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện xe đầu kéo BKS 99C-091.00 kéo theo rơ moóc chở quá tải 26%.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Thuật – Phó Đội trưởng Đội CSGT số 12 cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi chia thành nhiều chốt trực, thường xuyên tuần tra, kiểm soát xe quá khổ, quá tải chạy qua địa bàn. Từ ngày 20/6 đến nay, Đội đã tiến hành lập biên bản xử phạt 140 trường hợp xe chở quá tải trọng cho phép, 23 trường hợp cơi, nới thành thùng và 103 trường hợp làm rơi vãi hàng hóa ra đường”.

Theo Thiếu tá Nguyễn Ngọc Thuật, khu vực đường mòn Hồ Chí Minh là địa bàn giáp ranh giữa Hòa Bình và Hà Nội. Bên phía Hòa Bình có nhiều mỏ khai thác đá, bãi tập kết vật liệu xây dựng nên xe tải hoạt động thường xuyên. Khi thấy lực lượng chức năng, nhiều tài xế thông báo cho nhau để trốn hoặc đổi lộ trình di chuyển, không ít trường hợp cố tình chây ì không xuất trình giấy tờ hoặc bỏ lại phương tiện khiến cho việc xử lý gặp nhiều khó khăn.

Cần sự phối hợp chặt chẽ

Liên quan đến vấn đề hư hỏng mặt đường Hồ Chí Minh, đoạn Km426 + 500 qua dốc Đồng Đầm, xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, đại diện Đội Thanh tra GTVT huyện Chương Mỹ cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến việc đoạn đường hư hỏng là do người dân tưới nước thường xuyên làm yếu nền đường, sau khi xe tải đi qua, khiến mặt đường hư hỏng. Cũng theo vị này, cần có giải pháp đồng bộ mới xử lý triệt để tình trạng hư hỏng đường tại khu vực trên.

Ông Trần Mạnh Danh - Đội trưởng Đội Quản lý giao thông 4 (Công ty CP Xây dựng đường bộ 1 Hà Tây) cho biết: “Đoạn đường này có hệ thống hạ tầng chưa đồng bộ, hệ thống thoát nước kém, khi người dân tưới nước ra đường hay trời mưa nước không kịp thoát sẽ ngấm xuống nền đường, làm yếu sức chịu lực, cường độ xe tải di chuyển thường xuyên sẽ làm nứt, gãy mặt đường, mặc dù chúng tôi liên tục duy tu, bảo trì”.

Theo ông Trần Mạnh Danh, tại Văn bản số 2287/UBND-ĐT của UBND TP Hà Nội, việc phân công nhiệm vụ trong công tác quản lý hệ thống thoát nước trên các tuyến đường TP Hà Nội quản lý khu vực ngoại thành hiện vẫn đang thuộc Ban Duy tu các công trình xây dựng hạ tầng đô thị thuộc Sở Xây dựng chịu trách nhiệm quản lý và bảo trì đến hết tháng 12/2024 nên không thể sửa chữa, nâng cấp được. Vị này cho rằng, cần có sự phối hợp giữa Sở GTVT và Sở Xây dựng để xây dựng hệ thống thoát nước nhanh chóng, đồng bộ hơn mới có thể giải quyết triệt để tình trạng hư hỏng đoạn đường này.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cho rằng: “Nước là “kẻ thù” của đường nhựa, bởi vậy cần hạn chế tình trạng tưới nước ra đường. Tuy nhiên, cuộc sống của người dân không bị ảnh hưởng thì mới hạn chế được việc tự ý tưới nước ra đường. Do đó, lực lượng chức năng cũng cần có những biện pháp mạnh tay, xử lý phương tiện chở hàng quá khổ, quá tải, làm rơi vãi đất đá ra đường”.

 

"Cần có sự đầu tư đồng bộ cả đoạn đường, lắp đặt đèn tín hiệu, biển báo từ xa để phương tiện chủ động về tốc độ khi đến nút giao, giảm áp lực khi phanh gấp xuống mặt đường.

Bên cạnh đó, cần bóc toàn bộ mặt, nền đường hiện tại để thi công một cách đồng bộ. Nếu cứ chắp vá, bảo dưỡng không những tốn kém mà còn đem lại hiệu quả không cao." - Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần