Sunday, 00:00 01/01/2012
Xử lý hàng tồn kho: Bài toán khó cho doanh nghiệp
KTĐT - Trong tháng đầu năm 2012, tỷ lệ hàng tồn kho của nhiều DN tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái, điều đó cho thấy sức mua sụt giảm.
Để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, đòi hỏi các DN điều chỉnh hướng sản xuất, phát triển hệ thống phân phối sản phẩm.
Hàng tồn tăng cao
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số tồn kho tháng 1/2012 của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 21,1% so với cùng kỳ 2011. Trong đó, sản xuất cáp điện và dây điện có bọc cách điện tăng 88%; xi măng 84,4% (tồn kho 2 triệu tấn) ; bột giấy, giấy và bìa tăng 82,6%; giường, tủ, bàn ghế tăng 77,8%; bia và mạch nha tăng 50,7%; giày dép tăng 49,9%; mô tô, xe máy tăng 49,5%; thức ăn gia súc tăng 42%...
Việc lượng hàng tồn kho khá lớn đã gây không ít khó khăn cho DN trong việc định hướng hoạt động sản xuất cho những tháng tiếp theo. Ông Hồ Đức Lam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhựa VN (VPA) cho biết: "Dịp Tết vừa qua, các DN thành viên của VPA chỉ tiêu thụ được khoảng 2/3 lượng hàng đã sản xuất, dẫn đến lượng vốn bị tồn đọng khá lớn. Không chỉ ngành nhựa mới lâm vào cảnh hàng tồn khó bán mà nhiều ngành sản xuất khác cũng đang trong tình trạng tương tự. Trong khi đó, theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, do chính sách thắt chặt tín dụng, kiềm chế lạm phát, nhiều công trình xây dựng tạm hoãn nên mức tiêu thụ thép giảm mạnh, lượng hàng tồn kho lên đến 500.000 tấn, nhiều DN thép chỉ có thể chạy khoảng 80% công suất.
Giải quyết thế nào?
Từ sức mua thực tế trong tháng 1/2012 cho thấy, người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu, muốn tiêu thụ được sản phẩm DN phải định vị lại nhu cầu của người tiêu dùng, có kế hoạch phân bổ sản phẩm thích hợp cho từng vùng, miền. Ông Hồ Đức Lam cho biết: "Nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, phần lớn DN ngành nhựa sẽ xem xét lại cách thức tổ chức sản xuất, phân phối hàng hóa theo hướng chuyển sang bán buôn, thay vì bán lẻ như hiện nay, từ đó hạn chế hàng tồn kho".
Để hỗ trợ các doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã yêu cầu các địa phương, đơn vị trong ngành trong hoạt động mua sắm công phải ưu tiên sử dụng hàng trong nước, hướng tới ổn định thị trường nội địa. Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, xây dựng cơ chế hỗ trợ DN khi tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa, thông qua cuộc vận động "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt".
Từ nay đến cuối năm kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến khó lường, ảnh hưởng mạnh đến sức tiêu thụ hàng hóa, để hỗ trợ DN trong việc tiêu thụ sản phẩm, liên Bộ Công Thương-Tài chính cần bổ sung thêm kinh phí cho hoạt động xúc tiến thương mại, từ đó tăng cơ hội tiêu thụ sản phẩm cho DN, ngành ngân hàng cần điều chỉnh việc hạ lãi suất cho vay, nới lỏng điệu kiện vay vốn.
Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan quản lý DN sản xuất, muốn tiêu thụ được hàng hóa cũng cần tổ chức lại sản xuất phù hợp với cung - cầu khả năng tiêu thụ. Nâng cao, mở rộng hệ thống phân phối tiêu thụ, từ đó hạn chế lượng hàng tồn kho. Không chỉ có vậy DN nên đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế từ đó tìm kiếm bạn hàng tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cần tín toán giá bán cho từng phân khúc sản phẩm sát với thị trường. Thực tế cho thấy, nhiều DN đã chú trọng đầu tư mẫu mã bao bì sản phẩm nhưng vì định giá cao nên hàng không tiêu thụ được, lượng tồn kho lớn.