Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý hàng giả, hàng nhái: Quy định chưa sát thực tế

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 185/2013 NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm của Bộ Công Thương vẫn còn những khoảng trống so với thực tế, cần sửa đổi phù hợp.

Đó là khẳng định của Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội Trịnh Quang Đức với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về dự thảo này.
Ông có thể đánh giá về hoạt động chống sản xuất, buôn bán hàng giả trên địa bàn Hà Nội thời gian qua?

- Trong thời gian qua, tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả diễn ra phức tạp. Ngoài làm giả hàng hóa của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, các đối tượng còn làm giả cả mặt hàng do DN Việt sản xuất. Nhóm mặt hàng bị làm giả chủ yếu là thực phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, quần áo, đồ gia dụng, hàng tiêu dùng…
Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội Trịnh Quang Đức kiểm tra xuất xứ hàng hóa tại một siêu thị trên địa bàn. Ảnh: Hoài Nam
Thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) rất đa dạng. Đối với hàng hoá đòi hỏi sử dụng công nghệ cao, khó sản xuất thì các đối tượng thường đặt sản xuất gia công ở các nước như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan... sau đó chuyển về Việt Nam tiêu thụ. Đối với hàng hoá không đòi hỏi kỹ thuật cao, mẫu mã đơn giản, giá rẻ phù hợp với đa số người lao động có thu nhập thấp thường được sản xuất ngay trong nước.

Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ảnh hưởng như thế nào đến công tác phòng chống gian lận thương mại, hàng giả của lực lượng chức năng?

- Sau gần 5 năm thi hành một số quy định của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP đã bộc lộ hạn chế, tính khả thi chưa cao. Cụ thể, một số hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức phạt tiền, biện pháp khắc phục hậu quả chưa bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể, một số thuật ngữ chưa được giải thích rõ ràng hoặc chưa phù hợp với các quy định pháp luật về quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực có liên quan gây khó khăn cho công tác xử lý vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, Nghị định thiếu một số hành vi vi phạm, chế tài xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả làm giảm hiệu quả của công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính.

Bộ Công Thương vừa đưa ra dự thảo sửa đổi Nghị định số 185/2013/NĐ-CP. Ông đánh giá như thế nào về những sửa đổi trong dự thảo này?

- Mặc dù dự thảo sửa đổi Nghị định số 185/2013/NĐ-CP đã phần nào hỗ trợ lực lượng chức năng trong việc xử lý hàng giả, hàng nhái nhưng vẫn còn những khoảng trống chưa sát thực tế cần phải sửa đổi, làm rõ. Cụ thể, tại khoản 5 Điều 1 sửa đổi khoản 9 Điều 3: quy định "Tem, nhãn, bao bì giả” gồm đề can, nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, các loại tem chất lượng, phiếu bảo hành, niêm màng co hàng hóa… có chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ của thương nhân khác; Giả mạo tên thương mại, thương phẩm, mã số đăng ký lưu hành hàng hóa, bao bì hàng hóa của thương nhân khác... Cách tiếp cận trên vẫn chưa điều chỉnh về các loại tem, nhãn giả khác như tem chống hàng giả, tem truy xuất nguồn gốc, tem rượu nhập khẩu, tem rượu sản xuất trong nước... dẫn đến việc xử lý của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, trong sửa đổi khoản 14 Điều 3 về khái niệm hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ quá rộng, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc xử lý hàng hóa không đủ giấy tờ bởi giao dịch dân sự không chỉ thể hiện bằng văn bản mà cả bằng lời nói như thỏa thuận miệng trong giao dịch mua bán. Ngoài ra, tại điểm a khoản 3 Điều 80 về trưng bày hàng giả, nhái nhãn mác tại hội chợ nhưng không nói rõ đó là hàng giả... Đây là điều khoản mới bổ sung trong dự thảo nghị định, tuy nhiên biện pháp khắc phục hậu quả lại không có quy định về xử lý đối với hàng hóa vi phạm.

Bên cạnh việc sửa đổi các quy định xử phạt vi phạm hành chính, thời gian tới, chúng ta cần có các giải pháp như thế nào để ngăn chặn sản xuất, buôn bán hàng giả?

- Muốn ngăn chặn hàng giả, bên cạnh sự vào cuộc tích cực từ các cơ quan pháp luật thì cần cả vai trò của DN chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ. Khi bị làm giả sản phẩm, nhái thương hiệu DN cần chủ động gửi đơn khiếu nại hoặc đến các cơ quan thực thi. Đối với người tiêu dùng cần nâng cao tinh thần cảnh giác khi mua hàng và phải nhận thức rõ nhiệm vụ của mình trong việc chống hàng nhái, hàng giả. Cụ thể, không sử dụng hàng nhái, hàng giả và thông báo với cơ quan chức năng khi phát hiện hành vi buôn bán, sản xuất hàng giả. Bên cạnh đó, mức độ xử phạt cũng cần được xem xét lại sao cho phù hợp thực tế.

Xin cảm ơn ông!